Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Nhà đầu tư nghi ngờ về kích cầu, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất gần 5 năm

Vneconomy 1 Tháng trước

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/10), khi các nhà giao dịch mất kiên nhẫn về các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh và thất vọng về dữ liệu tiêu dùng ảm đạm trong kỳ nghỉ lễ vừa qua.

Lúc đóng cửa, chỉ số CSI 300 giảm 7,1%, xóa sạch thành quả tăng có được trong phiên ngày thứ Ba - phiên giao dịch đầu tiên sau tuần nghỉ lễ Quốc khánh.

Mức giảm của chỉ số đã thu hẹp sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp báo về chính sách tài khóa, nhưng áp lực bán nhanh chóng gia tăng trở lại, khiến thị trường có phiên “đỏ” đầu tiên sau 10 phiên tăng liên tiếp.

NỖI THẤT VỌNG CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã nhanh chóng suy yếu do sự vắng bóng của những sáng kiến lớn sau một cuộc họp quan trọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào hôm thứ Ba.

Ngày càng nhiều chiến lược gia và quản lý quỹ cho rằng Bắc Kinh cần thực thi lời hứa chi tiêu bằng những hành động chi tiêu thực sự, một số khác cảnh báo rằng chứng khoán Trung Quốc đã tăng quá nhanh quá xa sau khi các chỉ số chứng khoán chính của nước này tăng hơn 30% chỉ trong vòng vài ngày.

“Thị trường đang giằng co giữa một bên là kỳ vọng có thêm các biện pháp kích cầu và một bên là thực trạng của nền kinh tế”, ông Yi Wang - trưởng bộ phận đầu tư định lượng của công ty CSOP Asset Management Ltd - nhận định. “Nhà đầu tư muốn chứng kiến một sự chuyển biến nhanh chóng từ các biện pháp kích cầu sang cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp và dữ liệu vĩ mô tốt hơn, cho dù đó là lạm phát, công ăn việc làm hay nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian giữa kỳ vọng và thực tế kinh tế”.

Tại một cuộc họp báo bắt đầu lúc 10h sáng ngày thứ Bảy theo giờ địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an sẽ công bố các biện pháp chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng và trả lời câu hỏi của báo giới - Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết ngày 9/10.

Sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra gói kích cầu mạnh tay bằng chính sách tiền tệ hồi cuối tháng 9, giới đầu tư chứng khoán ở nước này vẫn mong đợi có thêm các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa để vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng 5% ngày càng xa tầm tay. Một số ngân hàng gồm Morgan Stanley và HSBC kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra một gói kích cầu tài khóa trị giá 2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 283 tỷ USD, trong khi Citigroup kỳ vọng một gói kích cầu 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Phiên giảm ngày thứ Tư là cú giảm mạnh nhất của chỉ số CSI 300 kể từ tháng 2/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index đo giá cổ phiếu các công ty đại lục niêm yết ở Hồng Kông giảm 1,58%. Với phiên giảm này, Hang Seng China Enterprises Index để mất hết thành quả tăng có được trong thời gian thị trường đại lục nghỉ lễ.

Giới đầu tư đang bắt đầu lo ngại rằng sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Trung Quốc kể từ cuối tháng 9 có thể chỉ là một “giấc mộng thoáng qua” trừ phi Bắc Kinh đưa ra một gói kích cầu tài khóa đủ mạnh để thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ thị trường bất động sản.

MỐI LO VỀ TIÊU DÙNG

Trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần, chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trong phiên ngày thứ Ba, với mức tăng 11% của CSI 300 ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, sự hứng khởi nhanh chóng quay đầu khi Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia (NDRC) không công bố bất kỳ một biện pháp kích cầu nào mới.

“Có lẽ thông qua cuộc họp báo ngày hôm qua của NDRC, nhà chức trách Trung Quốc đã bày tỏ một mức độ không hài lòng nhất định với đà tăng điểm quá mạnh của thị trường thời gian gần đây. Một phần lý do là Bắc Kinh đã có những trải nghiệm không mấy dễ chịu với đợt biến động thị trường do sự chi phối của các nhà đầu tư nhỏ lẻ hồi năm 2015. Một việc quan trọng là nhà chức trách phải đưa ra được một kế hoạch rõ ràng cho việc chống giảm phát tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 10 này”, chiến lược gia cấp cao về kinh tế vĩ mô của công ty Lombard Odier ở Singapore, ông Homin Lee, nhận định.

Các xu hướng tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua cho thấy tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn ảm đạm dù đã có dấu hiệu ổn định trở lại sau loạt biện pháp kích thích kinh tế vừa rồi.

So với cùng kỳ trước đại dịch Covid-19, du khách Trung Quốc chi tiêu ít hơn trong dịp nghỉ lễ này. Số chuyến đi trong kỳ nghỉ tăng 10,2% so với cùng kỳ 2019, nhưng chi tiêu chỉ tăng 7,9% - theo dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch.

Trong lúc nhà đầu tư còn tranh cãi về triển vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những tháng tới, một số nhà quản lý quỹ nước ngoài đang trở nên kén chọn hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu tại thị trường này.

Nhà quản lý quỹ Louis Lau của công ty Brandes Investment Partners cho rằng giờ là lúc nên chốt lời ở những nhóm cổ phiếu ngành đã được mua quá nhiều như bảo hiểm, thiết bị gia dụng, pin ô tô điện, xe điện, và ô tô. Ông nhận thấy giá trị ở những ngành như Internet, thời trang thể thao, sòng bạc Macau, thực phẩm, đồ uống và du lịch.

“Chúng ta đang ở một giai đoạn mà việc lựa chọn cổ phiếu đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Thị trường đang ở vùng giá lên, nhưng sẽ có nhiều biến động. Chúng tôi giữ quan điểm tích cực dài hạn về những nhóm cổ phiếu như tiêu dùng, một lĩnh vực chủ chốt đối với nền kinh tế về lâu về dài”, ông Nicholas Yeo - trưởng bộ phận chứng khoán Trung Quốc của công ty Abrdn - nhận xét.

Xem bản gốc