Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ về thương mại giảm xuống mức thấp mới

Vneconomy 2 Tuần trước

Tỷ trọng của Mỹ trong thương mại của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Diễn biến này được ghi nhận trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị cho kịch bản bị Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp thuế quan sau khi ông trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới.

Tờ báo Nikkei Asia dẫn số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, Mỹ chiếm 11,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính bằng đồng USD của Trung Quốc. Tỷ lệ này đã giảm 4,6 điểm phần trăm so với thời điểm năm 2001.

Trung Quốc đã giảm phụ thuộc thương mại vào Mỹ kể từ khi ông Trump - trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên - áp thuế quan lên hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế quan lên hàng Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung 2019-2019.

Trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, ông Trump đã đe dọa áp thuế quan 60% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Sau khi tái đắc cử, ông đưa ra ý tưởng áp thuế quan bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Dù mức thuế được áp là bao nhiêu, Trung Quốc cũng đang đứng trước một giai đoạn leo thang căng thẳng thương mại mới với Mỹ.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) ước tính nếu ông Trump áp thuế quan 60% đối với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này năm 2025 sẽ sụt còn 3,4% so với mức tăng 4,7% có thể đạt được trong trường hợp không có thuế quan. Mức tăng trưởng vẫn thấp hơn 4% ngay cả khi Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” bằng thuế quan.

Tỷ trọng của Mỹ trong kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã giảm đáng kể bắt đầu từ khoảng năm 2005, khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang các nền kinh tế mới nổi đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tỷ trọng này bắt đầu tăng trở lại vào năm 2013, nhưng vào năm 2019, tỷ trọng của Mỹ trong xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 2,5 điểm do cuộc chiến thương mại song phương.

11 tháng đầu năm năm 2024, 14,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc có đích đến là Mỹ, đánh dấu mức thấp nhất kể từ sau năm 2001. Tỷ trọng của Mỹ trong nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 4,4 điểm trong 11 tháng, xuống 6,3%.

Phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ về thương mại giảm xuống mức thấp mới - Ảnh 1

Hiện nay, phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc được bán sang Đông Nam Á. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt hơn 520 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Với tỷ trọng này, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, thay vì bất kỳ quốc gia hoặc khối nào khác. Xuất khẩu sang Campuchia và Việt Nam đều tăng gần 20% trong năm nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc đi “đường vòng” qua nước thứ ba để tránh thuế quan khi đưa hàng hóa vào Mỹ có thể là một nhân tố ở đây. Ngoài ra, các nước  châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ cũng đang lo ngại về việc các công ty Trung Quốc “xuất khẩu giảm phát” bằng cách ồ ạt bán hàng hóa giá rẻ ra nước ngoài.

Về nhập khẩu, Trung Quốc đã giảm bớt được sự phụ thuộc vào các loại hạt nông sản và hàng hóa cơ bản khá từ Mỹ. Nhà cung cấp đậu tương nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm nay là Brazil, chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, so với mức khoảng 20% của Mỹ. Năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, Brazil chiém gần một nửa nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc và Mỹ chiếm 30%.

Tỷ trọng nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc từ Mỹ cũng đã giảm xuống dưới 20% từ mức gần 40% trong năm 2017. Thay vào đó, Australia, Canada và Pháp trở thành những nhà cung cấp lớn hơn.

Bắc Kinh đã áp thuế quan trả đũa lên đậu tương và lúa mì cùng các sản phẩm khác của Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương. Nước này hiện đang đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo an ninh lương thực trước những căng thẳng lâu dài với Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng xu hướng này có thể thay đổi nếu căng thẳng thương mại leo thang, do ông Trump có thiên hướng đàm phán.

Chuyên gia Naoki Tsukioka đến từ viện nghiên cứu Mizuho Research & Technologies nhận định: “Trung Quốc có thể hứa sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ như một phần của thỏa thuận nào đó với ông Trump”.

Xem bản gốc