Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh: Thị trường Hà Nội như lò xo đã bắt đầu bung, giá tăng 40-50%, 'sóng’ BĐS xuất hiện

Markettimes 1 Tháng trước

Tại tọa đàm “Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025”, tổ chức sáng 10/10, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới.

"Ba khó" của thị trường bất động sản

Trong đó, ông Ngô Hữu Trường - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, thị trường bất động sản đang xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Ba yếu tố khó khăn, theo ông Trường cần được giải quyết đến từ niềm tin của người dân, sức khỏe doanh nghiệp và tiết giảm chi phí. 

Cụ thể, thị trường bất động sản vẫn đang chịu nhiều tổn thương, bao gồm các khách hàng bị ảnh hưởng và lòng tin của thị trường chưa thể phục hồi.

Về phía các chủ đầu tư, nhiều công ty bất động sản đang đối mặt với khó khăn pháp lý, lượng hàng tồn kho còn lớn, và dòng tiền bị gián đoạn.

Chi phí đầu vào cho việc triển khai dự án mới cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng cũ vẫn gặp trở ngại, dẫn đến chi phí tăng cao và việc định giá thị trường khó có thể giảm. Thời gian chờ đợi pháp lý càng lâu thì chi phí càng gia tăng.

“Tôi cho rằng, đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, thị trường vẫn còn gặp nhiều thách thức nhưng không có nghĩa là bế tắc. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất kiên cường và sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn”, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh nói.

5R của Hưng Thịnh: Từ đúng thị trường đến đúng sản phẩm

Chia sẻ về cách thức doanh nghiệp đang áp dụng để “vượt khó”, ông Trường gói gọn trong 5R - Right market, Right customer, Right time, Right price, Right product.

Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh lý giải, cần phải chọn đúng thị trường, đúng phân khúc, và hướng đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Tập trung vào các sản phẩm bất động sản có giá trị thực, nhà ở thật. Tiếp theo là đúng thời điểm, chọn đúng "điểm rơi" để dự án có thể triển khai nhanh chóng và hấp thụ tốt. Đồng thời, cần phải định giá đúng.

Theo ông, trước đây , khi thị trường phát triển mạnh, chúng ta dễ dàng tăng giá, nhưng hiện nay cần phải cắt giảm chi phí hợp lý và định giá phù hợp để thị trường dễ dàng hấp thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung vào đúng phân khúc khách hàng.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới.

“Quan trọng nhất là làm sao giải quyết các vướng mắc pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết giảm chi phí”, ông Trường nhấn mạnh và nói thêm ngoài yếu tố vĩ mô và chính sách pháp luật, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tái hoạch định chiến lược và phát triển một cách bài bản hơn.

goc-phia-tay-bac-hn-nhin-tu-ng-3184-1203-1728547334(2).jpg

Về thị trường, đại diện doanh nghiệp nhận định, Hà Nội đã bắt đầu có "sóng", với mức tăng 40-50% do nguồn cung bị thiếu hụt trong một thời gian dài. Sau khi "nén lò xo" được bung ra, Hà Nội đã có sự phục hồi.

Trong quá khứ, thị trường Hà Nội và TP HCM luôn vận động trái ngược nhau. Khi thị trường Hà Nội tăng trường, TP HCM thường giảm. Vì vậy, nếu trong năm nay và năm tới, Hà Nội tiếp tục tăng, TP HCM có thể sẽ vẫn duy trì xu hướng giảm.

“Theo dự báo của tôi, đến năm 2025, TP HCM và các tỉnh lân cận sẽ tăng trưởng tốt hơn và sẽ có những bước tiến mạnh mẽ vào năm 2026”, ông nhận định.

Dự báo về thị trường Hà Nội của ông Trường cũng trùng khớp với báo cáo của Savills mới phát hành gần đây. Theo đơn vị tư vấn này, giá nhà để bán tại Hà Nội vẫn trên đà tiếp tục tăng.

Giá bán sơ cấp hiện đang ở mức 69 triệu đồng/m2, tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình của căn hộ trong quý 3 là 51 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý trước và 41% so với năm ngoái. Giá thứ cấp trung bình tăng 17% mỗi năm kể từ năm 2020.

Xem bản gốc