Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2024, ngành hàng tôm phải vượt qua nhiều thách thức. Đó là, lạm phát vẫn chi phối nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường, cạnh tranh vẫn căng thẳng từ các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, liên tục có những rào cản thuế quan như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Những yếu tố này đã gây khó khăn cho xuất khẩu tôm.
XUẤT KHẨU TÔM BỨT PHÁ TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC
Trong năm 2024, từ nông dân nuôi tôm đến các doanh nghiệp chế biến tôm đã kiên định, mở rộng nuôi tôm hướng tới mô hình đầu tư chi phí thấp, năng suất cao, dễ vận hành và giá thành thấp, đồng thời đa dạng phân khúc sản phẩm từ tôm tươi, sống, đông lạnh, chế biến, từ tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm đến tôm biển.
Nhờ đó, diện tích nuôi tôm cả nước đạt trên 740.000ha; sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha, với sản lượng đạt 1.264,3 nghìn tấn, tăng 5,3% so với năm 2023. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam trong năm 2024 đạt trên 280.000 tấn, đứng đầu thế giới. Dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm. Yếu tố này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục, có năng suất cao hơn hẳn so với trước.
Về xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đã tranh thủ sự hồi phục nhu cầu và giá tăng nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, nên xuất khẩu tôm sang 2 cường quốc này đã bứt phá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tôm vẫn giữ được chỗ đứng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU nhờ vào uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như lợi thế của hàng chế biến giá trị gia tăng từ tôm. Các Hiệp định thương mại tự do cũng mang lại lợi thế cạnh tranh để sản phẩm tôm tăng tốc sang nhiều thị trường như Anh, Canada, Australia, Singapore.
“Trong năm 2024, ngành tôm Việt Nam vẫn vững vàng tiến tới cột mốc xuất khẩu gần 4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 cũng là niềm tự hào, là kết quả phấn đấu của cộng động ngành thủy sản ở các địa phương. Các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... là những tỉnh đi đầu, đóng góp từ 800-900 triệu USD cho tổng kim ngạch XK tôm của cả nước năm 2024”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tiêu biểu trong năm 2024 như Công Ty Cổ Phần Thủy Sản Sóc Trăng, Công Ty CP Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú, Công Ty Cổ Phần Thực Phẩm Sao Ta, Công Ty Cổ Phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, Công Ty Cổ Phần Thủy Sản Sạch Việt Nam...
Nhận định về năng lực cạnh tranh với các đối thủ ngành hàng tôm, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng dù là sản phẩm chế biến hay tươi, sản phẩm tôm Việt Nam đều được ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều hơn so với nhiều đối thủ trực tiếp. Cụ thể, doanh nghiệp tập trung bán vào Trung Quốc tôm sú nguyên con cỡ lớn, tôm sống luộc là những mặt hàng người Trung Quốc yêu chuộng và ít đối thủ. Doanh nghiệp hạn chế khuếch trương bán tôm tươi IQF vào Mỹ mà tập trung tôm luộc, tôm chiên, tôm bao bột... do mặt hàng tôm tươi IQF là thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ vì giá của họ rất rẻ.
Với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi chế biến cầu kỳ, mẫu mã đẹp phù hợp với lợi thế lao động chế biến của Việt Nam. Đối với thị trường EU, cần phát triển dòng sản phẩm chế biến, bởi tôm tươi Ecuador đang chiếm thị phần hàng đầu ở đây.
DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN TÔM ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ THIẾU NGUYÊN LIỆU
Tuy vậy, ngành hàng tôm đang đi chậm hơn so với kế hoạch 5 năm đề ra từ năm 2021. Trước đó, vào năm 2021, VASEP từng nhận định: Ngành tôm còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022-2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ đạt 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, với kết quả 4 tỷ USD năm 2024, dự báo xuất khẩu tôm năm 2025 sẽ chỉ có thể đạt mốc 4,3-4,5 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu cho cả giai đoạn 2022-2025.
Ông Lực cho rằng ngành hàng tôm vẫn bấp bênh, thiếu bền vững. Năm 2025, chế biến và xuất khẩu tôm vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Hiện nay tôm thương phẩm có rất ít, thu hoạch tôm thương phẩm giảm mạnh, sớm hơn khoảng 2 tháng so bình thường, khiến giá tôm tăng mạnh.
Với mức giá mua nguyên liệu như hiện nay, mỗi doanh nghiệp chế biến tôm sẽ lỗ nhiều, thậm chí lỗ 2 USD/kg tôm thành phẩm. Theo ước tính, lúc này tôm thả mùa nghịch có thể đạt trong khoảng 15-30% (tùy địa phương) so với vụ chính. Vụ nghịch đi liền nhiều rủi ro nên người nuôi không dám thả nuôi nhiều, tập trung qua đầu năm mới hoặc an toàn hơn là thả nuôi lúc qua tết Nguyên đán
"Dự kiến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1.290,0 nghìn tấn, tăng 2,0% so với năm 2024".
Theo Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Tuy đầy thách thức, nhưng với diện tích thả nuôi nêu trên, các doanh nghiệp chế biến tôm cũng có thể cầm cự hoạt động trong quý 1/2025; đa phần hàng tồn kho đã cơ bản xử lý trả đơn hàng cuối năm 2024, không còn bao nhiêu nguyên liệu dự trữ”, ông Lực thông tin.
Với tình hình hiện nay, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý 1/2025. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến giảm sụt hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo ông Lực, hiện nay tôm Việt Nam có bất lợi lớn nhất là giá thành cao, giảm sức cạnh tranh. Nếu sắp tới đây tôm Việt Nam duy trì được mức thuế AD (Thuế quan theo đơn giá hàng - ad valorem tariff) là 0% thì thị trường Hoa Kỳ còn giữ vững. Nếu thuế này cao 3-5%, chắc chắc các doanh nghiệp tôm Việt Nam phải tập trung vào các sản phẩm không bị thuế AD lẫn thuế CVD (thuế chống trợ cấp - Countervailing duties) mới bám trụ được.