Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

'Nvidia Trung Quốc' phá sản, cạn tiền mặt, sa thải gần hết nhân viên

Markettimes 2 Tuần trước

Các công ty bán dẫn Trung Quốc hiện rơi vào hai thái cực: Được định giá tỷ USD hoặc điêu đứng vì vấn đề tài chính. Chẳng hạn, trong khi hàng loạt kỳ lân thành hình, hãng GPU Xiangdixian mới đây vừa được tuyên bố phá sản.

Xangdixian được thành lập vào tháng 9/2020 bởi Tang Zhimin, chuyên gia khoa học máy tính của Viện Khoa học Trung Quốc. Doanh nghiệp, khi ấy được đặt biệt danh là “Nvidia của Trung Quốc”, đã nhận được khoản đầu tư lớn và trở thành kỳ lân công nghệ với định giá 15 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 2 tỷ USD.

Trước tin đồn phá sản, Xiangdixian thông báo rằng chỉ “cắt giảm chi phí để tối ưu đội ngũ”, đồng thời đang tích cực liên hệ với nhà đầu tư để tìm kiếm nhà tài trợ. Tuy nhiên theo SCMP, do cạn tiền mặt, công ty này gần như đã phá sản và phải chấm dứt hợp đồng của 400 nhân viên, tức gần hết số lao động đang làm việc. 

Được biết, kỳ lân này không thực hiện được các điều khoản đã thỏa thuận trước đó trong vòng gọi vốn, vậy nên hiện đang bị các cổ đông đệ đơn kiện lên tòa dẫn đến đóng băng tài khoản.

Theo các chuyên gia, thất bại của Xiandixian đến từ loạt đánh giá sai lầm. Từ 2014, Trung Quốc lập quỹ đầu tư hơn 130 tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy bán dẫn trong nước, cũng nhằm phát triển công nghiệp sản xuất nội địa và tiến gần đến các tiến trình cao cấp. 

Đến 2020, những mục tiêu ban đầu được thực hiện khá tốt, song các công ty như Xiandixian ra đời chỉ nhằm giúp nhà sáng lập gọi vốn thành công số tiền khổng lồ. Về bản chất, các nguyên mẫu GPU Tianjun của Xiandixian có hiệu suất kém xa các đối thủ như Nvidia, AMD hay Intel.

Những khó khăn của Xiangdixian minh chứng cho mối nguy trong ngành bán dẫn của Trung Quốc vốn đã tăng trưởng quá nóng những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Quốc gia này muốn nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Ngoài Xiandixian, Beijing Zuojiang Technology cũng bị Ủy ban Chứng khoán Thâm Quyến hủy giao dịch khi bị điều tra gian lận tài chính. Woodson, startup bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải từng được đăng ký với số vốn 10 tỷ tệ cũng nộp đơn phá sản hồi tháng 6.

Dĩ nhiên, vẫn có những cái tên nổi bật. 

Chẳng hạn, 01.AI, một kỳ lân được Alibaba và Xiaomi hậu thuẫn, sử dụng định dạng đào tạo có độ chính xác thấp hơn giúp giảm năng lượng và thời gian cần thiết để đào tạo các mô hình học máy. Theo các nhà nghiên cứu của Nvidia, định dạng này, được các công ty như Google sử dụng tại Mỹ, có thể tăng tốc đầu ra của mô hình.

“Tại Trung Quốc, chúng tôi không có nhiều bộ xử lý đồ họa và điều đó buộc chúng tôi phải phát triển cơ sở hạ tầng AI và công cụ suy luận rất hiệu quả”, nhà sáng lập 01.AI Kai-Fu Lee nói và cho biết tỷ lệ lỗi cụm chip của họ, thước đo tần suất các nhóm chip được kết nối không hoạt động cùng nhau, hiện thấp hơn mức trung bình của ngành.

“Điều quan trọng là phải tìm ra cách chúng ta có thể đạt được kết quả tốt hơn thông qua kỹ thuật thay vì đầu tư mù quáng vào sức mạnh điện toán”, Lee của 01.AI phát biểu tại hội nghị ngành AI ở Trung Quốc.

Được biết, Trung Quốc chưa từng ngừng tham vọng làm chip khi liên tiếp đổ tiền vào các quỹ đầu tư bán dẫn. Hơn 150 tỷ USD đã được rót vào ngành công nghiệp, bao gồm một quỹ đầu tư trị giá 47 tỷ USD được công bố vào tháng 5 năm nay, hỗ trợ mở rộng các nhà máy bán dẫn. Riêng SMIC, công ty được nhà nước hậu thuẫn đồng thời là nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất Trung Quốc, vận hành hơn một chục cơ sở sản xuất chip, được gọi là fabs, trên khắp cả nước và đang có kế hoạch hoặc xây dựng ít nhất 10 cơ sở nữa. 

Theo chuyên gia công nghệ Paul Triolo, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã “buộc Trung Quốc và các công ty Trung Quốc phải cải thiện trên mọi phương diện”. Các công ty dù phải đối mặt với những rào cản lớn, song vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể để đạt vị trí hiện tại.

Tuy nhiên, Christophe Fouquet, Giám đốc điều hành của ASML – nhà sản xuất công cụ quang khắc hàng đầu thế giới, lại nhận định rằng, mặc dù những tiến bộ mà SMIC và Huawei đạt được trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây rất ấn tượng, song có lẽ họ vẫn chậm hơn từ 10 đến 15 năm so với các ông lớn như Intel, TSMC và Samsung… Ngay cả với các công cụ quang khắc DUV tiên tiến nhất, năng lực của SMIC khó có thể cạnh tranh hiệu quả về chi phí với công nghệ của TSMC. 

“Lệnh cấm xuất khẩu công nghệ EUV khiến Trung Quốc tụt hậu từ 10 đến 15 năm so với phương Tây”, ông Christophe Fouquet, Giám đốc điều hành của ASML chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Ở chiều ngược lại, Zhang Ping’an, một Giám đốc điều hành cấp cao của Huawei phụ trách mảng điện toán đám mây, lại cho rằng: “Chúng ta không nên nghĩ rằng việc không có chip AI tiên tiến nhất đồng nghĩa với việc không thể dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Chúng ta nên từ bỏ quan điểm này ở Trung Quốc”.

Theo: SCMP, CNBC

Xem bản gốc