Theo tính toán của GMT Research có trụ sở tại Hồng Kông, BYD, phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ vốn lưu động, đã che giấu mức nợ tăng vọt lên tới gần 44 tỷ USD. Được biết, GMT trước đó từng lên tiếng cảnh báo về China Evergrande Group - ‘bom nợ’ khổng lồ của Trung Quốc.
Cụ thể, sau khi điều chỉnh để phản ánh các khoản phải thu đã bị xóa khỏi bảng cân đối kế toán, nợ ròng thực tế của BYD tương đương 323 tỷ nhân dân tệ (khoảng 44 tỷ USD) tính đến ngày 30/6/2024. Giá trị thị trường của công ty tại Hồng Kông là khoảng 105 tỷ USD.
Trước đó, bản thân BYD từng đưa ra mức nợ ròng là 27,7 tỷ nhân dân tệ vào giữa năm 2024. Các đại diện của BYD từ chối bình luận.
“Dù có cấu trúc như thế nào, rõ ràng đây là một hình thức nợ ẩn”, nhà phân tích Nigel Stevenson của GMT cho biết. “BYD đang sử dụng những thủ thuật khéo léo để biến các khoản nợ này như một phần của vốn lưu động”.
Nợ ẩn khiến các nhà đầu tư khó nắm bắt được tình hình tài chính thực tế của BYD, trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng gay gắt. Một cuộc chiến giá cả khốc liệt, một phần do hãng sản xuất ô tô này dẫn đầu, đã đè bẹp các đối thủ yếu hơn, đồng thời khiến các nhà cung cấp ngày càng phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các nhà sản xuất.
Không rõ con số 44 tỷ USD có tồn tại, song nếu đúng là như vậy, có lẽ thế giới sẽ phải ‘vỡ mộng’ với BYD - hãng xe được coi là ‘ông vua bất bại’ hiện tại trên thị trường EV khốc liệt.
Được biết cách đây không lâu, BYD công bố mức tăng 11,5% lợi nhuận ròng trong quý III/2024 khi duy trì đà bán hàng mạnh mẽ nhờ các ưu đãi đổi xe cũ của chính phủ. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng tăng 18,1% lên 25,2 tỷ Nhân dân tệ.
Với doanh thu quý III tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái lên 201,1 tỷ Nhân dân tệ (28,24 tỷ USD), doanh thu quý của BYD lần đầu tiên vượt qua Tesla với doanh thu trong quý chỉ đạt 25,2 tỷ USD.
BYD - công ty chiếm hơn 30% tổng doanh số bán xe điện và xe hybrid cắm điện tại Trung Quốc trong năm 2024 đã phá vỡ kỷ lục doanh số bán hàng hàng tháng vào tháng 9. Dữ liệu của ngành cho thấy, các hãng xe của Trung Quốc đã tận hưởng lợi thế từ các biện pháp kích thích đổi cũ lấy mới mở rộng ưu tiên cho xe xanh. Tháng 8/2024, doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã chấm dứt đà giảm trong 5 tháng nhờ khoản trợ cấp tăng.
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, Thái Lan là thị trường nước ngoài lớn nhất của BYD. Theo kế hoạch của chính phủ, nước này đặt mục tiêu chuyển đổi 30% sản lượng xe ô tô hàng năm thành xe điện vào năm 2030.
CEO hãng xe điện BYD cho biết: “Chúng tôi tin rằng Thái Lan đang có thời kỳ phát triển vàng cho phương tiện sử dụng năng lượng mới. Chúng tôi mong muốn đưa công nghệ xe năng lượng điện đến Thái Lan và thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp chuỗi công nghiệp ô tô của Thái Lan”.
Cùng thời điểm này, các hãng xe điện của Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc cũng đang đối mặt với mức thuế cao ngất ngưởng khi nhập khẩu vào liên minh châu Âu EU. Theo các chuyên gia, động thái này của EU sẽ khiến cả 2 bên cùng chịu thiệt hại.
Theo: Business Times, WSJ