Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Ngành công nghiệp chip của Đài Loan đối mặt với biến động dưới thời Trump 2.0

Báo Tin tức 3 Tuần trước
Chú thích ảnh Tập đoàn TSMC, Đài Loan là công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Ảnh: Wiki

Khi chỉ còn vài tuần tại nhiệm, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và đội ngũ của ông đang gấp rút hoàn tất việc phân bổ hàng tỷ USD tài trợ để đưa ngành sản xuất chip quay trở lại Mỹ.

Được ký thành luật vào năm 2022, Đạo luật CHIPS và Khoa học của chính quyền Tổng thống Biden đã dành 280 tỷ USD để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất chip trong nước, bao gồm 39 tỷ USD trợ cấp, khoản vay và tín dụng thuế dành cho cả công ty Mỹ và nước ngoài.

Tuy nhiên, với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, tương lai của Đạo luật CHIPS đang trở nên bất định. Chính quyền Tổng thống Biden đang chạy đua để hoàn tất các cuộc đàm phán phức tạp với các nhà sản xuất chip và phân bổ nguồn tài trợ.

Trong một buổi phỏng vấn trước bầu cử trên podcast "Joe Rogan Experience", ông Trump đã chỉ trích đạo luật này, gọi nó là “quá tệ” và “phí phạm hàng tỷ USD cho các công ty giàu”. Ông cũng cáo buộc Đài Loan, nơi có Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới (TSMC), đang lấy cắp ngành công nghiệp chip từ tay người Mỹ.

Hầu hết trong số 24 công ty nhận tiền theo Đạo luật CHIPS là các công ty Mỹ, đứng đầu trong số đó là Intel, công ty đã nhận được gần 7,9 tỷ USD tiền tài trợ trực tiếp từ Bộ Thương mại Mỹ vào tháng trước.

Bốn công ty Đông Á cũng đã ký kết Đạo luật CHIPS: TSMC và GlobalWafers của Đài Loan, Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc.

Trong những tuần gần đây, Bộ Thương mại Mỹ đã hoàn tất các thỏa thuận với TSMC và GlobalWafers sau khi ký các biên bản ghi nhớ không ràng buộc trước đó.

TSMC đã đạt thỏa thuận nhận 6,6 tỷ USD trợ cấp và 5 tỷ USD tiền vay để xây dựng bốn nhà máy tại Arizona. Trong khi đó, công ty GlobalWafers của Đài Loan đã ký thỏa thuận nhận 406 triệu USD để xây nhà máy tại Missouri và Texas.

Dù ông Trump không thể đơn phương hủy bỏ Đạo luật CHIPS do đã được Quốc hội phê chuẩn, nhưng ông có thể làm chậm trễ quá trình phân bổ tiền. Theo các nhà phân tích, ông Trump có thể tìm cách đàm phán lại các điều khoản hoặc tái đề xuất đạo luật với tên gọi mới.

“Những gì Trump muốn là gắn tên tuổi mình vào mọi thứ”, ông Dan Hutcheson, Phó Chủ tịch của Tech Insights, cho biết.

Chú thích ảnh Ảnh minh họa. Quốc Dũng/TTXVN

Các công ty công nghệ châu Á có những động lực khác để duy trì hoạt động sản xuất gần nhà hơn.

Năm ngoái, Hàn Quốc và Đài Loan đã ban hành luật tương đương với Đạo luật CHIPS để tăng trợ cấp và giảm thuế cho các công ty đầu tư tại địa phương.

Đầu năm nay, Nhật Bản đã phê duyệt khoản trợ cấp 3,9 tỷ USD cho hãng sản xuất chip trong nước Rapidus, và Tokyo đặt mục tiêu chi tới 65 tỷ USD thông qua nguồn tài trợ từ khu vực công và tư nhân để bắt kịp các nước sản xuất chip hàng xóm.

Trong khi đó, Trung Quốc gần đây đã cam kết đầu tư 45 tỷ USD để củng cố ngành công nghiệp chip của nước này trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các nỗ lực khác nhằm hạn chế việc mua lại công nghệ tiên tiến của nước này.

Bộ Kinh tế Đài Loan nói với hãng tin Al Jazeera rằng sẽ không phù hợp khi bình luận về Đạo luật CHIPS và Khoa học trước khi ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, Đài Bắc đã phát tín hiệu với ông Trump rằng họ đang lắng nghe mối quan ngại của ông.

Ngay sau chiến thắng của ông Trump, tờ Financial Times đưa tin rằng Đài Loan đang cân nhắc một thỏa thuận mua vũ khí trị giá 15 tỷ USD để chứng minh với tổng thống đắc cử rằng họ "nghiêm túc" về vấn đề quốc phòng sau khi ông chỉ trích rằng Đài Loan nên chi nhiều hơn cho quân đội.

Dự đoán về chính sách kinh tế của ông Trump gây nhiều bất định, những nước dẫn đầu châu Á về công nghệ chíp bán dẫn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có khả năng đầu tư thêm để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, bao gồm việc tăng ngân sách quốc phòng và sắp xếp lại chuỗi cung ứng để đối phó với Trung Quốc.

Chính sách của ông Trump vẫn sẽ đặt khu vực châu Á trước nhiều thách thức trong thời gian tới.

Xem bản gốc