Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Phấn đấu đến năm 2030 có 1 triệu ha rừng đạt chứng chỉ bền vững

Vneconomy 3 Giờ trước

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng không chỉ là xu thế khách quan toàn cầu trong quản trị rừng, mà còn là yêu cầu tất yếu của thị trường gỗ và lâm sản trên thế giới nhằm hướng tới đảm bảo quản lý tài nguyên rừng bền vững theo yêu cầu của các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.

Lần đầu tiên Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS).

Từ đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã hợp tác với tổ chức Chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) để thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống quốc gia Việt Nam PEFC/VFCS theo tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và đã đặt mục tiêu có được một triệu ha chứng chỉ rừng vào năm 2030.

ĐÃ CÓ 600 NGHÌN HA ĐƯỢC  CẤP CHỨNG CHỈ RỪNG BỀN VỮNG

Cục Lâm nghiệp thông tin, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình đang quản lý gần 2 triệu ha rừng trồng sản xuất, chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng sản xuất cả nước. Diện tích còn lại do các doanh nghiệp và các công ty lâm nghiệp quản lý. Tính đến hết tháng 10/2024, cả nước hiện có khoảng gần 600 nghìn ha chứng chỉ rừng bền vững, trong đó chứng chỉ FSC khoảng 410 nghìn ha và chứng chỉ PEFC/VFCS khoảng 183 nghìn ha.

Theo kết quả điều tra, tính đến hết tháng 10/2024, trong tổng số diện tích rừng được cấp chứng chỉ, diện tích rừng do hộ gia đình, cá nhân được cấp theo hình thức chứng chỉ nhóm là: 300.816 ha, chiếm 50%. Trong đó, hình thức liên kết với doanh nghiệp chế biến gỗ đứng ra làm đại diện nhóm và thu mua gỗ có chứng chỉ là chủ yếu, khoảng 220.000 ha (chiếm 73,3%); các diện tích còn lại là cấp chứng chỉ nhóm theo hình thức hội chủ rừng và hợp tác xã.

"Tại Việt Nam, PEFC đã tăng mức độ phù hợp của FSC tại Việt Nam thông qua việc thích ứng các bộ tiêu chuẩn FSC với điều kiện Việt Nam. Hiện nay phần lớn diện tích rừng trồng được cấp chứng nhận FSC và VFCS đang cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho 1844 công ty có chứng chỉ FSC CoC sản xuất dồ gỗ, giấy, cao su, giây và mây tre".

Cục Lâm nghiệp.

Sở dĩ Việt Nam xây dựng chứng chỉ PEFC/VFCS làm chứng chỉ quốc gia do FSC là hệ thống chứng nhận uy tín, được công nhận trên toàn, được những người mua lớn tin tưởng và yêu cầu. Nhiều tập đoàn lớn ở các thị trường Châu Âu, Mỹ như IKEA, OTTO, COSTCO đều có chiến lược và chính sách mua hàng có  chứng chỉ FSC.

Chứng chỉ FSC được cấp cho các sản phẩm từ rừng bao gồm: Gỗ, giấy, bao bì, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (mây tre, cao su) và các dịch vụ hệ sinh thái (carbon, đa dạng sinh học, bảo vệ nước, bảo vệ đất và cảnh quan), đảm bảo rằng các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đến từ những khu rừng được quản lý một cách bền vững và kiểm soát theo một chuỗi liên tục.

Thông qua việc triển khai Tiêu chuẩn vùng cho quản lý rừng tiểu điền bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 2023 để hỗ trợ chứng nhận nhóm nông hộ nhỏ trong nước, Việt Nam đã có những diện tích rừng cao su có chứng chỉ FSC đầu tiên cho gỗ và mủ cao su.

Chứng chỉ FSC đầu tiên cấp cho gỗ và mủ cao su đại điền đã được cấp cho Công ty Cao su Đak Lak và FSC cũng được cấp cho sản phẩm Mây đầu tiên cho Rừng cộng đồng tại Quảng Trị. Các sản phẩm FSC đã được kết nối đến thị trường Châu Âu, Mỹ.

Trong bối cảnh Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) được yêu cầu thực hiện vào đầu năm 2026, Chứng chỉ FSC phù hợp với EUDR mới được giới thiệu vào tháng 7/2024 được coi là một công cụ hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định EUDR. Các sản phẩm được chứng nhận bởi FSC có thể được coi là tuân thủ yêu cầu của EUDR, vì chứng chỉ này đã bao gồm các yếu tố quản lý bền vững và minh bạch trong chuỗi cung ứng, giúp xác minh rằng gỗ và các sản phẩm từ gỗ không góp phần vào nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng.

5 NHÓM GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY LIÊN KẾT TRỒNG RỪNG BỀN VỮNG

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phòng chế biến và thương mại lâm sản, Cục Lâm nghiệp, cho rằng việc phát triển hợp tác, liên kết, đầu tư trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Có thời điểm, giá bán gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chênh không nhiều so với gỗ không có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, không tương xứng với chi phí bỏ ra  để làm chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Diện tích đất trồng rừng đã giao cho các hộ gia đình nhỏ lẻ, khó tạo được vùng nguyên liệu lớn, gây khó cho việc thu mua và vận chuyển đến nơi chế biến. Công tác quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế, việc giao đất vẫn còn tình trạng tranh chấp, chồng chéo gây khó khăn cho phát triển vùng quy hoạch trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu, thu mua lâm sản hiện nay chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người dân tham gia.

Để thu hút hợp tác trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo nhóm liên kết với doanh nghiệp chế biến, các chuyên gia kiến nghị 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hộ gia đình trong thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Phải làm cho người dân thấy lợi ích rõ ràng cho các bên tham gia. Đối với chủ rừng, cần phải được thấy rõ không chỉ là lợi ích trước mặt (giá trị gia tăng từ bán gỗ có chứng chỉ) mà cần quan tâm cả lợi ích dài hạn như tăng năng suất, chất lượng rừng, sản lượng gỗ lớn, duy trì tính bền vững.

Thứ hai, cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp và chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò trong việc hỗ trợ thành lập các nhóm hộ chủ rừng, các ban đại diện nhóm nhằm tạo mối liên kết phải thực sự chặt chẽ về tổ chức, trong đó có sự tham gia sâu của đại diện chủ rừng vào ban đại diện nhóm; hỗ trợ nhóm trong việc xây dựng quy chế hoạt động của nhóm để quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các bên, nhằm giảm thiểu rủi ro cho chủ rừng cũng như doanh nghiệp.

Thứ ba, về phía các địa phương tăng cường thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư, xây dựng nhà máy gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương, từ đó các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, liên kết với chủ rừng hộ gia đình trong phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững, thực sự gắn kết lâu dài giữa nhà máy và người trồng rừng.

Thứ tư, cần triển khai, áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước về hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng để giảm bớt khó khăn về tài chính ban đầu cho doanh nghiệp, chủ rừng.

Thứ năm, các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan như giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp các cơ sở dữ liệu và bản đồ về hiện trạng rừng... đảm bảo các điều kiện thực hiện gỗ hợp pháp, và là dữ liệu quan trọng trong thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 10 tháng năm 2024 đạt 13,18 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,8%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,9%, thị trường Trung Quốc tăng 25,4%, thị trường Nhật Bản tăng 0,1%.

Xem bản gốc