Ngày 20/2/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030”.
THIẾT KẾ 11 NỘI DUNG THÀNH PHẦN
Thông tin tại hội thảo, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương, cho biết tính đến tháng 1/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, có 2.275 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng caovà 550 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 305/645 đơn vị cấp huyện (đạt 47,2%) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 92 đơn vị so với cuối năm 2021. Đến nay, có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình Nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục giải quyết. Đó là nhiều xã vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa đạt chuẩn, điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí sau khi đạt chuẩn. Trong khi đó, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được đột phá trong nâng cao năng suất và gia tăng giá trị nông sản. Vấn đề môi trường, xử lý rác thải và nước thải nông thôn vẫn chưa được giải quyết triệt để…
Vì vậy, giai đoạn 2026-2030 cần thiết triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để tiếp tục tập trung hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến 2030 có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.
Cùng với đó, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, cấp thiết ở địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đặc biệt khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Chương trình “Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030” sẽ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì thực hiện. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được sau 15 năm thực hiện, Chương trình tiếp tục thiết kế với 11 nội dung thành phần.
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển bền vững.
Thứ hai, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa nông thôn - đô thị và các vùng miền.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn bền vững, gắn với chuyển đổi số và thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng ổn định, lâu dài.
Thứ tư, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Thứ năm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn và bảo tồn cảnh quan truyền thống nông thôn việt nam.
Thứ tám, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, thúc đẩy chuyển đổi số và bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật, bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ chín, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ mười, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Mười một, Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
CHUYỂN ĐỔI XANH VÀ TĂNG NHANH THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận định đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện: 100% các xã và gần 99% số thôn khu vực nông thôn đều đã có điện; có 99,67% xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện; hệ thống mạng di động 3G, 4G đã được phủ sóng rộng khắp…
Nêu lên những tồn tại, thách thức, TS. Thắng cho rằng thu nhập dân cư nông thôn còn thấp, chênh lệch giữa các nhóm thu nhập, vùng miền; Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp chưa đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chưa có các trung tâm kết nối nông sản tại các vùng miền, thiếu hệ thống kho nông sản.
Từ thực tế này, TS. Thắng khuyến nghị nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh: "Chương trình Nông thôn mới giai đoạn tiếp theo cần củng cố sức mạnh và tính gắn kết của cộng đồng nông thôn. Tại mỗi làng xã, cần xây dựng đội ngũ thủ lĩnh cộng đồng có đủ uy tín và năng lực; trao quyền và phát huy vai trò của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Cần gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển nông nghiệp và công nghiệp, để đảm bảo việc làm và tăng thu nhập dân cư nông thôn".

Đồng tình, ông Cao Đức Phát, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nông thôn hiện nay đã phát triển rất xa so với cách đây 15 năm, nên Chương trình Nông thôn mới như "chiếc áo đã chật". Bây giờ, gần như khắp vùng nông thôn đều 100% có điện, đường sá đã hoàn thành, trường trạm đã có, nhà của người dân khang trang... Nếu tiếp tục theo hướng xây nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao, thì chỉ là cách làm cơi nới.
Theo ông Phát, mỗi địa phương, mỗi vùng khác nhau, vì vậy không thể xây dựng một bộ tiêu chí chung, rồi bắt tất cả các nơi phải làm theo. Không thể dùng tiêu chí của vùng Đồng bằng sông Hồng rồi áp cho vùng miền núi, hay vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phải làm sao làng của người Tày, khác với làng của người Dao, chứ không phải là tất cả đều giống như làng của người Kinh.
“Nên chuyển sang thiết kế một Chương trình quốc gia khác, với tên gọi khác là: “Chương trình xây dựng nông thôn hiện đại”. Chương trình mới này cần khắc phục những tồn tại của giai đoạn 2010 – 2024 và phải nhấn mạnh đến phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Mục tiêu quan trong là phải đủ sức tạo việc làm và nâng cao năng thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, ngang bằng với thu nhập ở khu vực đô thị”, ông Phát đề xuất.

Theo ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội, chúng ta không thể đo lường sự phát triển của nông thôn chỉ bằng những con số hay danh hiệu, mà quan trọng hơn là bằng chất lượng cuộc sống và sự hạnh phúc của người dân.
“Thế giới đang thay đổi rất nhanh, và nông thôn Việt Nam không thể mãi đi theo lối mòn cũ. Nếu trước đây, chúng ta nói về nông thôn mới với đường sá, trường trạm, nhà cửa khang trang, thì giờ đây, chúng ta cần nhấn mạnh hơn đến một nông thôn tri thức, một nông thôn có tính kết nối cao và một nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững”, ông Phát nhấn mạnh.
Muốn nông thôn phát triển bền vững, ông Hoan cho rằng cần một cộng đồng nông thôn tri thức, nơi người dân không chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống, mà còn có thể tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới và tư duy mới.
Vì vậy, cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện, huy động lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân về nông thôn để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tạo ra những nghề mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông sản, mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nghề truyền thống.