Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Nhà đầu tư muốn môi trường kinh doanh minh bạch, chính sách ổn định

Vneconomy 4 Ngày trước

Tại hội thảo “Thông tin kinh tế quý 3 của Việt Nam và tác động kinh tế xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các ngành công nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 18/11, một số ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, song vấn đề môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện về chính sách, chưa thực sự hấp dẫn.

TĂNG TRƯỞNG CHƯA THỂ HIỆN TÍNH BỀN VỮNG

Đánh giá tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, áp lực lạm phát được kiểm soát trong quý 3. Quý 3/2024, tốc độ tăng CPI cho thấy một tình hình lạc quan khi chỉ tăng 3,48%, thấp hơn so với nửa đầu năm 2024.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 9 tháng năm 2024 đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020-2024.

Theo TS. Việt, động lực chính của tăng trưởng nền kinh tế đến từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo; xuất khẩu tăng chủ yếu từ công nghiệp chế biến chế tạo. Tín hiệu vui là nhập khẩu tăng, chứng tỏ đơn hàng tương đối dồi dào, kinh tế trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, kịch bản đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 7% là khả thi.

Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi bật trở lại khoảng 2 quý trở lại đây. Chỉ số BCI giờ đã ở mức trên trung bình. Cụ thể, khảo sát của EuroCham trong quý 3/2024 cho thấy chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý 3/2023 lên 52 điểm phần trăm vào quý 3 năm nay, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh phát biểu tại hội thảo. Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh phát biểu tại hội thảo.

Ông Minh cũng nhận định, năm nay là năm tăng trưởng khá mạnh mẽ của Việt Nam, song cần nhìn nhận động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là gì, làm thế nào để duy trì được mức tăng trưởng như vậy? Thu hút đầu tư cần những chính sách gì?

“Doanh nghiệp châu Âu yêu cầu nền kinh tế minh bạch hơn, sự tuân thủ yêu cầu cũng cần minh bạch, rõ ràng. Trong khi rào cản thủ tục hành chính vẫn rất lớn. Vậy chính sách gì Việt Nam cần ưu tiên áp dụng trong thời gian tới?”, ông Minh nêu vấn đề.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những con số cho thấy nền kinh tế đang có sự phục hồi tốt như xuất khẩu tăng trưởng khả quan, sản xuất công nghiệp dần phục hồi, sức mua tiêu dùng tăng…  Thậm chí, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng trong top cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, TS. Thảo cho rằng tính bền vững ở đâu, yếu tố bất định trên toàn cầu khi xung đột chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, ảnh hưởng nhiều đến chi phí, đặc biệt chi phí đầu vào. Hay vấn đề thương mại như chính sách thay đổi của Mỹ, giải quyết thâm hụt thương mại với các quốc gia thì Việt Nam bị ảnh hưởng lớn...

“Điều này cho thấy chúng ta có sự tăng trưởng tốt năm 2024, triển vọng còn cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng mức độ ổn định của sự tăng trưởng chưa thể hiện tính bền vững, bởi còn nhiều yếu tố bất định đòi hỏi có sự dự báo tốt hơn”, TS. Thảo nhấn mạnh.

Ngoài ra, vấn đề môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chưa có nhiều cải thiện về chính sách, chưa thực sự hấp dẫn. Ở một số lĩnh vực có sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhìn chung chính sách liên quan tới môi trường kinh doanh còn nhiều dư địa để cải thiện.

CHÍNH SÁCH CẦN THEO KỊP CÁC CHUẨN MỰC TOÀN CẦU

Theo TS. Thảo, môi trường kinh doanh không chỉ liên quan tới chính sách, rào cản thủ tục mà còn là sự ổn định của chính sách - đây là yếu tố quyết định sự đầu tư của doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, nhưng nếu so với quy mô dự án thì càng ngày càng nhỏ dần.

Bên cạnh đó, cải cách thực chất chưa làm được nhiều. Vì vậy, cần các giải pháp trực diện hơn, cụ thể hơn thì sẽ có hiệu quả hơn trong tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tạo động lực đầu tư cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, TS. Việt cho rằng chính sách cần theo kịp các chuẩn mực toàn cầu. Nếu chính sách không theo kịp sẽ rất “bí” cho thúc đẩy các đầu tư trong xu hướng mới, liên quan tới tăng trưởng tiêu dùng xanh.

Chẳng hạn, theo TS. Việt, như Nghị định 135 về phát triển điện mái nhà (tạm gọi là xoá đói về điện sạch), giảm nghèo về các mục tiêu tăng trưởng bền vững và net zero; thẻ vàng của EU và kiểm soát dư lượng thực vật của EU… rất tốt. Nhưng nếu không có sự đồng bộ chính sách của cơ quan nhà nước trong hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, nông dân nuôi trồng, đánh bắt hải sản, chúng ta sẽ gặp rào cản và khó khăn nhất định đến từ các hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan của thương mại đầu tư quốc tế. Điều này làm giảm sự tự tin, hứng khởi trong đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư muốn môi trường kinh doanh minh bạch, chính sách ổn định  - Ảnh 1

“Thúc đẩy các động lực đầu tư, tiêu dùng trong nước cần có những chính sách thực chất hơn, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn chứ không cần những chính sách dàn trải trong tương lai”, TS. Việt bổ sung.

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, để cải thiện môi trường kinh doanh cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, thủ tục hành chính là một phần, mà quan trọng hơn ngoài chính sách ổn định, cần một chính sách tổng thể, thống nhất vì hiện nay chính sách mỗi một Bộ ngành đi theo một đường khác nhau.

Bà Vân lấy ví dụ, như để ký được dự án BOT năng lượng ở các nước khác chỉ mất 6-12 tháng, nhưng ở Việt Nam mất 10 năm. Hơn chục dự án LNG nhiều năm nay đến giờ chưa có một dự án nào qua được thẩm định. Hay như Luật PPP đã có vài năm nay nhưng vẫn chưa đi vào thực tế.

Vì vậy, đại diện PwC cho rằng Chính phủ cần có cái nhìn tổng thể để kết nối, đồng bộ giữa các quy định của các bộ ngành với nhau. Cái vướng hiện nay là luật, nếu không có sự hỗ trợ giữa các Bộ sẽ không làm được.

Đại diện EuroCham cũng đồng tình, xây dựng chính sách ở Việt Nam cần gắn liền với sự thay đổi trên thế giới, những quy định mới, chuẩn mực mới. Năng lượng tái tạo là vấn đề chủ chốt, không chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp, mà giá rẻ hơn là điều kiện cần của doanh nghiệp để thu hút đầu tư.

Xem bản gốc