Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Người đại diện vốn nhà nước phải có trách nhiệm dự báo, cảnh báo nguy cơ rủi ro, thua lỗ, thất thoát vốn và tài sản tại doanh nghiệp

Vneconomy 5 Giờ trước

Cho ý kiến tại hội trường kỳ họp thứ 9 Quốc hội sáng nay về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đại biểu quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu Thành phố Cần Thơ) bày tỏ đồng tình, đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày.

Đại biểu Hùng cho rằng, dự thảo luật lần này đã tiếp thu cơ bản toàn thể các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã có những chỉnh sửa mang tính chất rất căn bản liên quan đến các quy định luật, bám sát các nguyên tắc trong đó có nguyên tắc không can thiệp trực tiếp và can thiệp sâu vào quyền chủ động về đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan chủ sở hữu, hay nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, mở rộng các quyền tự quyết của doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, chuyển từ quản lý sang giám sát, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giúp các doanh nghiệp nhà nước được chủ động hơn trong quá trình quản lý và đầu tư của mình.

Là người tham gia trực tiếp nhiều vào nội dung của luật này, để hoàn thiện thêm, đại biểu Hùng đóng góp thêm ý kiến liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước cũng như quyền, trách nhiệm của kiểm soát viên nhà nước quy định tại hai điều là Điều số 39 và Điều số 42.

Hiện nay, Điều số 39 khoản 3 đang quy định: “Người đại diện phần vốn nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán”.

Theo quy định này người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ báo cáo khi doanh nghiệp đó đã thua lỗ. "Thực ra việc này giống như chuyện chúng ta chữa cháy mà chúng ta không phòng cháy. Tôi đề nghị để nâng cao trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nên quy định rõ hơn, yêu cầu người đại diện chủ sở hữu vốn cần phải có những cảnh báo và báo cáo sớm từ trước khi xảy ra thua lỗ đối với các dự án đầu tư hoặc là đối với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh khác của doanh nghiệp", ông Hùng kiến nghị. 

Do đó, đại biểu quốc hội đề nghị sửa là “người đại diện vốn nhà nước có trách nhiệm dự báo, cảnh báo những nguy cơ, rủi ro đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cho vay vốn, thoái vốn góp vốn có khả năng dẫn đến thua lỗ, gây thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu và đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp”.

Ngoài trách nhiệm báo cáo kịp thời thì người đại diện chủ sở hữu vốn doanh nghiệp nhà nước phải đề xuất các biện pháp can thiệp cho phù hợp và ngay khi có nguy cơ thì cần phải báo cáo ngay để cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra.

Tương tự như vậy, ở Điều 42 quy định về kiểm soát viên tại các doanh nghiệp nhà nước. Cũng giống như đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên cũng do cơ quan chủ sở hữu cử tham gia vào ban kiểm soát tại các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay hoạt động của các kiểm soát viên tương đối hạn chế, tức là kiểm soát viên khi được cử xuống doanh nghiệp thì lại hưởng các chế độ do doanh nghiệp chi trả, cho nên mức độ cảnh báo và can thiệp cũng như là phản biện của kiểm soát viên đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang bị hạn chế và nhiều kiểm soát viên không phát huy được hết các trách nhiệm của mình.

Chúng ta đã có 3 mục để quy định về kiểm soát viên tại doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn Nhà nước cũng như đối với đối tượng từ 50% đến dưới 100%. Tuy nhiên, ông Hùng đề xuất rằng nên chăng chúng ta đưa ngay lên luật quy định về trách nhiệm của kiểm soát viên cũng tương tự như trách nhiệm của người đại diện vốn tại doanh nghiệp, tức là anh cũng phải có những báo cáo và xử lý khi có những nguy cơ dẫn đến thất thoát, thua lỗ trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình.

"Hiện nay vẫn chỉ là những báo cáo mang tính chất định kỳ hằng năm, cuối năm thì không bảo đảm tính kịp thời và việc chúng ta quy định trách nhiệm cho người đại diện vốn nhà nước và kiểm soát viên ở đây giúp cho việc chúng ta giám sát tốt hơn thay vì chúng ta quản lý bằng mệnh lệnh thì chuyển sang giám sát và hậu kiểm trong quá trình doanh nghiệp nhà nước hoạt động", Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị. 

Xem bản gốc