Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa, do việc mở rộng hệ thống các khu, cụm công nghiệp và xây dựng các khu dân cư. Nông dân Trần Quang Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Hoà (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho rằng ngành chức năng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai mới cần phải có những chủ trương, biện pháp để giữ lại đất nông nghiệp phục vụ sản xuất của nông dân.
ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐẤT ĐA MỤC TIÊU
Tại diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói" ngày 24/11/2024, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai.
Trong đó, vấn đề tích tụ, tập trung đất đai, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức.
Vì vậy, nông dân đang rất cần Chính phủ và các cơ quan chức năng giải đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.
Một trong những vấn đề mà nhiều nông dân đang gặp phải là nhiều hộ nông dân đã quá hạn thuê đất, nhưng vẫn chưa làm được thủ tục gia hạn cho thuê đất. Theo nông dân Nguyễn Cường (xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành luôn động viên, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả nhưng cái khó là gia đình ông Cường đang thuê đất nuôi tôm chỉ có thời hạn tối đa 20 năm. Như vậy làm sao dám đầu tư lâu dài bằng các thiết bị, công nghệ mới?
Trả lời câu hỏi của này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết nếu là đất giao, theo Luật Đất đai (ngay cả Luật Đất đai 2013) là tự động kéo dài 50 năm, người dân không phải làm gì hết, nhà nước phải tự làm cho người dân. Nếu đất thuê đã hết thời hạn 20 năm, nhưng nhà nước không thu hồi và người dân vẫn có nhu cầu thì vẫn tiếp tục được cho thuê tiếp.
Trả lời câu hỏi của một nông dân tại huyện Phú Lương (tỉnh Hoà Bình) về việc có được trồng cây phục vụ ngành nghề gắn với du lịch trên đất rừng hay không (đất đa mục tiêu), ông Đào Trung Chính cho biết người dân được kết hợp khai thác các hoạt động kinh tế dưới tán rừng.
“Luật Đất đai mới đã quy định rất rõ trong các loại đất rừng: cả 03 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng), những người được giao đất, giao rừng đều có quyền kết hợp phát triển du lịch dưới tán rừng, trồng cây dược liệu”, ông Chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng khẳng định Luật Đất đai cho phép sử dụng đất đa mục tiêu.
Tuy nhiên, khi kết hợp kinh doanh trên đất rừng sản xuất hay một phần đất rừng phòng hộ, người dân cần phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng và phê duyệt phương án phát triển nông nghiệp bền vững. Sau đó, người dân mới được tiến hành các dự án kinh tế dưới tán rừng, đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, thông tin về quy định sử dụng một phần diện tích nông nghiệp để xây kho, bãi, bảo quản nông cụ sản xuất, nông sả,n bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường, cho hay tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 cũng như tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 102 đã quy định chi tiết phần phân loại đất, trong đó, nhóm đất nông nghiệp khác sẽ có một phần diện tích để xây kho, bãi. Đây là những điểm rất mới tại Luật Đất đai năm 2024.
CHỈ ĐẤU GIÁ ĐẤT LÂM TRƯỜNG ĐÃ GIAO VỀ ĐỊA PHƯƠNG
Nêu vấn đề từ hơn 20 năm trước khi Đảng và Nhà nước và từng địa phương có chính sách vận động thành lập nông lâm trường để đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), nhận định mô hình này do quản lý không hiệu quả, dẫn đến thoái trào, giải thể, chuyển về địa phương quản lý. Tuy nhiên, nông dân vẫn canh tác và trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương.
Theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương rất khó thực hiện vì người nông dân đã đầu tư xây dựng trên mảnh đất này, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm. Nếu tiến hành đấu giá thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất. Việc này rất khó cho địa phương và người dân.
“Cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân”, ông Huy kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng trong Luật Đất đai 2024, đất được nông lâm trường giao khoán thì đã được xử lý, nông dân giao có giấy tờ thì được nhà nước công nhận, không phải đấu giá, nhưng cũng có tình trạng di cư tự do thì pháp luật cũng công nhận việc sử dụng đất đó, nhưng có điều khoản vi phạm đi kèm (vì di cư tự do), còn xử lý thấu đáo thì vẫn phải phân định ưu tiên hộ có giấy tờ, rồi sau đó mới đến các hộ di cư.
Để huy động nguồn lực đã có quy định tích tụ đất đai, khi doanh nghiệp tích tụ đất đai có thể nhận chuyển nhượng của những đối tượng có giấy tờ sử dụng đất nông lâm trường đó. Chỉ áp đấu giá đất nông lâm trường đã được bàn giao về địa phương, đã được đưa vào quỹ đất công của địa phương, nhưng cũng có hình thức linh hoạt nữa là nhận chuyển nhượng như đã nêu trên. Luật đã quy định mở, quan trọng là chúng ta áp hình thức nào.
Theo ông Phấn, trách nhiệm lớn nhất là thuộc về địa phương, phải quản lý, trong đó, xác định rõ đất nông lâm trường nào giữ lại phát triển sản xuất, diện tích nào không phát triển, diện tích nào lấn chiếm, diện tích nào hoang hóa, để có ứng xử phù hợp.
Nông lâm trường không sử dụng đất phải bàn giao cho địa phương, ưu tiên cho những người nhận giao khoán, và nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cái này phải nhấn mạnh vai trò quản lý của địa phương để có giải pháp tốt nhất cho đất nông lâm trường hiện nay.
ĐẤT VẪN ĐƯỢC CANH TÁC KHI CHƯA CÓ THÔNG BÁO THU HỒI
Ông Nguyễn Bá Tân, nông dân tại Quốc Oai, Hà Nội, hỏi đất nông nghiệp được quy hoạch một phần dịch vụ, một phần trồng cây lâu năm, khi chuyển đổi cấp giấy chứng nhận sử dụng các diện tích đất này được quy định thế nào?
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thực tế các loại đất ở dạng vừa có đất trồng cây lâu năm vừa có đất ở, vừa có đất sản xuất, vừa có đất dịch vụ thì không có quy hoạch nào quy định loại đất này. Đây chỉ là hiện trạng, khi đăng ký quyền sử dụng đất phải tách ra. Nhà nước ghi nhận hiện trạng đất đó của người dân để làm cơ sở bồi thường khi thu hồi quyền sử dụng đất, khi đó phải làm rõ từng loại đất cụ thể, nếu không sau này nhà nước không thể ghi nhận, không thể bồi thường nếu phải thu hồi.
Trường hợp người dân có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng một thửa, khi bị thu hồi, người dân sẽ được tái định cư tại chỗ, đất trồng cây lâu năm được chuyển đổi làm đất ở. Đối với diện tích đất phía trước mà nhà nước thu hồi làm đường thì phần đất phía sau người dân được sử dụng làm đất ở, không phải nộp thuế sử dụng đất (Luật Đất đai năm 2024)
Đối với đất nông nghiệp, người nông dân đang canh tác nhưng bị thu hồi đất phục vụ dự án, ông Đào Trung Chính cho biết luật đã có quy định cụ thể, đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa có thông báo thu hồi đất thì người dân vẫn được canh tác, sản xuất bình thường, nếu người dân có quyền sử dụng đất thì vẫn có thể chuyển nhượng bình thường.