Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Mua “hàng nhà làm” online: Ngon rẻ hay độc hại?

Khoa học và đời sống 9 Giờ trước

Từ bếp nhỏ đến chợ mạng sôi động

Thời gian gần đây, cụm từ “hàng nhà làm” hay “handmade” đã trở thành “ngôn ngữ” quen thuộc trên mọi nền tảng số như Facebook, Zalo, Instagram và TikTok. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng bắt gặp vô vàn bài đăng giới thiệu đủ loại sản phẩm, từ đồ ăn vặt truyền thống, bánh trái, đồ uống giải khát cho đến những món ăn cầu kỳ hơn, tất cả đều được gắn mác “tự làm”, “nguyên liệu tự nhiên”, hay “đảm bảo an toàn”. Xu hướng này đánh trúng tâm lý của một bộ phận lớn người tiêu dùng hiện nay: Tìm kiếm sự độc đáo, khác biệt, và đặc biệt tin tưởng vào những sản phẩm được làm thủ công, ít qua các quy trình sản xuất công nghiệp.

Sức hút mãnh liệt của mô hình kinh doanh này nằm ở chi phí khởi nghiệp thấp và quy trình vận hành đơn giản. Nhiều cá nhân, hộ gia đình đã biến chính căn bếp hoặc một xưởng nhỏ tại nhà thành nơi sản xuất, tận dụng triệt để sức mạnh của mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn mà không cần quá nhiều vốn đầu tư ban đầu là yếu tố hấp dẫn các “chủ nhà làm” tham gia vào sân chơi kinh doanh online.

anh-1.jpg Nhiều sản phẩm khô bò “nhà làm”... được người bán đăng trên chợ mạng nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm “nhà làm” còn được giới thiệu với những câu chuyện hấp dẫn về công thức gia truyền hay mang đậm bản sắc vùng miền. Những yếu tố này không chỉ tăng thêm giá trị cho sản phẩm mà còn kích thích sự tò mò, thúc đẩy người mua muốn trải nghiệm những hương vị, sản phẩm độc đáo mà họ khó tìm thấy ở các kênh phân phối truyền thống.

Chính nhờ những ưu điểm về sự linh hoạt, cá nhân hóa và chi phí thấp, mô hình “hàng nhà làm” đã nhanh chóng “lên ngôi”, tạo nên một phân khúc thị trường sôi động và đa dạng trên không gian mạng. Điều này không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh cho nhiều người mà còn làm phong phú thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.

Chất lượng “nhà làm” và nỗi lo của người tiêu dùng

Mặc dù được quảng cáo rầm rộ với những lời cam kết về “sự an toàn”, “nguyên liệu tự nhiên”, nhưng không ít người tiêu dùng đã có những trải nghiệm không mấy dễ chịu với các sản phẩm “nhà làm”, đặc biệt là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Nguyễn Thu Thảo (phường Chánh Hưng, TP HCM) kể lại, “tôi từng mua khô bò “nhà làm” trên một trang mạng thấy quảng cáo rất hấp dẫn. Khi nhận hàng thì thấy mùi vị không như mong đợi, lại có cảm giác hơi ẩm mốc. Sợ ảnh hưởng sức khỏe nên tôi đành bỏ đi. Đúng là tiền nào của nấy, không nên ham rẻ mà rước họa vào thân”.

Anh Trần Minh Khôi (phường Vũng Tàu, TP HCM) thì chia sẻ nỗi thất vọng với bánh Trung thu “gia truyền”, “năm ngoái, tôi đặt vài hộp bánh Trung thu “nhà làm” thấy hình ảnh rất đẹp. Nhưng khi ăn, nhân bánh có mùi lạ và không được tươi. Cảm giác rất lo lắng vì bánh để qua đêm mà không rõ nguồn gốc nguyên liệu có đảm bảo hay không?”.

“Mấy món như mắm, nem, nước sâm rất dễ hỏng nếu không được làm và bảo quản đúng cách”, chị Lê Thị Phượng (phường Thủ Dầu Một, TP HCM) bộc bạch, “tôi từng mua nem chua “nhà làm” qua mạng, ăn vào bị đau bụng ngay sau đó. Từ đó, tôi cạch luôn. Những món ăn liên quan trực tiếp đến sức khỏe thì phải hết sức cẩn thận, không thể tin lời quảng cáo trên mạng được”.

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Do thường được chế biến trong điều kiện thủ công, các sản phẩm “nhà làm” khó đảm bảo quy trình vệ sinh nghiêm ngặt như các nhà máy, xưởng sản xuất có giấy phép. Việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, nguồn nước, và đặc biệt là nguồn gốc nguyên liệu thường bị bỏ ngỏ, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về vi khuẩn, nấm mốc hoặc sử dụng phụ gia không đúng chuẩn. Đây chính là những “góc khuất” mà người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn sản phẩm “nhà làm” trên không gian mạng.

“Nhà làm” chỉ nên để nhà ăn!

Mới đây, tại tọa đàm chống hàng giả, hàng gian tổ chức tại TP HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM cảnh báo mùa bánh Trung thu 2025 đang đến gần, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng bánh Trung thu “nhà làm” rao bán tràn lan trên mạng.

anh-2.jpg Bánh Trung thu “nhà làm” với cam kết “vừa sạch, vừa ngon” nhưng liệu có thực sự an toàn và chất lượng như lời rao? Ảnh chụp màn hình

Theo bà Lan, “hàng nhà làm” chỉ nên để nhà ăn. Nếu muốn bán ra thị trường, bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định công bố, từ hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, giấy khám sức khỏe của người trực tiếp làm ra sản phẩm, làm sao biết được người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất thực phẩm.

“Chúng tôi kiểm tra phát hiện các điểm bán bánh Trung thu không có giấy tờ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Người bán hàng online nếu làm ăn đàng hoàng không ngại gì việc công khai các giấy tờ chứng minh hàng hóa theo quy định”, bà Lan khẳng định.

Cũng theo đại diện của Sở An toàn thực phẩm TP HCM, nhiều sản phẩm thực phẩm đang lạm dụng mác “hàng nhà làm”, hàng không có bao bì, nhãn mác theo quy định nhưng lại được kinh doanh ngoài thị trường. Do đó, đây sẽ là lĩnh vực được cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra thời gian tới.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thị Hương (Công ty Luật Trọng Pháp), “Việc kinh doanh trên mạng, dù là “hàng nhà làm” hay sản phẩm công nghiệp, đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, thuế và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cá nhân, hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Khi có tranh chấp hoặc sự cố, việc không có đăng ký kinh doanh, không có hợp đồng rõ ràng sẽ gây khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng trong việc đòi hỏi quyền lợi hợp pháp”.

Xem bản gốc