Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Phát triển khu công nghiệp xanh: Hướng cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam

Vneconomy 3 Tuần trước

Theo báo cáo tại Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2024, tổ chức ngày 19/12/2024, với chủ đề: "Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam”, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 416 khu công nghiệp, tổng diện tích 89.200 ha. Trong đó, có 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 72,4%; Mục tiêu vào năm 2030 tăng lên 600 dự án, tập trung đáp ứng tiêu chí phát triển xanh và bền vững.

HÚT FDI CHẤT LƯỢNG CAO

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến hết tháng 12/2022, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD, đã giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động.

Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 50% giá trị kim ngạch xuất của cả nước hàng năm.

Tại một số địa phương, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tới trên 20%, một số địa bàn có khu kinh tế ven biển, tỷ lệ này đạt trên 60% (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An).

Những năm gần đây, mỗi năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 221,3 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế khoảng 9,3 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 212 tỷ USD.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững-Tổ chức IDH (Hà Lan), cho biết các khu công nghiệp tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. IDH nhận thấy các khu công nghiệp ở Việt Nam còn thiếu diễn đàn để có thể cùng với nhau chia sẻ thông tin cũng như những vướng mắc, đề xuất các ý kiến, kiến nghị góp phần phát triển các khu công nghiệp Việt Nam theo hướng thông minh và bền vững.

Hiện nay, các khu công nghiệp Việt Nam đang hướng tới mô hình thông minh và bền vững, đây được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao.

Việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, cho biết Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, sang thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao.

 PA. Ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Diễn đàn- Ảnh: PA.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng công tác thu hút xúc tiến đầu tư vốn FDI của các khu công nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính cục bộ, lẻ tẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, kết nối với các đối tác nước ngoài, khi đó, không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp đó, mà còn là câu chuyện xúc tiến cho hình ảnh quốc gia.

Đồng quan điểm, bà Kim Khánh, Tổng giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam (VIZ), nhìn nhận trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sự dịch chuyển về chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của thế giới, các khu công nghiệp của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xúc tiến thu hút các dòng vốn FDI chất lượng.

Vì vậy, cần sự hợp tác giữa các chủ đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các tổ chức liên quan đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ khép kín và tương trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp Việt Nam.

TẠO THUẬN LỢI CHO KHU CÔNG NGHIỆP XANH

Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực. Điều này được nhận thấy trong dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Đồng Trung, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,6 tỷ USD. Dự báo cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 05 năm 2019-2024.

Do đó, cần khai thác tốt nguồn lực này và chuyển hướng FDI vào các ngành có giá trị cao, phát triển xanh. Trên thế giới, việc triển khai các khu công nghiệp sinh thái đã bắt đầu từ những năm 1980, diễn ra tại Mỹ, Đan Mạch, Trung Quốc... Đến nay, các thị trường quốc tế đang có những yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

 Hướng cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Chí Toàn, Phó chủ tịch Liên Chi hội bất động sản công Nghiệp Việt Nam (VIREA), xu hướng khu công nghiệp sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn (CEDIP - Circular Economy Industrial Park) là hướng đi của ngành trong kỷ nguyên mới.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó và đã ban hành nhiều chính sách pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp xanh. Các chính sách này hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều thách thức do vướng mắc pháp lý, tài chính, năng lực doanh nghiệp còn chênh lệch so với yêu cầu...

Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec, đơn vị đầu tiên ứng dụng tiêu chí ESG vào hoạt động quản trị khu công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cho biết để chuyển đổi sang sinh thái xanh bền vững, các khu công nghiệp cần đáp ứng nhiều tiêu chí gắt gao. Từ vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, thu hút doanh nghiệp xanh... Các yếu tố này khiến chi phí đầu tư phát triển một khu công nghiệp xanh rất lớn khi phải đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hệ thống năng lượng tái tạo và các chương trình cộng đồng...

Cho rằng một doanh nghiệp, một khu công nghiệp rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả, theo ông Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cần sớm ra đời Luật khu công nghiệp để có hành lang pháp lý vững chắc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững hơn trong tương lai. Hiện khung pháp lý của khu công nghiệp chỉ mới dừng ở mức nghị định, rải rác trên nhiều luật khác nhau.

Bên cạnh đó, bàn về quy hoạch hệ thống khu công nghiệp tổng thể, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2019), khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay đã không còn được duy trì là quy hoạch quốc gia, mà được tích hợp vào nội dung quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thực hiện theo quy định nêu trên thì việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ được xem xét trong mối quan hệ với các nội dung về đất đai, mạng lưới giao thông, môi trường, kết cấu hạ tầng xã hội... ở phạm vi địa phương và vùng.

Vấn đề cần nhìn nhận hiện nay là đất đai và các nguồn lực khác của đất nước dành cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế có giới hạn nhất định và đang ngày càng hạn chế. Do đó, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế phải luôn luôn được xem xét tổng thể ở tầm quốc gia để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn lực này.

Xem bản gốc