Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng thỏa thuận quy mô lớn

Vneconomy 1 Tháng trước

"Bổn cũ soạn lại", thị trường lại được kéo lên trên mức tham chiếu vào những giây phút ATC. VN-Index cả phiên hẩm hiu tâm lý chán chường bao trùm khắp thị trường vì tiền lớn không vào, nhóm ngân hàng bị lôi ra bán ngay đầu phiên. Tuy nhiên, chỉ số chốt phiên được kéo tăng thêm 2 điểm nữa về vùng giá 1.288 điểm với độ rộng đẹp hơn 195 mã tăng trên 160 mã giảm. Bất động sản trở thành nhóm đầu tàu dẫn dắt trong đó họ nhà Vin gồm VHM tăng mạnh 3,44%; VRE tăng 2,98% và VIC tăng 0,97%.

Riêng bộ ba cổ phiếu này kéo hơn 2 điểm cho cả thị trường chung. Nhóm còn lại cũng vươn lên rất khá như PDR, DXG, HDG, HDC, SZC... Nhóm chứng khoán cũng được kéo trở lại sau cú hụt nâng hạng 8/10 vừa qua, HCM, VCI, MBS, VND đã không làm nhà đầu tư thất vọng. Nhóm vận tải hôm nay cũng có những mã xuất sắc như ACV, VJC, VTP, HAH, VSC, VOS.

Một số nhóm khác cũng tăng trưởng tốt như Thực phẩm đồ uống, viễn thông, năng lượng. Trong khi đó nhóm ngân hàng điều chỉnh mạnh. Đây là tín hiệu tích cực khi dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi ngân hàng và dịch chuyển đồng đều sang các nhóm ngành khác. Nếu chỉ tập trung vào mỗi dòng bank, Vn-Index không thể tăng trưởng một cách bền lâu và vững chãi.

Thanh khoản ba sàn duy trì ở vùng thấp khớp lệnh đạt 14.700 tỷ đồng trong đó khối ngoại bán ròng 318 tỷ đồng chủ yếu xả VHM và mua MSN.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 358.3 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 69.6 tỷ đồng.

Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Bất động sản, Thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: MSN, VHM, TCB, EIB, MWG, HAH, VJC, VRE, FRT, DBC.

Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Ngân hàng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: FPT, SSI, VPB, VNM, MSB, GEX, BID, HPG, PVT.

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 446.2 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 7.8 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành Ngân hàng. Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: FPT, VNM, SSI, MSB, VPB, POW, HDB, TCB, BID, GVR.

Phía bán ròng khớp lệnh: họ bán ròng 10/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành Bất động sản, Thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng có: MSN, VHM, HAH, EIB, VJC, VRE, PET, BVH, DIG.

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng thỏa thuận quy mô lớn - Ảnh 1

Tự doanh mua ròng 134.7 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 130.4 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tự doanh mua ròng 15/18 ngành. Nhóm mua ròng mạnh nhất là Ngân hàng, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm nay gồm HAH, STB, TCB, PET, NTL, HPG, PNJ, VIC, MSN, HDB. Top bán ròng là nhóm Xây dựng và Vật liệu. Top cổ phiếu được bán ròng gồm BMP, MWG, VIB, FPT, VRE, FUEVFVND, TPB, CMG, FRT, CTG.

Nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 273.7 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 192.2 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tổ chức trong nước bán ròng 14/18 ngành , giá trị lớn nhất là nhóm Ngân hàng Top bán ròng có TCB, POW, FPT, VNM, NTL, MBB, GMD, TDM, GVR, VDS. Giá trị mua ròng lớn nhất là nhóm Hàng & Dịch vụ Công nghiệp. Top mua ròng có HAH, MSN, VHM, VPB, HPG, STB, VIB, GEX, REE, BVH.

Giao dịch thỏa thuận hôm nay đạt 1.495,8 tỷ đồng, giảm 24,8% so với phiên liền trước và đóng góp 10,2% tổng giá trị giao dịch.

Hôm nay có giao dịch thỏa thuận đáng chú ý ở cổ phiếu VHM, với 8,8 triệu đơn vị cổ phiếu tương đương 371,4 tỷ đồng được Tổ chức nước ngoài bán thỏa thuận cho nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra còn có giao dịch sang tay hơn 7,3 triệu đơn vị cổ phiếu EIB (trị giá 138,4 tỷ đồng) giữa các nhà đầu tư cá nhân.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở Bất động sản, Xây dựng, Bán lẻ, Kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng, Vận tải thủy, Dầu khí, Dệt may trong khi giảm ở Ngân hàng, Chứng khoán, Thép, Hóa chất, Nuôi trồng nông & Hải sản, Thực phẩm, Phần mềm.

Tính riêng khớp lệnh, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm vốn hóa nhỏ VNSML, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa lớn VN30 và vừa VNMID.

Xem bản gốc