(Xây dựng) - Theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 vừa được UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt ngày 26/11, Nhà hát Opera Hà Nội do kiến trúc sư số 1 thế giới Renzo Piano thiết kế, được xem là một dự án trọng điểm góp phần nâng tầm vị thế thủ đô.
Theo phê duyệt đồ án, tổng diện tích khu đất lập quy hoạch hơn 44 ha tại hai phường Quảng An và Tứ Liên, quận Tây Hồ sẽ được quy hoạch thành quần thể công viên văn hoá nghệ thuật chuyên đề, nhà hát thành phố, công trình tôn giáo tín ngưỡng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn thương mại. Nằm ở trung tâm quần thể này, Nhà hát Opera Hà Nội trên mặt hồ Đầm Trị, ngay sát hồ Tây được xem là một đại dự án văn hoá, nhằm thu hút du khách trên khắp thế giới đến với Hà Nội và trở thành một biểu tượng đề cao cái đẹp của Hà Nội.
Mái vòm nhà hát lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây. |
Thông tin từ UBND quận Tây Hồ cho biết, nhà hát sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Thành phố Hà Nội trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành.
Đặc biệt, dự án nhà hát được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Ý Renzo Piano – cây đại thụ của ngành kiến trúc hiện đại với những tác phẩm làm thay đổi thế giới. Đây được xem là một may mắn của Việt Nam khi huyền thoại Renzo Piano với 87 tuổi đời và 65 tuổi nghề đã chọn cống hiến tích luỹ tinh hoa cả cuộc đời để thiết kế Nhà hát Opera Hà Nội.
Kiến trúc sư bậc thầy người Ý Renzo Piano. |
Nhà hát Opera Hà Nội nằm nổi trên mặt hồ Đầm Trị với kiến trúc mái vòm độc đáo lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây. Trên bề mặt mái vòm có phủ một lớp ceramic hiệu ứng ngọc trai, từ đó phản chiếu ánh sáng và sự chuyển động của không gian, thời gian với nhiều sắc thái khác nhau của màu trời và màu mặt nước. Vì vậy, vào mọi khoảnh khắc trong ngày như bình minh, hoàng hôn, hay buổi tối, mái vòm của nhà hát sẽ phản ánh các sắc thái màu khác biệt.
Không chỉ có vỏ mái độc đáo bậc nhất thế giới, Nhà hát Opera Hà Nội còn được ứng dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật thiết kế tân tiến. Toàn bộ tường của khán phòng chính được trang bị hệ thống các tấm acoustic có thể vận hành bằng cơ khí, nhằm đảm bảo độ phản xạ âm, hút âm và thời gian âm vang phù hợp với yêu cầu của từng chương trình nghệ thuật. Đây là hệ thống rất hiếm nhà hát nào trên thế giới có được.
Nhà hát Opera HN sẽ có nội thất tương tự như Nhà hát Stavros Niarchos của nhà thiết kế Renzo Piano. |
Các không gian chức năng chính của nhà hát cũng được Kiến trúc sư Renzo Piano nghiên cứu kỹ lưỡng, với sảnh lớn, khán phòng opera, khán phòng đa năng, không gian phụ trợ…
Kiến trúc sư Renzo Piano từng chia sẻ với báo giới, “hòn đảo âm nhạc” này không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Kiến trúc sư Renzo Piano cho biết với Nhà hát Opera Hà Nội, ông mong muốn được góp phần xây dựng một nhà hát mang tính biểu tượng cho Việt Nam, và đưa nơi đây vào danh sách các nhà hát nổi tiếng nhất trên thế giới như tại Paris, Milan, Berlin, London, New York, Los Angeles…
Với tài năng kiệt xuất của kiến trúc sư đại tài Renzo Piano, Nhà hát Opera Hà Nội đã định hình cho thủ đô một công trình mang sức ảnh hưởng vượt thời gian và không gian, để không chỉ trở thành biểu tượng của Việt Nam, mà còn là điểm đến nổi bật của thế giới.
Nhà hát Opera Hà Nội kỳ vọng sẽ là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật tầm cỡ thế giới. |
Với quy mô lớn và định hướng trở thành nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật tầm cỡ thế giới, là điểm đến của những các nghệ sĩ lừng danh toàn cầu, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến opera hàng đầu thế giới. Đây sẽ là một công trình văn hoá có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng tầm vị thế thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, đồng thời tạo điều kiện để người Việt Nam tiếp cận và thưởng thức các tinh hoa văn hoá nhân loại.
Kiến trúc sư Renzo Piano
Sinh ngày 14/9/1937 tại Genova, Ý, kiến trúc sư Renzo Piano là một cây đại thụ trong làng kiến trúc thế giới và làm nên bộ mặt kiến trúc thế kỷ 20.
Ông là người Ý đầu tiên có mặt trong Top 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới, trên báo TIME năm 2006, từng nhận nhiều giải thưởng danh giá trong suốt 60 năm sự nghiệp của mình như Pritzker Prize, được xem là giải Nobel của ngành kiến trúc. Kiến trúc sư Renzo Piano đã thực sự trở thành một tượng đài mà giới kiến trúc toàn thế giới phải ngưỡng mộ và kính trọng.
Các kiệt tác kiến trúc của huyền thoại Renzo Piano có mặt trên toàn thế giới, nổi bật nhất phải kể đến công trình văn hoá như Trung tâm văn hóa Stavros Niarchos (Athens), Bảo tàng Paul Klee (thành phố Bern), The Shard - Tòa nhà chọc trời tại London, Trung tâm Georges Pompidou ở Paris...
Kiến trúc sư bậc thầy người Ý được kính trọng bởi nhiều thế hệ kiến trúc sư hiện đại với những triết lý vì nhân loại, những rung cảm mạnh mẽ với thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người. Tờ Financial Times gọi ông là “một trí tuệ không mỏi mệt”.