Mặc dù “siêu trụ” VHM chiều nay mạnh thêm một chút so với buổi sáng nhưng vẫn không thể cân bằng lại số lớn các mã khác giảm. Những nỗ lực kéo xanh VN-Index đều thất bại dưới áp lực bán tăng khá mạnh, bao gồm của khối ngoại rút ròng…
Một nhịp phục hồi đưa VN-Index vượt tham chiếu kéo dài khoảng 15 phút từ sau 2h chiều và kết thúc thất bại khi chỉ số đóng cửa giảm 2,05 điểm (-0,16%). Nhịp này không có sự hỗ trợ đồng thuận của nhóm trụ mà chỉ là “cú rướn” chủ đạo của CTG, FPT và MSN. CTG bất ngờ được kéo tăng gần 1% chỉ trong chưa đầy 10 phút. FPT cũng có nhịp leo dốc khoảng 0,6%, MSN tăng 0,8%. VN-Index vượt nhẹ tham chiếu khoảng 3 điểm trong 10 phút, sau đó từ từ trượt xuống.
VHM, VIC, VRE trong nhịp nảy nói trên của chỉ số thay đổi rất ít. Biên độ tăng tốt so với tham chiếu nhưng giá đứng im nên không đóng góp gì cho chỉ số. Ở nhịp trượt cuối cùng, cả 3 mã này đều yếu đi một chút. VHM đóng cửa tăng 4,01% là trụ duy nhất có giá đóng cửa cao hơn mức chốt buổi sáng (+0,11%). VIC đã trả lại 1,06%, co hẹp mức tăng lại còn 0,84%. VRE tụt mất 0,78% còn tăng 0,79%.
Thống kê rổ VN30 chiều này chỉ có 5 mã cải thiện, trong khi tới 22 mã tụt giá so với phiên sáng. BCM, MBB, STB, VPB và VHM là những mã tốt hơn. Nhóm giảm bao gồm nhiều trụ, có cả VIC, VCB, MSN, HPG, , FPT, CTG… toàn những blue-chips vốn hóa hàng đầu. Sự “đồng thuận” giảm này đã tạo sức ép lên chỉ số rõ nét.
VN30-Index cũng suy yếu rõ rệt, đóng cửa giảm 0,27% với 8 mã tăng/19 mã giảm. 5 cổ phiếu rớt hơn 1% là VJC, FPT, MWG, HDB, SSB. Phía tăng, ngoài VHM chỉ có GVR tăng 2,25%, POW tăng 1,59% và MBB tăng 1,17% là mạnh.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, độ rộng tuy không kém đi quá nhiều so với buổi sáng nhưng lại xuất hiện nhiều cổ phiếu bị bán tháo hơn. Cụ thể, chốt phiên sáng VN-Index ghi nhận 142 mã tăng/201 mã giảm, đóng cửa là 146 mã tăng/222 mã giảm. Phiên sáng sàn này có 69 mã giảm quá 1%, phiên chiều là 74 mã. Tuy nhiên số lượng cổ phiếu thanh khoản trên trăm tỷ lại rất nhiều, tới 15 mã (phiên sáng có 4 mã). Điều này cho thấy áp lực bán hạ giá đã mạnh lên đáng kể.
FPT là trụ bị bán bất ngờ nhất, chốt phiên sáng mới giảm nhẹ 0,29%, thanh khoản khoảng 262,1 tỷ đồng. Chiều nay cổ phiếu này xuất hiện giao dịch thêm tới hơn 515 tỷ đồng nữa và giá cắm đầu giảm 1,43%. VIX, GEX, MWG, HDB, DXG, PDR, DIG… giao dịch tăng vọt và giá lao dốc sâu hơn. Trái lại TCH được “trục vớt” khỏi giá sàn với thanh khoản hơn 222 tỷ đồng và giá đóng cửa chỉ còn giảm 6,27%. Tính chung nhóm 74 mã giảm mạnh nhất thanh khoản chiếm 32,9% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Phía tăng giá tình hình cũng không khả quan. Dù về số lượng vẫn có 51 mã tăng hơn 1%, tương đương buổi sáng, nhưng giao dịch hầu như chỉ tập trung vào số ít mã. 10 cổ phiếu hàng đầu chiếm 92% tổng thanh khoản của cả nhóm. Ngoài VHM nổi bật, có thể kể tới MBB tăng 1,17% khớp 400,8 tỷ; DBC tăng 1,98% khớp 271,3 tỷ; CII tăng 4,22% với 188,4 tỷ; GVR tăng 2,25% với 144,8 tỷ; POW tăng 1,59% với 107,8 tỷ; VHC tăng 1,67% với 100,6 tỷ.
Thanh khoản hai sàn niêm yết phiên chiều sụt giảm 13,8% so với buổi sáng, đạt 7.425 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 14% với 7.091 tỷ đồng. Tính chung cả ngày, hai sàn vẫn tăng khoảng 26,7% giá trị khớp lệnh so với phiên trước, đạt 16.034 tỷ đồng. Phiên đầu tuần thanh khoản tăng lên nhưng thị trường một lần nữa lại thất bại trước ngưỡng 1300 điểm khi mức cao nhất VN-Index chạm tới 1297,67 điểm và đóng cửa ở giá thấp nhất ngày, còn 1286,34 điểm. Đây là biểu hiện rõ ràng của áp lực bán lấn át.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng bất ngờ xả ròng khá mạnh với -614,7 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tính riêng phiên chiều khối này bán ròng thêm khoảng 260,4 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng cao nhất trong 6 phiên vừa qua ở sàn này. Những cổ phiếu bị bán nhiều là FPT -179,3 tỷ, EIB -97,3 tỷ, VPB -86,6 tỷ, HPG -60,4 tỷ, STB -52,7 tỷ, MWG -47,2 tỷ, MSN -40,7 tỷ… Phía mua chỉ có TCB +69,7 tỷ, VHM +69,2 tỷ, TPB +28,3 tỷ, GVR +23,1 tỷ là đáng kể.