Theo nhận định của Bộ Công Thương, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) không chỉ mang ý nghĩa gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, mà còn là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác CPTPP, nhờ việc gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường trên 500 triệu dân với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore...
DOANH NGHIỆP VIỆT THAM GIA CHUỖI CUNG ỨNG CÒN HẠN CHẾ
Số liệu thống kê cho thấy kể từ khi có hiệu lực, thu hút FDI từ khối các nước CPTPP ngày càng khả quan. Nếu năm 2019, Việt Nam thu hút FDI xấp xỉ 9,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, thì đến năm 2022 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Riêng 9 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư từ các thành viên CPTPP đạt hơn 10,23 tỷ USD, trong đó 2 thành viên CPTPP là Singapore và Nhật Bản đã đóng góp 67%.
Từ góc độ thương mại, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP tăng từ 77 tỷ USD năm 2019 lên 95,5 tỷ USD năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 76 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại khoảng 6,6 tỷ USD.
Trước xu hướng gia tăng FDI và thương mại từ các đối tác trong CPTPP, tại tọa đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP”, các ý kiến đều nhận định đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, tận dụng được hiệp định này phần lớn lại là các doanh nghiệp FDI, đó là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính… Còn những doanh nghiệp liên quan đến nông, thủy sản là những doanh nghiệp thế mạnh của Việt Nam, thì mức độ tận dụng còn tương đối hạn chế. Đáng lưu ý, không chỉ CPTPP mà những Hiệp đinh thương mại (FTA) thế hệ mới khác như EVFTA hay UKVFTA, tỷ lệ tận dụng cũng chỉ dưới 10%.
Hơn nữa, với những doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường CPTPP, mặc dù họ đã tham gia được một phần nào vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI song còn rất hạn chế. Thậm chí rất khó đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường FTA, nhất là khi các hàng rào kỹ thuật đang được dựng lên ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Công ty Ôtô Toyota Việt Nam, đánh giá rất cao về năng lực tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho biết trong danh sách 60 nhà cung cấp của Toyota hiện nay thì có tới 13 nhà cung cấp thuần Việt với tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại, giúp Toyota Việt Nam nội địa hóa được hơn 1.000 linh kiện khác nhau và có những mẫu xe đạt trên 40% hàm lượng nội địa hóa.
Song ông Hiếu cũng cho rằng để trở thành nhà cung ứng trong chuỗi toàn cầu, có những điểm doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phải quan tâm cải thiện hơn. Đó là chất lượng, giá thành và vấn đề đảm bảo ổn định giao hàng. Bên cạnh đó, những yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị) cần được quan tâm nhiều hơn. Trong bối cảnh mới, ESG đang ngày càng trở nên quan trọng, trở thành tiêu chí để các tập đoàn toàn cầu phải tuân thủ và họ sẽ yêu cầu chuỗi cung ứng cũng phải đáp ứng theo.
CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP, DOANH NGHIỆP NỖ LỰC
Để doanh nghiệp có thể đáp ứng và gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI hay vươn ra toàn cầu, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, doanh nghiệp Việt Nam cần trợ lực cả từ hai phía, đó là bản thân nội lực của doanh nghiệp và từ các cơ quan ban, ngành Trung ương và địa phương.
“Ở góc độ doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy. Chúng ta đã hội nhập toàn cầu và sản phẩm muốn đáp ứng được các thị trường FTA như CPTPP, thì chúng ta sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn”, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị.
Đơn cử, gần đây thị trường EU có những quy định mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), hay thẩm định chuỗi cung ứng. Với CPTPP hay những đối tác khác cũng sẽ có xu hướng ngày càng chú trọng hơn vào những tiêu chuẩn ESG. Vì thế, doanh nghiệp sẽ phải hướng mình vào những tiêu chuẩn cao hơn để có thể đủ đáp ứng tiêu chuẩn trong chuỗi FDI.
Suốt thời gian qua, các bộ, ngành của Việt Nam cũng rất nỗ lực vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các tập đoàn toàn cầu để gia nhập vào hệ thống và chuỗi cung ứng của họ. Nhiều chính sách đưa ra đã và đang giúp doanh nghiệp hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, khi thực thi các FTA đã có những sự thay đổi nhất định, tức là chính sách đã có, nhưng từ chính sách đi được vào cuộc sống của các doanh nghiệp lại là cả một câu chuyện dài.
Theo Bộ Công Thương, trong quy trình này Việt Nam khác với các nước trong FTA. Các nước khác sau khi đàm phán FTA về sẽ không phải làm nhiều việc mà chỉ cung cấp thông tin lên hệ thống Internet là các doanh nghiệp của họ, do có năng lực tốt nên hấp thu được những hiệu lực và cam kết đó. Còn với doanh nghiệp Việt Nam thì phải cung cấp thông tin, công khai thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng.
“Giờ đây những chính sách đưa ra phải cụ thể hóa, bằng cách từ cơ quan Trung ương đến địa phương phải kết nối với nhau chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn; đồng hành với doanh nghiệp cần phải thiết thực hơn. Nghĩa là khi ban hành các chính sách đó, chúng ta sẽ phải hướng dẫn, phải cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp nhiều hơn để họ có thể tiếp cận được”, bà Phương nhấn mạnh. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp khó về vốn, Bộ sẽ kiến nghị lên Chính phủ và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hay Hiệp hội Ngân hàng để tìm ra những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tốt hơn...
“Các chính sách phải thiết kế một cách chi tiết hơn và phải đồng hành với doanh nghiệp, đo lường những kết quả một cách cụ thể. Chính sách cũng cần phải điều chỉnh. Chúng ta sẽ phải thay đổi cách thực hiện, để làm sao doanh nghiệp có thể sử dụng được chính sách tích cực của Chính phủ và ứng dụng hiệu quả để hấp thụ được các lợi ích của các FTA”, bà Phương kiến nghị.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech, cho rằng tình trạng chung của các công ty Việt Nam là có nguồn lực, nội lực và nhiệt huyết, song nguồn vốn rất hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được cải thiện về chính sách về thuế, làm sao được tiếp cận các nguồn hỗ trợ về vay vốn để có thể mở rộng sản xuất. Đồng thời, được hỗ trợ về đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội thảo trong nước và quốc tế để quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Muốn các thương hiệu của Việt Nam bước ra được khỏi lãnh thổ Việt Nam, thì sự hậu thuẫn của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao và tiếp cận được những công nghệ tiên tiến cũng rất cần thiết để có thể bắt kịp được nền kỹ thuật của những nước công nghiệp phát triển...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2024 phát hành ngày 9/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam