Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Ngành đường sắt trái chiều lợi nhuận vì bão Yagi

Vietstock 3 Tuần trước

Ngành đường sắt trái chiều lợi nhuận vì bão Yagi

Quý 3/2024, hoạt động vận tải hành khách tăng trưởng khả quan giúp Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn có doanh thu cao nhất nhiều năm qua, nhưng trái chiều lợi nhuận do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Yagi).

Tuyến đường sắt Bắc - Nam xuyên vườn thanh long tại Bình Thuận. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, vận tải hành khách trong nước ước đạt hơn 3.6 tỷ lượt khách, tăng 7.4% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường sắt có tốc độ tăng trưởng cao ở mức 17.8%. Tiếp sau đó, đường thuỷ nội địa (9.3%), đường biển (7.6%). Thông tin tích cực này đươc phản ánh trong bức tranh kinh doanh ngành đường sắt.

BCTC quý 3/2024 của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT) cho thấy doanh thu hơn 782 tỷ đồng, mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động (sau quý 1/2015 đạt doanh thu 849 tỷ đồng), tăng 23% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu tăng trưởng dương (quý sau cao hơn quý trước).

Tuy nhiên, HRT cho biết do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc từ 07/09) làm cho chi phí sửa chữa, khắc phục các công trình kiến trúc tăng. Đây là một trong những tác nhân chính khiến lãi ròng chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ, nhưng vẫn là lợi nhuận quý cao nhất 1 năm qua, thậm chí vượt xa số lỗ 84 tỷ đồng quý 4/2023.

Kết quả kinh doanh hàng quý của HRT giai đoạn 2020-2024

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HRT đạt gần 2,272 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, và gần bằng doanh thu cả năm 2023 (2,460 tỷ đồng). Lãi ròng giảm 23% về còn 75.5 tỷ đồng, song hơn 5 lần kết quả 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất suốt 10 năm qua của Doanh nghiệp.

Trái ngược với HRT, CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (UPCoM: SRT) đạt mức tăng trưởng 2 chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 3. Cụ thể, doanh thu thuần tăng mạnh 27% so với cùng kỳ, lên 563.5 tỷ đồng, mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động (sau quý 1/2015 doanh thu 677 tỷ đồng). Sau khấu trừ chi phí, lãi ròng ở mức kỷ lục hơn 49 tỷ đồng, tăng 14%.

Công ty cho biết doanh thu tăng do tăng phần thu nhập khác đối với thu phí trả vé hành khách. Bên cạnh đó, quý này không phát sinh khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, cùng với giảm chi phí lãi vay đã góp phần làm tăng lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SRT ghi nhận 1,645 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ, và cao hơn nhiều doanh thu năm giai đoạn 2019-2022. Lãi ròng tăng 8% lên gần 87 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt xa kết quả đạt được nhiều năm qua.

9 tháng 2024, SRT báo lãi cao hơn nhiều lần kết quả đạt được các năm trước

Năm 2024, cả HRTSRT đều đề ra kế hoạch thận trọng với lãi trước thuế lần lượt hơn 12 tỷ đồng và gần 11 tỷ đồng. Thực tế, 2 doanh nghiệp này đều vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm ngay từ quý 1.

Trước đây, HRTSRT đã trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miên khiến cả 2 cùng gánh những khoản lỗ đậm. Nhưng nhờ kết quả khởi sắc gần đây, lỗ lũy kế của HRT tại ngày 30/09/2024 giảm về 293.5 tỷ đồng, còn SRT hạ lỗ lũy kế về 294.5 tỷ đồng.

Chốt ngày hoán đổi cổ phiếu HRTSRT thành cổ phiếu công ty hợp nhất

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là 2 thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), vốn điều lệ lần lượt 800.6 tỷ đồng và 503.1 tỷ đồng. Trong đó, VNR sở hữu 91.62% vốn HRT và 78.44% vốn SRT.

HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TPHCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và 2 tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Còn SRT quản lý các tuyến từ TPHCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn...

Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/06/2024 của Thủ tướng, VNR sẽ hoàn thành sáp nhập 2 công ty thành viên là Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn thành CTCP Vận tải Đường sắt (VRT) vào trước cuối năm 2024, phương án này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu VNR đã được triển khai trong các năm qua.

Lãnh đạo VNR kỳ vọng sự hợp nhất này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn như giúp tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng của cả 2 đơn vị, đồng thời tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động.

Vào ngày 18/09, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi theo hợp đồng hợp nhất giữa HRTSRT.

Theo đó, công ty hợp nhất là CTCP Vận tải Đường sắt sẽ phát hành gần 130.4 triệu cp để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông HRTSRT, tương ứng tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 1,304 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi là 1 cp HRT đổi 1.09071 cp công ty hợp nhất, 1 cp SRT đổi 0.85565 cp công ty hợp nhất. Lượng cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Cả HRTSRT cùng chọn ngày 31/10/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để hoán đổi cổ phiếu thành cổ phiếu của công ty hợp nhất là CTCP Vận tải Đường sắt.

Thế Mạnh

FILI

Xem bản gốc