Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Mùa Tết của làng nghề đặc sản miền Tây

Báo Dân tộc & Phát triển 20 Giờ trước
Người dân tại các làng khô biển tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu dịp tếtNgười dân tại các làng khô biển tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu dịp tết

Làng khô biển tất bật vào vụ tết

Các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau như Phú Tân, Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển..., hiện đang vào mùa khai thác, đánh bắt, thu hoạch thuỷ sản nên nguyên liệu đầu vào tại các cơ sở thu mua đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Với làng nghề cá khoai lớn và nổi tiếng nhất ở Cà Mau, những ngày này, hơn 100 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá khô tại thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) đang tất bật làm việc mỗi ngày để kịp giao hàng dịp Tết Nguyên đán 2025. Thời điểm này, trung bình mỗi một người làm khô thuê có thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày, bởi vậy, bà con cũng tranh thủ làm để gia tăng thu nhập dịp tết.

Người dân chế biến khô cá khoai để phục vụ nhu cầu dịp tếtNgười dân chế biến khô cá khoai để phục vụ nhu cầu dịp tết

Làm nghề phơi khô được hơn 2 năm nay, bà Phạm Thị Hằng (ngụ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) chia sẻ: "Mỗi ngày thu nhập được hơn 300.000 đồng, cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Cá khô thường được phơi từ 2-3 ngày để đảm bảo trữ được lâu, thơm ngon".

Chị Lý Anh Thư, Giám đốc hợp tác xã Anh Thư thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết, để chuẩn bị hàng tết, hợp tác xã đã chuẩn bị khoảng 6 tấn hàng các loại. Theo chị Thư, nhu cầu tiêu dùng của thị trường năm nay tăng cao hơn năm trước, lượng cá rim, cá khoai, cá đù được khách ưa chuộng nên sức mua tăng gấp 3 lần so với trước.

Bà con tại làng khô huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, hối hả chuẩn bị các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đánBà con tại làng khô huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, hối hả chuẩn bị các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán

Tại Làng khô biển ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), không khí lao động cũng rất nhộn nhịp. Làng khô biển ở đây được chia thành nhiều tầng nấc, từ những gia đình làm khô nhỏ lẻ kiểu truyền thống đến các cơ sở sản xuất quy mô.

Bà Thanh Thủy, chủ cơ sở sản xuất khô Thanh Thủy (thị trấn Gánh Hào) cho biết, những ngày qua, trung bình cơ sở của bà sản xuất trên 1 tấn khô các loại, còn chả tôm, chả giò. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, cơ sở phải tăng cường thêm nhân công và tăng công suất hoạt động mới có thể cung ứng đủ. “Các loại khô sau khi sản xuất, bán ra các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ hay TP. Hồ Chí Minh…”, bà Thủy chia nói.

Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, với gần 40 cơ sở sản xuất, chế biến, mỗi năm, các cơ sở sản xuất khô ở thị trấn Gành Hào cung ứng cho thị trường từ 500 - 700 tấn các loại. Việc xây dựng thương hiệu OCOP không chỉ nâng cao giá trị mà còn giúp sản phẩm ngành khô biển ở Gành Hào ngày càng vươn xa.

Khô biển từ các làng ở các tỉnh miền Tây luôn hiện diện trong các bữa ăn của nhiều gia đìnhKhô biển từ các làng ở các tỉnh miền Tây luôn hiện diện trong các bữa ăn của nhiều gia đình

Nhộn nhịp làng làm bánh tráng 

Cùng với các loại cá khô, bánh tráng là một trong những món ăn phổ biến trong ngày tết của người dân Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng miền, được nhiều người mua để làm quà tặng người thân dịp tết.

Cận tết, tại các làng nghề bánh tráng truyền thống như cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), làng nghề Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), bà con đang hối hả làm việc từ lúc trời chưa sáng cho đến khuya. Đơn đặt hàng nhiều, một số hộ đã phải bổ sung 3-4 lò tráng bánh; có hộ còn đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, trong đó có lò sấy, vừa sấy cho sản phẩm của nhà vừa nhận sấy thuê.

Hộ làm bánh tráng ở làng nghề Thuận Hưng chuẩn bị hàng Tết cho kháchHộ làm bánh tráng ở làng nghề Thuận Hưng chuẩn bị hàng Tết cho khách

Có tuổi nghề hơn 30 năm, bà Hà Thị Sáu (P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết, dịp tết năm nay mỗi ngày cơ sở của bà cho ra lò khoảng 10.000 chiếc bánh tráng. Ngoài những mối quen thì có nhiều khách hàng mới tìm đến đặt hàng.

“Nghề này làm rất cực nhưng cũng vui, bởi ngày nào cũng có thu nhập đều đều, đỡ phải đi làm công cho người ta. Tới dịp tết lại càng bận rộn, nhộn nhịp và thu nhập cao hơn nên mọi người ai cũng phấn khởi với công việc”, bà Sáu nói.

Theo bà Sáu, đặc biệt năm nay bánh tráng làm nhiều hơn và khách hàng cũng đặt nhiều hơn mọi năm, vậy nên cơ sở của bà phải thuê thêm nhân công để làm cho kịp giao hàng. Chi phí thuê nhân công mỗi ngày là 300.000 đồng/người.

Để phục vụ bánh tráng Tết Nguyên đán, từ tháng 11 Âm lịch là cơ sở bánh tráng của bà Trần Thị Yến đã bắt đầu bận rộnĐể phục vụ bánh tráng Tết Nguyên đán, từ tháng 11 Âm lịch cơ sở bánh tráng của bà Trần Thị Yến đã bắt đầu bận rộn

Bà Trần Thị Yến (chủ cơ sở bánh tráng ở P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) chia sẻ, để phục vụ bà con ăn Tết Nguyên đán, từ tháng 11 Âm lịch là cơ sở bánh tráng của bà đã bắt đầu bận rộn. Hàng ngày mọi người phải bắt đầu làm từ 1h sáng đến khoảng 15h chiều mới xong để kịp giao hàng cho khách.

Hiện cơ sở của bà Yến có nhiều lại bánh tráng và mỗi loại sẽ có mức giá khác nhau. Trong đó,bánh lạt giá dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/70 chiếc bánh; bánh ngọt 140.000 đồng/100 chiếc, bánh đặc biệt 300.000 đồng/100 chiếc bánh; bánh dừa nướng, mè 350.000 đồng/100 chiếc bánh.

“Dù vất vả nhưng mỗi ngày có thể lãi 1 triệu đồng, thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, vậy nên ở làng nghề bánh tráng ai cũng háo hức”, bà Yến nói thêm.

Xem bản gốc