Tầm nhìn toàn cầu của RedNote
Hàng triệu người dùng TikTok đã chuyển sang RedNote hay Xiaohongshu ("Tiểu hồng thư"), một ứng dụng của Trung Quốc, để phản ứng lại lệnh cấm.
Thông qua các meme về mèo, những câu chuyện chung về lệnh cấm và nói về các chủ đề thường bị tránh né, người dùng TikTok trước đây và những người dùng RedNote đang bắc cầu qua nhiều năm xa cách kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự hội tụ tự phát này gợi nhớ đến giấc mơ ban đầu của internet về một ngôi làng toàn cầu. Đó là một tia hy vọng cho sự kết nối và giao tiếp trong một thế giới chia cắt.
Thay vì chuyển sang các nền tảng thay thế đậm chất Mỹ như Instagram của Meta hay X, họ đã chọn chạy trốn sang một nền tảng khác của Trung Quốc như một cách "trêu ngươi" lệnh cấm TikTok.
Sự thay đổi bất ngờ này phần lớn xuất phát từ những người có sức ảnh hưởng trên TikTok như @whattheish giới thiệu RedNote là TikTok mới. Điều thú vị là ứng dụng Douyin mới là phiên bản TikTok của Trung Quốc, nên việc chuyển sang RedNote có vẻ gây ngạc nhiên.
Vấn đề nằm ở chỗ, ứng dụng Trung Quốc, bao gồm cả Douyin, chỉ có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng tại đất nước này và yêu cầu số điện thoại Trung Quốc để đăng ký. Trong khi RedNote có thể truy cập được đối với người dùng bên ngoài Trung Quốc thông qua các cửa hàng ứng dụng ở nhiều khu vực khác nhau mà không yêu cầu gì.
Thay vì phân chia người dùng theo khu vực địa lý với các phiên bản khác nhau như cách TikTok đã làm, RedNote – được gọi là Xiaohongshu trong tiếng Trung – cung cấp quyền truy cập vào cùng một nền tảng trên toàn cầu.
Khả năng tiếp cận này phù hợp với tầm nhìn ban đầu của Xiaohongshu.
Ứng dụng được tạo ra vào năm 2013, nổi lên với trọng tâm khá tư sản. Những người sáng lập ứng dụng, Qu Fang và Mao Wenchao, gặp nhau khi đi mua sắm ở Mỹ. Họ định vị Xiaohongshu là nền tảng kết hợp phương tiện truyền thông xã hội, nội dung về phong cách sống và thương mại điện tử, tất cả đều tập trung vào du lịch và mua sắm toàn cầu.
Mặc dù RedNote đã phát triển để thu hút nhiều đối tượng nhân khẩu học hơn, nhưng nhóm người dùng cốt lõi vẫn là sinh viên quốc tế, cộng đồng người Hoa ở nước ngoài và khách du lịch quốc tế.
Tên của nó cho thấy lời hứa của nền tảng là trở thành một cuốn "cẩm nang đỏ" – mang ý nghĩa phổ biến trong tiếng Trung – cho du lịch và mua sắm nước ngoài. Nó hoạt động như một cuốn kinh thánh du lịch cho khách du lịch Trung Quốc và là một nhà quản lý thời trang về lối sống xa hoa của người nước ngoài.
Ứng dụng đã có ảnh hưởng trong việc biến những địa điểm ít được biết đến thành điểm đến du lịch của Trung Quốc. Nó đã biến Düsseldorf, Đức, thành điểm đến ẩm thực cho khách du lịch Trung Quốc vào năm 2023 và làm nổi bật những cảnh đẹp và nhà vệ sinh công cộng ở Paris trong Thế vận hội Olympic 2024.
Đối với người Trung Quốc bản địa sống ở nước ngoài, RedNote đã trở thành nền tảng thiết yếu hàng ngày để tìm kiếm các bài đánh giá, chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống và duy trì kết nối với cộng đồng người Hoa.
Từ meme đến cuộc đối thoại mở
Theo lời khuyên truyền miệng, những người dùng TikTok mới tham gia RedNote đã đăng ảnh mèo như động thái đầu tiên sau khi mở tài khoản mới. Họ gọi đùa rằng đây là đóng thuế mèo. Người dùng RedNote Trung Quốc đã đáp lại bằng lời khen ngợi hoặc chia sẻ ảnh mèo của họ. Đây là cách hai bên phá vỡ sự im lặng bất chấp rào cản ngôn ngữ và văn hóa.
Khi ai đó mới chuyển sang mà đăng tải phần giới thiệu không có thú cưng, người dùng RedNote sẽ phản hồi bằng một meme: một con mèo cầm súng với dòng chú thích "Xin chào, tôi là điệp viên. Cho tôi xem con mèo của bạn".
Trò đùa này nhanh chóng được lan truyền. "Điệp viên Trung Quốc" sớm trở thành một cách khác để nói về "những người bạn Trung Quốc". Những người dùng mới chuyển sang thậm chí còn hỏi "Bạn có muốn làm điệp viên Trung Quốc của tôi không?" như một cách bắt đầu cuộc trò chuyện vui vẻ.
Thông qua những meme dễ thương và những câu chuyện cười dí dỏm, cả hai nhóm đều chế giễu lệnh cấm TikTok. Họ chế giễu cách lệnh cấm bóp méo các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu thành những câu chuyện cũ về sự ganh đua và gián điệp thời Chiến tranh Lạnh, thay vì coi chúng là những thách thức chung của thời đại kỹ thuật số mà tất cả con người cùng phải đối mặt.
Sau những lời chào hỏi này, "người bản xứ" RedNote và "người tị nạn" TikTok thường trao đổi câu hỏi về nhiều chủ đề khác nhau. Ví dụ, một người tị nạn TikTok hỏi về cuộc sống của cộng đồng LGBTQ ở Trung Quốc và một người bản xứ RedNote hỏi về thu nhập ở Mỹ.
Nhưng thay vì tạo ra sự căng thẳng khó xử, những trao đổi dẫn đến cuộc đối thoại có ý nghĩa. Người dùng Trung Quốc được giải thích về mức sống ở Mỹ. Họ là những người tò mò về "giấc mơ Mỹ", nói về việc chuyển sang Mỹ, thường vẽ ra một bức tranh phóng đại về mức lương và mức sống của người Mỹ.
Khoảnh khắc tương tác trực tiếp hiếm hoi này giữa người dùng mạng xã hội Mỹ và Trung Quốc cho thấy rằng họ không khác nhau nhiều như họ nghĩ. Họ chia sẻ cùng sở thích: meme dễ thương, khao khát được chú ý và bình luận hài hước. Ngoại tuyến, họ phải đối mặt với những khó khăn hàng ngày tương tự để kiếm sống.
Điều này có thể kết thúc như thế nào? Những người tị nạn TikTok sẽ rời đi khi sự phấn khích phai nhạt, hay các nhà quản lý từ cả hai bên sẽ vào cuộc? Dù khoảnh khắc chỉ là tạm thời nhưng có ý nghĩa. Điều này thể hiện sự kết nối lại giữa người dùng internet Mỹ và Trung Quốc sau nhiều năm tách biệt kỹ thuật số.
Sự tách biệt đó gây ra và củng cố bởi việc Google rút khỏi Trung Quốc, "tường lừa" kỹ thuật số ở Trung Quốc và việc Mỹ buộc phải tách biệt các nền tảng của ByteDance tại hai nơi. Ngoài ra, các nền tảng kỹ thuật số và thuật toán đề xuất ngày càng khiến mọi người mắc kẹt trong bong bóng thông tin của riêng họ.
Đây cũng là một tia hy vọng trong đám mây chia rẽ toàn cầu. Ngay cả trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ bởi các nền tảng, thông tin sai lệch và chia rẽ chính trị, những kết nối bất ngờ vẫn có thể nảy nở. Những chia rẽ về ngôn ngữ, văn hóa và kỹ thuật số tưởng chừng như không thể vượt qua được xóa bỏ khi mọi người tiếp cận nhau bằng sự tôn trọng, chân thành, một chút hài hước – và có lẽ là sự trợ giúp của các biên dịch viên AI.