Thực trạng hoạt động ở các chợ miền núi Nghệ An
Hiện nay, trên địa huyện Tương Dương có 4 chợ đang hoạt động là chợ Hòa Bình (thị trấn Thạch Giám), chợ Trung tâm Khe Bố ( xã Tam Quang), chợ xã Tam Thái và chợ xã Nhôn Mai. Cùng với đó, địa phương cũng có 47 doanh nghiệp và 24 hợp tác xã đang hoạt động.
Nhưng, qua đánh giá của huyện Tương Dương, thực trạng sản xuất, kinh doanh và các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún. Sản xuất và bán một số sản phẩm không theo nhu cầu của thị trường; thiết kế bao bì, nhãn mác không theo thị hiếu của người tiêu dùng.
Mặc dù đã có trang Wedsite, mã QR để khách hàng dễ tiếp cận thông tin về sản phẩm. Song các sản phẩm chủ yếu đang được tiêu thụ tại chỗ, số lượng tiêu thụ ngoài huyện vẫn còn ít. Các phương tiện quảng bá như website, mạng xã hội, các trang bán hàng online… chưa được sử dụng nhiều; sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng chưa trở thành hàng hóa, số lượng phần lớn còn theo mùa vụ, không đủ cung ứng thường xuyên cho thị trường, sản xuất thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà hàng. Hàng năm phần lớn số lượng các sản phẩm bán ra được thị trường còn ít.
Câu chuyện ở huyện Tương Dương, cũng chính là bức tranh về hoạt động của các chợ; cũng như việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn trên địa bàn nhiều khu vực miền núi tỉnh Nghệ An.
Như huyện Kỳ Sơn, địa phương đang có 4 chợ gồm 1 chợ thị trấn, 1 chợ biên giới, 2 chợ xã kết nối giao thương cho tất cả Nhân dân trên địa bàn trong và ngoài huyện. Nhưng với địa hình đồi núi dốc, cách trở, xa trung tâm huyện, một số xã đang hạn chế trong giao thương tại các chợ; chưa kể, cơ sở hạ tầng các chợ trên địa bàn huyện đã xuống cấp, quy mô nhỏ. Từ thực tế đó, dẫn đến hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ít, chủ yếu trưng bày tại các diễn đàn cấp tỉnh.
Còn ở huyện Con Cuông, qua đánh giá của địa phương thì, thực trạng hệ thống chợ tại vùng đồng bào DTTS&MN vẫn đang còn lạc hậu, buôn bán lẻ tẻ, các mặt hàng còn chưa đa dạng. Quy hoạch vị trí kinh doanh còn chưa khoa học và cơ bản, hệ thống phòng cháy chữa cháy còn mất an toàn.
Thực tế hiện nay, do quá trình thiết kế xây dựng đã lâu nên một số hạng mục công trình phụ trợ của chợ ở các huyện miền núi Nghệ An bị xuống cấp; hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo… Mặt khác, trong quy hoạch chợ miền Tây Nghệ An hiện tại đang thiếu các chợ đầu mối nhằm tập kết, phân phối các sản phẩm truyền thống và đặc sản hàng hóa của mỗi vùng.
Đầu tư để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương hàng hóa ở các huyện vùng miền núi Nghệ An nhằm kích thích sản xuất của vùng phát triển, là hoạt động được các cấp chính quyền quan tâm từ rất nhiều năm qua. Bằng chứng rõ nhất, là các cấp ngành đã phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ vùng biên theo những ngày nhất định trong tháng; tổ chức hoạt động đưa hàng hóa lên vùng biên; tổ chức quảng bá, giới thiệu hàng hóa vùng miền núi; xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm tại các huyện…
Tuy nhiên, hoạt động của các chợ truyền thống, cũng như hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng DTTS&MN Nghệ An vẫn khó khăn, kém hiệu quả. Phương án khả thi là phải tính toán cho cả một giai đoạn dài.
Trước thực tế này, kể từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719, với nguồn ngân sách được phân bổ để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các chợ; cũng như đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm vùng DTTS đang được các địa phương kỳ vọng là động lực cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế ở vùng biên.
Tại huyện Kỳ Sơn, giai đoạn 2021-2025, địa phương được HĐND tỉnh phân bổ 743 triệu đồng thực hiện sửa chữa chợ xã Mường Lống theo nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 4, Chương trình MTQG 1719 về đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS&MN.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Việc đầu tư xây dựng, cải tạo chợ giúp huyện kết nối giao thương, thuận lợi cho Nhân dân mua bán, trao đổi hàng hóa. Nhưng nguồn lực giai đoạn 2021-2025 bố trí để xây mới và sửa chữa chợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì thế, trong giai đoạn tới, cần bố trí tăng kế hoạch vốn để xây dựng và sửa chữa chợ trên địa bàn các xã trung tâm.
Ở huyện Tương Dương, trong giai đoạn 2021-2025, đơn vị đã được phân bổ 4,824 tỷ đồng để triển khai xây dựng chợ vùng biên giới xã Nhôn Mai và cải tảo nâng cấp chợ Trung tâm Khe Bố, xã Tam Quang.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - Lô Thanh Nhất cho rằng: Quá trình đầu tư xây dựng, nhất là xây dựng chợ Nhôn Mai còn chậm nên ảnh hưởng đến quá trình giao thương, buôn bán của Nhân dân.
Bên cạnh đó, chợ Hòa Bình ở thị trấn Thạch Giám và chợ Tam Thái đã được đầu tư xây dựng từ lâu , đến nay đã xuống cấp ảnh hưởng đến quá trình buôn bán của người dân nên cần được nâng cấp, sửa chữa lại.
Trong giai đoạn 2026-2030, huyện đề nghị bố trí nguồn kinh phí là 15,5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 2 chợ và xây dựng mới 1 chợ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của Nhân dân.
Từ đề xuất của các địa phương, để đáp ứng hạ tầng kinh doanh tại các huyện, thị vùng miền núi thì cần phải ưu tiên nguồn lực, kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách mời gọi các tổ chức, cá nhân có tiềm lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, quản lý chợ. Có như vậy, bài toán quy hoạch chợ miền núi mới được giải đáp một cách thỏa đáng, làm nền tảng cho sự vươn lên phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.