Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Những phát hiện mới về từ trường của Mặt Trăng

Báo Tin tức 1 Tuần trước
Chú thích ảnh Hình ảnh chụp tại Trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BACC) ngày 2/6/2024 cho thấy tàu Thường Nga-6 hạ cánh xuống phần tối của Mặt Trăng. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, cách đây khoảng 2 tỷ năm, Mặt Trăng sở hữu một từ trường yếu nhưng vẫn hoạt động.

Theo nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học của Viện Địa chất và Địa vật lý (IGG) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dẫn đầu, 9 mẫu đá bazan do tàu Thường Nga 5 lấy từ vùng Oceanus Procellarum ở vĩ độ trung bình của Mặt Trăng, cho thấy vệ tinh tự nhiên của Trái Đất sở hữu một từ trường yếu trong giai đoạn 1 - 3 tỷ năm trước.

Theo đó, từ trường của Mặt Trăng ở mức 2 - 4 microtesla, tương đương chưa đến 10% cường độ từ trường Trái Đất hiện nay. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng sự đối lưu nhiệt diễn ra ở lõi Mặt Trăng có thể đã cung cấp thêm nhiệt cho hoạt động núi lửa trước khi từ trường của Mặt Trăng biến mất hoàn toàn.

Tháng trước, các nhà khoa học Trung Quốc cũng công bố một nghiên cứu trên tạp chí Nature, cho biết từ trường của Mặt Trăng từng mạnh lên khoảng 2,8 tỷ năm trước, khi phân tích các mẫu đá được tàu Thường Nga-6 thu thập từ vùng khuất của Mặt Trăng.

Kết hợp hai nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng từ trường của Mặt Trăng không chỉ yếu dần rồi biến mất mà còn có thể đã dao động trong thời gian đó.

Chú thích ảnh Hình ảnh chụp tại Trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BACC) ngày 2/6/2024 cho thấy tàu Thường Nga-6 hạ cánh xuống phần tối của Mặt Trăng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nhà khoa học, phát hiện này giúp lấp đầy một khoảng trống lớn trong sự hiểu biết của con người về từ trường Mặt Trăng. Lớp từ trường này có thể đã giúp bảo vệ bề mặt Mặt Trăng khỏi tác động của gió Mặt Trời và bức xạ vũ trụ, giống như từ trường của Trái Đất hiện nay bảo vệ chúng ta.

Do đó, việc hiểu được sức mạnh, cấu trúc và sự tiến hóa của từ trường Mặt Trăng là rất quan trọng để làm sáng tỏ cấu trúc bên trong, lịch sử nhiệt và môi trường bề mặt của vệ tinh tự nhiên này. Điều này cũng góp phần giúp các nhà khoa học có thêm kiến thức về sự tồn tại cũng như sự biến mất của các vật chất dễ bay hơi trên bề mặt Mặt Trăng.

Tàu vũ trụ Thường Nga 5 trở về Trái Đất ngày 17/12/2020 với hơn 1,7 kg mẫu vật Mặt Trăng, chủ yếu bao gồm đá và đất trên bề mặt. Tàu Thường Nga 6 trở về ngày 25/6/2024, mang theo hơn 1,9 kg mẫu vật thu thập từ vùng khuất của Mặt Trăng, nơi chưa từng được khám phá trước đây.

Xem bản gốc