Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025

Vneconomy 2 Ngày trước
Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 1
Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 2

“Những tác động, xu thế của kinh tế thế giới vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức đối với động lực tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong ba động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Xuyên suốt lịch sử, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam luôn gắn chặt với đà tăng của kim ngạch xuất khẩu. Trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo của Việt Nam có những chuyến công tác, ngoại giao kinh tế với những quốc gia mà chúng ta chưa từng đặt quan hệ thương mại nhằm tạo ra những cơ hội mới. Mặc dù vậy, khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền sẽ có nhiều chính sách tác động trực tiếp đến các sản phẩm xuất khẩu của nước ta; đồng thời, làm tăng thêm cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Cân thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự quan hệ chặt chẽ. Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc và xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ, điều này đặt ra yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Hoa Kỳ nói riêng cũng như thị trường quốc tế nói chung. Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm với Chính phủ Trump 1.0, do đó Việt Nam cần kiểm soát tốt hơn để không bị vào thế khó.

Về vấn đề tiêu dùng và sản xuất trong nước, trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam đã có những chính sách thắt chặt thuế quan với những sản phẩm từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời thúc đẩy phát triển các sàn thương mại điện tử trong nước. Ngoài ra, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì giảm thuế VAT 2% để khuyến khích tiêu dùng. Song song đó, cần điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân để người dân có thêm tiền để mua sắm.

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là chất lượng dịch vụ du lịch. Chỉ số du lịch có tăng nhưng tiêu dùng cho du lịch lại đang thấp, phải chăng chất lượng dịch vụ du lịch hiện nay đang không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Về vấn đề thể chế, hiện nay chúng ta đã rất tích cực trong việc đã và đang tháo nút thắt về thể chế. Một trong những điều mới là hiện chúng ta đã ban ra những luật cá biệt. Ví dụ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã có nhiều chính sách và cơ chế đặc thù.

Ngoài ra, Chính phủ đang nỗ lực cải cách bộ máy hành chính nhà nước, giảm đầu mối, tập trung về một cơ quan duy nhất, từ đó có thể rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Song song với đó, việc trao quyền thực thi cần đảm bảo địa phương có đủ tự chủ để phát huy năng lực.

Hiện nay, luật quy định chung chung, trong khi chi tiết lại giao cho Chính phủ qua nghị định, điều này có thể làm giảm quyền tự quyết của địa phương và người thực thi, gây thiếu linh hoạt và sáng tạo. Để khắc phục, cần trao quyền rõ ràng cho địa phương, cho phép người thực thi tự chủ trong khuôn khổ công khai và có trách nhiệm giải trình. Tập trung quyền lực ở trung ương sẽ hạn chế hiệu quả và khả năng thích ứng tại địa phương.

Đặc biệt, việc đổi mới phương thức đầu tư công là cần thiết để thu hút đầu tư tư nhân và tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế. Hiện nay, đầu tư công chủ yếu do Chính phủ lập phương án và thực hiện. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ có thể cân nhắc việc chuyển giao một phần cho khu vực tư nhân, đặc biệt trong các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Theo đó, thay vì Nhà nước tự triển khai toàn bộ, có thể đặt hàng các tập đoàn tư nhân thực hiện từng phần từ sản xuất đường ray, toa xe, đến xây dựng hạ tầng. Nhà nước chỉ cần đóng vai trò định hướng và cung cấp nguồn vốn, qua đó hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế.

Cách làm này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp lớn mà còn kéo theo sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ, tạo chuỗi giá trị và gia tăng tính bền vững. Đây là hướng đi phù hợp để tối ưu hóa nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư công, đồng thời thúc đẩy sự trưởng thành của khu vực kinh tế tư nhân trong nước”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 3

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, giải pháp thể chế đặc biệt quan trọng, cụ thể là ba vấn đề: chất lượng văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, chất lượng thực thi ở cấp địa phương.

Thứ nhất, về chất lượng văn bản pháp luật. Trong thời gian qua có nhiều dự án đình trệ, nhiều dự án lớn vướng về cơ chế, chính sách pháp luật. Một dự án đầu tư nước ngoài hay dự án đầu tư công đều liên quan tới rất nhiều luật, như: Luật Đất đai; Luật Quy hoạch; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Xây dựng… Hệ thống pháp luật không thuận lợi thì sẽ vướng mắc, khó khăn. Tôi cho rằng gốc rễ ở đây là sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa hiệu quả nên không có sự đồng bộ từ góc nhìn nhà đầu tư.

Mới đây, VCCI phối hợp với một tỉnh khảo sát 30 dự án vừa kết thúc đầu tư và vẽ lại toàn bộ hành trình họ thực hiện trên thực tế chứ không phải quy trình trên văn bản, thì thấy quy trình thực tiễn khác xa so với văn bản. Dự án phải mất nhiều thời gian đi lại, thậm chí có lúc phải liên quan tới 30 đầu mối, nên chỉ cần vướng một đầu mối là tắc.

Hiện nay, ban soạn thảo luật văn bản quy phạm pháp luật đang cố gắng thay đổi điều này. Một trong những cách thức là luật quy định ổn định, đồng thời luật quy định vấn đề chung chứ không cát cứ ở một lĩnh vực. Ví dụ luật văn bản quy phạm mới hướng tới xây dựng luật cho đường sắt cao tốc, một luật mà có thể điều chỉnh được cả vấn đề về đất đai, về vốn, về cơ chế đặc biệt,… đây là giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đang hướng đến trong thời gian tới.

Thứ hai, về thủ tục hành chính, có 2 nhóm cần ưu tiên đột phá trong thời gian tới. Một là, nhóm thủ tục đầu tư, làm sao đưa vốn vào nền kinh tế một cách nhanh nhất liên quan tới thủ tục đất đai, đầu tư, quy hoạch… cần ưu tiên. Thay vì thành lập nhiều tổ công tác tháo gỡ, thì sửa quy trình chính sách sao cho gọn gàng, nhanh nhất, không để hiện trạng thủ tục cho một dự án đầu tư mất 2-3 năm, mà sẽ rút xuống tính theo tháng, thậm chí theo tuần.

Tín hiệu tích cực là kỳ họp Quốc hội tháng 8/2024 có luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, trong đó có thủ tục đầu tư đặc biệt liên quan tới công nghệ cao được thực hiện trong thời gian rất ngắn. Tôi hy vọng thủ tục đầu tư đặc biệt này sẽ thực hiện thành công không chỉ với lĩnh vực công nghệ cao, mà còn nhiều dự án lĩnh vực khác được thực hiện theo cách thức này, giúp giảm rất nhiều chi phí cho xã hội.

Hai là, thủ tục xuất nhập khẩu, chúng ta có gần 90 ngàn doanh nghiệp đang làm thủ tục hàng ngày về xuất nhập khẩu. Nếu thời gian thông quan nhanh hơn, thời gian lưu kho bãi ít hơn thì dòng vốn chảy nhanh hơn, hàng hóa Việt Nam đi nhanh hơn, có tính cạnh tranh cao hơn. Thủ tục xuất nhập khẩu đã có nhiều thay đổi nhưng so với kỳ vọng còn ít. Những nhóm thủ tục tác động đông đảo tới doanh nghiệp như hải quan, thuế cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ ba, vấn đề thực thi cấp địa phương. Ở một số địa phương tăng trưởng liên tục trên 2 con số như Hải Phòng, Bắc Giang, Trà Vinh, đặc điểm chung của những địa phương này là có môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính tinh gọn, tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh rất tốt. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình các địa phương tăng trưởng hai con số là bài học cho cấp độ quốc gia.

Việc tạo không gian cho các địa phương năng động, sáng tạo thay vì chỉ 7 hay 8 địa phương tăng trưởng hai con số, nếu nhân rộng có 30 hay 40 địa phương tăng trưởng hai con số thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam sẽ được cải thiện mạnh mẽ”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 4

“Câu chuyện chúng ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc và có thặng dư rất cao với Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc và xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ, nếu xét đến mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thì điều này là kết quả chúng ta đã lường trước được.

Còn với câu hỏi liệu có nguy cơ hàng hóa của Trung Quốc đi qua Việt Nam để đội lốt vào thị trường Hoa Kỳ hay không? Hoa Kỳ thực tế rất quan tâm tới vấn đề này nhiều năm nay. Vì Hoa Kỳ đánh thuế cao vào hàng Trung Quốc nên họ cũng rất sợ hàng Trung Quốc mượn đường đi qua Việt Nam và các nước khác để bán vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong vòng 10-15 năm qua, họ cũng chưa tìm ra được trường hợp nào là gian lận xuất xứ Việt Nam. Song không vì thế chúng ta buông lỏng cảnh giác. Về cơ bản có thể khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng rất tốt quy tắc xuất xứ của chính Hoa Kỳ khi đi vào thị trường này, cho tới nay chưa xảy ra vụ việc nào đáng tiếc.

Đa dạng hóa thị trường luôn luôn là chính sách nhất quán của Chính phủ và Bộ Công Thương. Riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 30% xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, thị trường Trung Quốc cũng xấp xỉ 30%. Để thay thế những thị trường lớn như vậy bằng việc đa dạng hóa sang các nước khác là không đơn giản. Đa dạng hóa chỉ đúng với một số mặt hàng năng lực xuất khẩu tương đối hạn chế như nông sản.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn hạn chế, mỗi năm đạt hơn 60 tỷ USD, vì vậy có thể đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng lớn như điện thoại, linh kiện điện tử muốn đa dạng hóa thị trường, tìm ra thị trường có sức tiêu thụ lớn tương đương thị trường Hoa Kỳ hay Trung Quốc thì tương đối khó.

Khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Việt Nam, vì chúng ta là một trong những nước xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ. Vì thế, trước khi ông Trump có những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Việt Nam, thì chúng ta là nước được hưởng lợi trước. Nếu Hoa Kỳ đánh thuế cao vào hàng của Trung Quốc sẽ diễn ra hiệu ứng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc để đến các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi, song có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xuất siêu sang Hoa Kỳ và có rủi ro là ông Trump sẽ cân nhắc, áp dụng biện pháp nào đó riêng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam để hạn chế.

Tuy nhiên, ông Trump cũng chỉ có 4 năm và áp dụng với bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào của Việt Nam cũng phải ít nhất từ năm 2026, bởi cần thời gian chuẩn bị, điều tra, tham vấn. Trường hợp xấu nhất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu đựng 2 - 3 năm và không phải mặt hàng nào cũng đánh thuế. Hoa Kỳ chỉ nhạy cảm với một số mặt hàng như ô tô, sắt thép, tấm pin năng lượng, còn một số mặt hàng như giày dép, dệt may là những mặt hàng đại chúng nên sẽ không bị đánh thuế.

Như vậy, chúng ta có thời gian để chuẩn bị, cân nhắc có thể áp dụng biện pháp nào để giảm bớt tác động tiêu cực từ việc ông Trump có thể đánh thuế vào hàng hóa Việt Nam”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 5

“Trong bối cảnh hiện nay, các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và dài hạn, như đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đã được thảo luận nhiều, tuy nhiên, tôi có một số nhận định.

Trong thời gian gần đây, chúng ta đã nói rất nhiều về chính sách, đường lối đầu tư công, thậm chí chúng ta cũng đã có các phê duyệt ngân sách, đã phân bổ ngân sách cho đầu tư công ở mức tương đối thuận lợi. Theo xu hướng chung, những nước có mức độ phát triển như Việt Nam, đầu tư công hàng năm phải ở ngưỡng tối thiểu từ 6 - 7% GDP thì mới duy trì hạ tầng cho phát triển dài hạn.

Phân bổ ngân sách của Việt Nam nằm trong khoảng 6 - 7% GDP, nhưng trên thực tế, như năm 2024 có thành tích rất tốt, đạt 85% mức phân bổ. Những năm trước đó, mức phân bổ năm nào thấp thì dưới 80%, năm cao thì được hơn 80%, như vậy trên thực tế đã thực hiện được trên 5% GDP, gần 6% GDP. Nghĩa là về mặt chính sách, chúng ta đã đạt được mức phân bổ ngân sách, nhưng thực tế hiệu quả thực hiện thấp.

Như vậy, sau một thời gian, mức đầu tư thiếu hụt trong hạ tầng cần thiết sẽ dẫn đến cả thu hút đầu tư nước ngoài cũng như phát triển đầu tư trong nước gặp các điểm nghẽn về hạ tầng, năng lượng, giao thông, các chi phí vận hành, dịch vụ logistics và thậm chí cả về phát triển các thị trường như thị trường xe hơi hay phát triển đô thị cũng đều gặp khó. Nghĩa là, khi đầu tư vào hạ tầng không đi trước để đón đầu tăng trưởng dài hạn, nền kinh tế sẽ gặp áp lực tăng trưởng dài hạn.

Với những cải cách gần đây của Chính phủ, tôi cho rằng chúng ta đang có cơ hội tốt nhưng muốn làm nhanh thì Chính phủ phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể mạnh dạn tăng tỷ lệ đầu tư tư nhân trong hạ tầng. Hiện nay, chúng ta cũng đã có các hình thức thu hút đầu tư tư nhân qua mô hình hợp tác công-tư (PPP), nhưng phần lớn các dự án vẫn làm theo hình thức đầu tư công.

Có nhiều dự án ban đầu muốn làm theo mô hình PPP nhưng cuối cùng lại quay về phát triển theo đầu tư công. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam cũng tương đối hạn chế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng, chỉ mới có đầu tư vào ngành điện và đặc biệt là một số năng lượng tái tạo.

Việc đầu tư vào hạ tầng tại các khu công nghiệp ở các địa phương cũng rất cần thiết. Đây là cách để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư và sản xuất. Khi hạ tầng công nghiệp được nâng cấp, chi phí kinh doanh sẽ giảm, hiệu quả đầu tư tăng lên, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô và phát triển trong môi trường thuận lợi hơn.

Quan trọng hơn, đầu tư công có khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích đầu tư tư nhân. Khi các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, doanh nghiệp nội địa sẽ có điều kiện chuyển từ hoạt động nhỏ lẻ trong môi trường đô thị sang các khu vực tập trung, nơi hạ tầng được tối ưu hóa. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế địa phương”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 6

“Dệt may là ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và cũng là một trong những ngành công nghiệp hiếm hoi của Việt Nam có quy mô lớn thứ hai trên thế giới năm 2024 (Việt Nam chiếm 7% tổng giá trị giao dịch thương mại dệt may toàn thế giới) và đã liên tục duy trì trong top 3 thế giới 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ngành dệt may có ba điểm nghẽn cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Một là, điểm nghẽn về tư duy. Liệu những ngành như dệt may có đổi mới sáng tạo không? Có tự động hóa cao được không? Trong giai đoạn tới, khi Việt Nam hướng tới một nền công nghiệp xanh, sạch và có giá trị gia tăng cao thì ngành dệt may có chỗ đứng không? Chúng ta sẽ quy hoạch sự phát triển của các ngành công nghiệp này như thế nào? Các ngành công nghiệp nhẹ nói chung của Việt Nam hiện đang thu hút khoảng 10 triệu lao động, riêng dệt may khoảng 2,6 triệu lao động. Vậy những ngành như dệt may, da giầy nằm ở đâu trong giai đoạn vươn mình, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của đất nước?

Sản phẩm dệt may là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu vĩnh viễn của thế giới và luôn có thị trường, có nhu cầu. Xu thế của thế giới trong những năm gần đây quan tâm nhiều về sản xuất xanh và tuần hoàn. Tuy nhiên, đó là hướng đi trong dài hạn, thực tế sản xuất mấy năm trở lại đây thì sản lượng sản phẩm xanh tăng không nhiều. Thậm chí năm 2024, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm may mặc xanh, từ các nguồn nguyên liệu tái chế còn thấp hơn năm 2023.

Trên thế giới có 8 tiêu chí chính để đánh giá một quốc gia xuất khẩu dệt may: tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng, đơn giá, rủi ro về lao động và trách nhiệm xã hội, khả năng tích hợp dọc theo chuỗi, rủi ro về môi trường và rủi ro về địa chính trị.

So sánh với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam và Trung Quốc có tổng điểm của 8 tiêu chí trên bằng nhau là 25/40 điểm, thuộc loại cao trên thế giới, vượt Bangladesh và Campuchia. Tuy nhiên, Việt Nam lại không có chỉ tiêu nào đạt mức tốt trở lên mà chỉ ở mức khá, không có điểm mũi nhọn.

Trong 8 tiêu chí nêu trên, có những tiêu chí thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp như tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng, đơn giá, trách nhiệm xã hội,… những tiêu chí còn lại vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp, nó nằm ở tầm quốc gia, do đó cần có cơ chế, chính sách để cải thiện các tiêu chí trên.

Trong thời gian tới, nếu chúng ta xác định dệt may hay những ngành công nghiệp nhẹ vẫn đóng góp cho tăng trưởng thì phải có quy hoạch chuyên ngành và có vùng sản xuất đủ lớn. Trung Quốc xây dựng vùng sản xuất ở một huyện có diện tích lớn bằng một tỉnh của Việt Nam thì quy mô xuất khẩu của họ bằng Việt Nam (35 tỷ USD).

“Đại bàng” không chỉ có ở những ngành công nghệ như bán dẫn, điện tử mà dệt may cũng có “đại bàng”. Nếu muốn đón “đại bàng” của ngành công nghiệp thời trang thì phải thay đổi tư duy và có sự chuẩn bị.

Hai là, điểm nghẽn về vốn. Muốn chuyển đổi xanh thì phải có tài chính xanh. Hiện nay doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn khi chi phí vốn để chuyển đổi xanh rất cao, rất rủi ro. Doanh nghiệp trong nước hiện chưa có đủ động lực để phát triển theo hướng này.

Ba là, điểm nghẽn về chi phí logistics. Hiện, tỷ lệ chi phí logistics, giá thành sản phẩm của Việt Nam đang cao nhất trong 7 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 7

“Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,09 %. Tính theo phương pháp sử dụng, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57%; trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 5,9% (theo giá so sánh).

Tiêu dùng cuối cùng bao gồm chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và chi tiêu của Chính phủ; chiếm trên 63% GDP. Chi tiêu Chính phủ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tiêu dùng. Vì vậy, có thể khẳng định tiêu dùng cuối cùng sẽ là động lực rất quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Bức tranh năm 2024 cho thấy tiêu dùng cuối cùng có bước tiến nhưng rất chậm. Trước năm 2020 (trước đại dịch Covid-19), tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ theo giá hiện hành luôn tăng trưởng hai con số và theo giá so sánh luôn tăng ở mức xấp xỉ 10%.

Trong mấy năm qua, tổng mức bán lẻ theo giá so sánh chỉ tăng khoảng 6%, tiêu dùng cuối cùng chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế, do đó trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần có những giải pháp kích thích động lực tiêu dùng này.

Thứ nhất, thu nhập của người dân phải được cải thiện thì mới có thể chi tiêu, bởi vậy, chính sách của Việt Nam phải làm sao để tất cả người trưởng thành đều có thu nhập khả dụng.

Thứ hai, khi người dân đã có thu nhập thì phải có nhiều sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng với giá cả phải chăng, sản phẩm phải bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ. Lâu nay chúng ta chưa quan tâm nhiều tới dịch vụ.

Thứ ba, hình thức thương mại. Từ trước tới nay hoạt động buôn bán giao thương vẫn phụ thuộc lớn vào chợ truyền thống (khoảng 75%). Thương mại điện tử sắp tới phải phát triển ra sao để góp phần kích cầu?

Để tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng thì người dân Việt Nam phải tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam. Nếu người dân tiêu dùng hàng nhập khẩu, nhập khẩu dịch vụ thì vô hình chung GDP bị giảm đi.

Chẳng hạn, xuất nhập khẩu dịch vụ du lịch là vấn đề rất nóng hổi của năm 2024. Theo thống kê, năm 2024 Việt Nam đón được 17,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gần đạt mục tiêu 18 triệu lượt khách); khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trên 33%. Doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch năm 2024 đạt 12,17 tỷ USD.

Trong khi đó, năm 2024 có 5,3 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, nhập khẩu dịch vụ du lịch năm 2024 là 12,57 tỷ USD. Như vậy, riêng lĩnh vực du lịch Việt Nam đã nhập siêu 380 triệu USD. Chỉ 5,3 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài đã chi tiêu hơn cả 17,6 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.

Tại sao người Việt Nam lại ra nước ngoài du lịch nhiều như vậy? Bởi vì giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, trong khi chi phí đi lại chiếm khoảng 30% chi phí du lịch. Chưa kể, sản phẩm du lịch nghèo nàn, kém hấp dẫn. Thị trường du lịch Việt Nam thiếu vắng những sản phẩm nghỉ dưỡng, giải trí ở phân khúc cao. Khách du lịch đến Việt Nam không biết tiêu tiền vào việc gì.

Tôi cho rằng phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết 3 nhóm vấn đề nêu trên để kích cầu tiêu dùng thì mục tiêu tăng trưởng cao mới khả thi”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 8

“Bất chấp những biến động bên trong và ngoài nước, nền kinh tế Việt Nam đã khép lại một năm vượt mục tiêu đề ra. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,09%, lạm phát được kiểm soát hiệu quả, xuất nhập khẩu lập kỷ lục 786 tỷ USD. 

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, thậm chí cao hơn, đó là tăng trưởng hai con số. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam được dự báo là còn nhiều yếu tố bất định, khó khăn, thách thức lớn hơn thuận lợi. Trong đó, chính sách thuế quan của ông Trump sau khi tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ là một trong những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm do những thay đổi này có thể tác động tới Việt Nam về thương mại.

Thế giới bước vào năm 2025 ngoài việc tiếp tục chiều hướng lớn của năm 2024 và một số năm trước, có hai điểm rất đáng chú ý: một là, chính quyền Trump 2.0 với cách tiếp cận và những ưu tiên kinh tế thương mại địa chính trị rất khác; hai là, sẽ có nhiều thay đổi nội bộ ở các quốc gia khi năm 2024 có 70 nước bầu cử, sẽ có những chuyển đổi với xu hướng bảo thủ nhiều hơn, một số nước đối tác lớn đang gặp khó khăn, tại châu Âu có Đức, Pháp, châu Á có Nhật Bản và Hàn Quốc hay Trung Quốc, Nga cũng khó khăn.

Với câu chuyện Trump 2.0, ông Trump sẽ tiếp cận chiến lược một cách thực dụng hơn, trong đó có cạnh tranh với nước lớn, đặc biệt cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu. Với đối tác đồng minh, vẫn cần phải tổng hợp lực lượng để tách khỏi Trung Quốc nhưng trong xử lý quan hệ đó ông Trump cũng thực dụng hơn. Công cụ thực dụng hơn đó của ông Trump là thuế quan. Ngoài thuế quan còn có những cam kết của Hoa Kỳ và thị trường Hoa Kỳ.

Nhìn chung, thuận lợi của Việt Nam nhiều hơn, khi ông Trump đánh thuế vào Trung Quốc tăng cường thuế với các nơi, Việt Nam cũng chỉ có một số mặt hàng đánh thuế nhưng sức cạnh tranh vẫn tiếp tục tại thị trường Hoa Kỳ. Cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng và luồng đầu tư trong đó có FDI, phân tách Hoa Kỳ - Trung Quốc về công nghệ sẽ tiếp tục rất lớn và Việt Nam có cơ hội tranh thủ.

Tuy có rủi ro nhưng Việt Nam vẫn có khả năng phòng ngừa để hạn chế đánh thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa của Việt Nam.

Thứ nhất, làm sao để Việt Nam tránh được nguy cơ thuế quan với cách làm của ông Trump là vấn đề quan trọng nhất. Kế hoạch áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc như nhiều báo cáo đưa ra sẽ được thực hiện từng bước và với các quốc gia khác sẽ áp theo từng trường hợp. Việt Nam nên ưu tiên công bằng minh bạch thương mại và đặc biệt là minh bạch xuất xứ, bao gồm cả xuất xứ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu và xuất xứ sản xuất.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư Hoa Kỳ kinh doanh ở Việt Nam. Trong bối cảnh vừa qua có nhiều quan ngại của các nhà đầu tư thì Việt Nam phải giải quyết thế nào...

Thứ ba, mua một số hàng của Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Chính phủ Việt Nam đã mua máy bay, khí hóa lỏng, nông sản.

Thứ tư, sử dụng các điều khoản quan hệ chính trị, địa chính trị. Trước đây, sau Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ Công Thương đã khôi phục cơ chế các khung về thương mại và đầu tư giải quyết khúc mắc của Việt Nam với Hoa Kỳ”.

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 9

VnEconomy 13/01/2025 06:00

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2025 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhận diện cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 10
Xem bản gốc