Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Nông nghiệp công nghệ cao giúp đồng bào DTTS thay đổi thói quen sản xuất

Báo Dân tộc & Phát triển 1 Tháng trước
Huyện Đắk Mil quy hoạch phát triển vùng xoài theo hướng ứng dụng công nghệ caoHuyện Đắk Mil quy hoạch phát triển vùng xoài theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Công Bằng Thuận An, huyện Đắk Mil hiện có khoảng 330ha. Áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn, nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm cà phê bột của hợp tác xã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao từ năm 2020. 

Ngoài ra, Hợp tác xã còn liên kết chuỗi giá trị giúp người dân nâng cao thu nhập, nhất là đồng bào DTTS. Đến nay, hợp tác xã đã liên kết sản xuất, với 23 hộ đồng bào DTTS, diện tích khoảng 50ha, trong đó, 25ha đã được cấp chứng nhận tiểu chuẩn RA và Fair Trade.

Năng suất cà phê ứng dụng công nghệ cao hơn cà phê thông thường từ 10-30%. Hạt cà phê được dán tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo vệ thương hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài cây trồng chủ lực là cà phê, nông dân huyện Đắk Mil ứng dụng công nghệ cao vào nhiều mô hình sản xuất khác.

Điển hình như mô hình trang trại dưa lưới của anh Nguyễn Thế Độ (SN 1982) ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. Theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao, năm 2017 anh Nguyễn Thế Độ đầu tư làm nhà kính và trồng dưa trong nhà lưới. Trang trại dưa lưới đã tạo ra khoản thu nhập khá cho gia đình anh.

 Anh Độ chia sẻ: Trồng dưa lưới trong nhà kính giúp giảm công chăm sóc và tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng sâu bệnh tấn công và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng công nghệ vào sản xuất, chăm sóc cây trồng, mỗi tháng trại dưa lưới cho thu hoạch 2 - 3 tấn quả, bán với giá 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi năm, anh thu lãi 200-300 triệu đồng, cuộc sống gia đình anh ngày càng được nâng cao.

Trang trại dưa lưới trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Độ ở xã Đắk GằnTrang trại dưa lưới trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Độ ở xã Đắk Gằn

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Mil cho biết: Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị cây trồng, tạo sản phẩm thế mạnh cạnh tranh, huyện Đắk Mil đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cà phê, cây ăn quả tập trung, có chứng nhận. Năm 2018 Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận sử dụng “sầu riêng Đắk Mil” và “Xoài Đắk Mil”; cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “cà phê Đắk Mil”, “Cà phê Đức Lập”.

Đồng bào DTTS thay đổi thói quen sản xuất

Toàn huyện Đắk Mil có diện tích tự nhiên gần 68.000 ha, trong đó 80% là đất đỏ bazan màu mỡ, là điều kiện quan trọng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Thời gian qua, huyện Đắk Mil đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong vùng đồng bào DTTS. Các mô hình không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, mà còn giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, cải thiện đời sống.

Huyện Đắk Mil hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnhHuyện Đắk Mil hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh

Điển hình như, mô hình nghiên cứu ứng dụng phát triển lúa chất lượng cao (RVT) tại vùng đồng bào DTTS xã Thuận An. Mô hình do Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Mil hỗ trợ kỹ thuật canh tác trên cây lúa theo phương pháp FFS cho các hộ gia đình tham gia. Theo đó, các hộ đồng bào DTTS đã dần thay đổi về thói quen, tập quán cũ trong sản xuất, lựa chọn những giống lúa cho năng suất chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế.

Hay như mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, tại xã Long Sơn cho 15 hộ đồng bào DTTS, với diện tích 15ha. Các hộ tham gia mô hình đều áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng, tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế

Bà H’Xuân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Mil, Chủ tịch HĐND huyện Đắk Mil cho biết: Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Huyện đã hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp thông qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 Qua đó, tạo sự liên kết giữa các hộ người Kinh với người đồng bào DTTS, từng bước thay đổi thói quen sản xuất đơn lẻ, tự phát sang liên kết. Đến nay, huyện Đắk Mil đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cà phê, cây ăn quả có chứng nhận. Từ đó, giúp đồng bào DTTS thay đổi thói quen, tập quán sản xuất cũ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Đắk Nông và huyện cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (12 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao). Huyện cũng đã hình thành 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cà phê Thuận An (335ha) và vùng xoài Đắk Gằn (300ha).

Xem bản gốc