(Xây dựng) - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, các dự án bất động sản được tháo gỡ khó khăn, được tiếp tục triển khai, nhiều dự án đủ điều kiện pháp lý để giao dịch và được vay vốn Ngân hàng. Thị trường bất động sản ấm lên có tác động tích cực đến thị trường tài chính trong năm 2024.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú điều hành Họp báo chiều 7/1/2024 tại Hà Nội. |
Gói tín dụng 140 ngàn tỷ đồng: Tiếp tục đẩy mạnh cho vay mua nhà ở xã hội
Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ tại cuộc Họp báo thông tin kết quả hoạt động Ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều 7/1/2024 tại Hà Nội.
Về gói cho vay nhà ở xã hội trị giá 140 ngàn tỷ đồng, lúc đầu có 4 Ngân hàng là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank cho vay, mỗi Ngân hàng cho vay 30 ngàn tỷ đồng. Ngoài các Ngân hàng có gói chính sách xã hội, hiện đã có thêm nhiều Ngân hàng thương mại tham gia. Các Ngân hàng thương mại cam kết cho vay với lãi suất hợp lý, giá trị hợp lý và thủ tục thuận lợi.
Quan điểm về cho vay bất động sản của Ngân hàng Nhà nước nêu ra, nhà ở là sản phẩm bên cạnh cho vay ngắn hạn phải cho vay trung và dài hạn. Nhà ở xã hội không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm của các Ngân hàng. Việc này được thực hiện đến khi giải ngân đạt được 140 ngàn tỷ đồng hoặc đến năm 2030 là thời hạn kết thúc chương trình.
Hoạt động ngành Ngân hàng vượt mục tiêu đề ra
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Tín dụng toàn ngành Ngân hàng năm 2024 tăng 15,98% theo số liệu thống kê chính xác, đạt mục tiêu đặt ra đầu năm là 15%. Dư nợ, tổng doanh số cho vay đạt 23 triệu tỷ đồng, doanh số dư nợ 21 ngàn tỷ, tăng thêm 2,1 triệu tỷ so với năm 2024. Như vậy, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tỷ trọng đưa vốn vào nền kinh tế là rất cao.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng có nhiều cải cách về thể chế, điều hành. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được chú trọng. Ví dụ như ứng dụng dữ liệu dân cư, sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường nâng cao bảo mật, bảo đảm an toàn. Điển hình là công nghệ nhận diện khuôn mặt khi chuyển khoản được người dân đồng tình. Các con số về số vụ tiêu cực, lừa đảo giảm nhiều vo với thời gian không nhận diện bằng khuôn mặt.
Toàn cảnh Họp báo. |
Năm 2024 các Ngân hàng thực hiện tái cơ cấu và năm 2025 sẽ phải tính đến chuyện đạt đủ tiêu chuẩn điều kiện theo yêu cầu, tiêu chí đề án. Cơ cấu lại tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn toàn bộ hệ thống. Đến nay toàn bộ hệ thống Ngân hàng hoạt động ổn định. Các Ngân hàng đảm bảo an toàn an ninh tài chính, chủ động hoạt động, nợ xấu vẫn còn vẫn đang được xử lý.
“Hai Ngân hàng yếu kém (Ocean Bank và CB) bắt buộc được chuyển giao. Còn 2 Ngân hàng (Đông Á Bank, GBank) sẽ chuyển giao có thể trước tết âm lịch. Riêng Ngân hàng SCB tiếp tục xử lý sai phạm, duy trì ổn định, đảm bảo tiền gửi rút đúng hạn cho người dân và khách hàng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.
Thời gian tới, một số Cục, Vụ sẽ cơ cấu xắp xếp tinh giản, thu gọn thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ đảm bảo kiểm tra, giám sát hoạt động thông qua Hệ thống Ngân hàng Nhà nước và các khu vực.
“Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tập trung cao độ để đạt mục tiêu năm cuối của chu kỳ tài khóa theo Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ. GDP quốc gia muốn đạt được trên 8% thì tăng trưởng tín dụng đạt được phải cao hơn năm trước, tương đương khoảng 16%, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo lạm phát, giữ giá trị đồng tiền. Chính sách điều hành tỷ giá không có đột biến lớn”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh thêm.