Mới đây, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cùng các đơn vị liên quan phối hợp chức Hội thảo khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam (CLSCM 2024). Đây là lần thứ 4 Hội thảo được tổ chức và cũng là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại thành phố Cảng, Hải Phòng.
Với chủ đề “Phát triển kinh tế và thu hút đầu tư với chuỗi cung ứng thông minh, bền vững", hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, học giả và các nhà nghiên cứu, tập trung thảo luận vào các chủ đề nóng của ngành như chuyển đổi số và tích hợp công nghệ trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng; chuỗi cung ứng bền vững và thông minh với lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực logistics và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam; chuỗi cung ứng bền vững và thông minh với lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp logistics xanh…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải, cho biết trong 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất ở châu Á và thế giới nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định.
“Song hành với sự phát triển liên tục trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế và tiến trình hội nhập, ngành logistics của Việt Nam đang nhanh chóng chuyên môn hóa và trở thành một ngành dịch vụ vô cùng quan trọng”, PGS-TS Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải khẳng định logistic không chỉ đóng vai trò vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả và an toàn, mà còn đảm bảo sự liên kết mạch lạc giữa các bộ phận của quá trình xuất khẩu. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển đồng bộ và thông suốt nếu chuỗi logistics hoạt động liên tục.Vì vậy, logistics trở thành yếu tố thúc đẩy dòng chảy của các giao dịch kinh tế cũng như hoạt động quan trọng đối với hầu hết các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Đồng quan điểm, TS. Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cho rằng logistics là hạ tầng của hạ tầng, là nền tảng chính để phát triển kinh tế xã hội. Theo ông Trung, tình hình địa chính trị trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp, những xu hướng dịch chuyển, định hình lại các chuỗi cung ứng đang diễn ra một rõ rệt hơn.
Trong đó, các liên minh, liên kết đã ra đời để tận dụng lợi thế quy mô. Đặc biệt, việc các doanh nghiệp đang tận dụng tối đa công nghệ, tự động hoá đều hướng tới chuỗi cung ứng xanh hay hoạt động logistics xanh.
Với Việt Nam, xu hướng chuỗi cung ứng xanh, logistics xanh đã không còn là nhu cầu mà là nhiệm vụ bắt buộc. Để hiện thực được nhiệm vụ đó, ngoài xây dựng một lộ trình rõ ràng, Việt Nam cần một chiến lược tổng thế, đồng bộ và sự đồng lòng, góp sức của toàn xã hội. Mặc dù có những khó khăn nhất định về tài chính lẫn nguồn nhân lực nhưng nếu có được sự chung tay của các bên thì việc hoàn thành được nhiệm vụ không còn là bất khả thi.
Do đó, những sự kiện như CLSCM 2024 chính là cơ hội để các bên có thể ngồi lại cùng nhau tư vấn, phản biện, hoạch định chính sách về phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng thông minh, bền vững. Đồng thời cũng là dịp cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng thông minh, bền vững làm động lực cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Hội thảo CLSCM còn góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đây cũng là dịp giao lưu, kết nối, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến phát triển và thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng thông minh và bền vững.
Trình bày tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết Hải Phòng hiện là cửa chính ra biển tại miền Bắc với lịch sử 100 năm cảng biển - logistics. Đây cũng là đầu mối giao thông tích hợp quốc gia, quốc tế, hội tụ của các hành lang kinh tế, vành đai khu kinh tế quốc gia, quốc tế. Đồng thời cũng là thủ phủ phát triển chiến lược kinh tế biển và đào tạo nhân lực của ngành logistics.
Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Hải Phòng, đến năm 2025 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Được biết, Hải Phòng hiện thu hút hơn 27,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với khoảng 800 dự án. Cơ cấu đầu tư trọng tâm vào lĩnh vực cơ khí, máy móc (32%), điện tử (30%), logistics (15%)... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đến từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đã và đang đầu tư, mở rộng sản xuất.
Trong tương lai, thành phố Hải Phòng quy hoạch và xây dựng đề án thành lập thêm Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bao gồm một phần quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng với tổng diện tích 20.000 ha. Điểm nhấn là cảng Nam Đồ Sơn, sân bay Tiên Lãng và một phần không gian sử dụng phát triển khu thương mại tự do.
Ngoài ra, khu kinh tế ven biển phía Nam sẽ là khu kinh tế đa ngành, xanh với trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trung tâm logistics hiện đại thông minh với mô hình đô thị kết hợp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Song song đó, dự án mở rộng sân bay quốc tế Cát Bi, xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng cũng đang được quy hoạch nhằm tạo ra nhiều cơ hội phát triển ngành logistics.