Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

“Phù thuỷ sân khấu” đứng sau loạt sự kiện đình đám của làng mốt Việt, được Vogue khen ngợi: “Show đến tay tôi đều không đơn giản, nếu dễ dàng các NTK đã không tìm đến tôi”

Markettimes 1 Tháng trước

Cú bắt tay của NTK Chung Thanh Phong và đạo diễn Nguyễn Hiểu Tâm đang khiến giới mộ điệu trầm trồ khi tạo nên I Dreamed A Dream – show diễn được đầu tư quy mô hàng đầu năm nay, được ví như “cuộc chơi nghệ thuật” mang tính tiên phong, phá vỡ giới hạn. I Dreamed A Dream được tờ Vogue Singapore dành lời khen khi “tạo nên một không gian thời trang mang đậm tính siêu thực”.

Đây không phải lần đầu tiên đạo diễn Nguyễn Hiểu Tâm và những ý tưởng sân khấu đột phá của anh gây ấn tượng với người yêu thời trang. Anh đứng sau thành công của I am a superstar của NTK Chung Thanh Phong với sàn catwalk dài 50m kết hợp cùng hiệu ứng màn hình led sàn lớn nhất Việt Nam, SIXDO Fashion Show của NTK Đỗ Mạnh Cường có sàn catwalk dài kỷ lục của làng mốt Việt…

Nhiều năm qua, anh đã hợp tác, tổ chức show diễn cá nhân cho nhiều NTK nổi tiếng. Cơ duyên bền chặt này đến từ đâu?

Có thể nói, tôi là một trong những đạo diễn tổ chức nhiều show thời trang nhất Việt Nam với hàng trăm sự kiện lớn nhỏ. Đó cũng là cái duyên, là sự may mắn. Khi đã hợp tác với các NTK thời trang, tôi không ngại lăn xả, làm quên ăn quên ngủ. 

Tôi luôn tâm niệm mỗi show đều phải bung hết sức, làm như thể đó là show cuối cùng. Vì show nào đến tay tôi đều không đơn giản, nếu đơn giản các NTK đã không tìm đến tôi.

Nhờ đó các NTK cũng hiểu và tôn trọng khả năng, chuyên môn của tôi, cùng nhau thăng hoa hướng đến thành công của show diễn. Kết quả là minh chứng rõ ràng nhất để họ tin tưởng hợp tác trong các show tiếp theo.

Thử thách lớn nhất khi làm show diễn cá nhân cho những NTK tên tuổi là gì?

Những NTK thời trang có tên tuổi đều rất tài năng. Họ có phong cách thiết kế sáng tạo riêng nên cá tính mạnh. Khi hợp tác với các NTK như vậy, chúng tôi phải tìm cách cân bằng giữa cái “tôi” cá nhân cho thành công chung. Hai bên cần có tiếng nói chung và tôn trọng nhau.

Phía đạo diễn như tôi luôn kiên nhẫn và không ngại thử nghiệm những tư duy sáng tạo mới. Các NTK tên tuổi khi đã đầu tư ngân sách lớn cho show diễn, kỳ vọng và yêu cầu của họ rất cao. Tôi phải đối diện với áp lực lớn khi cần thể hiện ý tưởng sáng tạo độc đáo hơn, những yêu cầu kỹ thuật không gian trình diễn phức tạp hơn để góp phần vào thành công chung của sự kiện.

Chỉ cần NTK đặt niềm tin, cả hai linh hoạt trong quá trình hợp tác, tôi sẵn sàng điều chỉnh để đạt được kết quả tốt, thành công nhất cho chương trình. May mắn, sau quá trình nhiều năm hợp tác, các NTK đã tin tưởng và lựa chọn tôi cho các show diễn cá nhân quan trọng của họ.

Bên cạnh sự phối hợp ăn ý giữa NTK và người tổ chức sự kiện, những yếu tố nào tạo nên một show diễn thời trang thành công?

Sự thành công của một sự kiện thời trang là tổng hòa nhiều yếu tố. Thứ nhất, BST là linh hồn của buổi diễn phải đẹp, độc đáo và duy mỹ, thể hiện được gu thẩm mỹ và ý tưởng của NTK. 

Thứ hai, sân khấu phải tôn vinh được BST với âm nhạc, ánh sáng đúng tinh thần. Cuối cùng là khán giả văn minh. Sau sự kiện, thông điệp của BST được khai thác nhiều hơn trên những kênh truyền thông, tiếp cận rộng rãi đến công chúng.

Vậy với show diễn mới nhất I Dreamed A Dream đang nhận được phản hồi tích cực, anh đã có quá trình thực hiện sân khấu như thế nào để tôn vinh BST và góp phần làm nên thành công của sự kiện?

Điểm khác biệt là show diễn I Dreamed A Dream lần này được tổ chức tại không gian sảnh cưới của một resort cao cấp. Tôi cần lên ý tưởng sân khấu và tính toán tỉ mỉ để cân bằng giữa vẻ đẹp lãng mạn, cổ điển của không gian nhưng vẫn mang tinh thần Futuristic đặc trưng của NTK Chung Thanh Phong.

Việc bố trí ánh sáng cũng phải tránh sử dụng các dàn đèn tiêu chuẩn với khung sắt treo vì sẽ phá hỏng không gian kiến trúc khán phòng. Vậy nên tôi nghĩ đến phương án sử dụng kết hợp đèn điện ảnh và đèn sân khấu, bố trí ánh sáng trên tầng lầu, sử dụng hệ thống khung được thiết kế riêng không giống bất kỳ show diễn nào trước đây.

Show diễn ra từ khoảng 17h30-18h30, trong không gian mái vòm kính có ánh sáng tự nhiên. Tôi phải tính toán thời gian để có phương án chuyển đổi giữa hai loại ánh sáng, cân chỉnh chính xác từng phút ánh hoàng hôn và ánh sáng đèn nhằm tạo hiệu ứng hài hòa nhất.

I Dreamed A Dream là show diễn tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại với bullet time (viên đạn thời gian) trên thảm đỏ tại Việt Nam với 150 máy ảnh tạo hiệu ứng AI. Phần trình diễn drone trong 12 phút trên bầu trời Đà Nẵng với 400 máy bay không người lái để cảm ơn nhà tài trợ cũng khiến các khách mời vô cùng bất ngờ. 

Xuất phát điểm là Đạo diễn sự kiện giải trí, vì sao anh lại quyết định tập trung phát triển sự nghiệp tại làng thời trang?

Với tôi, các BST thời trang là cái đẹp. Trình diễn thành công cái đẹp đó để khán giả yêu thích là một đam mê có sức hút kỳ lạ của tôi. Mỗi show diễn là một cơ hội mới mẻ để tôi bứt phá giới hạn cũ, vượt qua chính mình.

Sau khi hoàn thành được một chương trình thời trang có độ khó, tôi cảm thấy bản thân bước thêm một nấc thang trong nghề. Đặc biệt, tôi yêu thích sự sáng tạo và những yêu cầu cao về sự hoàn hảo của show diễn thời trang. Điều này khiến tôi không ngừng tư duy, đặt hết tâm trí và nhiệt huyết mình có vào mỗi sự kiện.

Ở Việt Nam, chưa có trường lớp nào đặc thù cho vị trí Đạo diễn thời trang. Anh và các đồng nghiệp đã làm thế nào để theo đuổi công việc này?

Đa phần đạo diễn thời trang đều có xuất phát điểm từ vị trí đạo diễn sân khấu hoặc biên đạo thời trang. Chính vì thiếu một chương trình đào tạo chuyên sâu về đạo diễn thời trang, tôi và các đồng nghiệp đã tự học hỏi từ việc đảm nhiệm những vị trí khác nhau trong một sự kiện thời trang.

Để trở thành đạo diễn thời trang, cần có đam mê và định hướng đúng, tư duy học hỏi và chịu khó để đi trải nghiệm các show diễn, luôn giữ tinh thần sáng tạo và ý tưởng đột phá. Về mặt kỹ năng, vị trí này cần cảm nhận tốt về ánh sáng và không gian, có kiến thức chuyên sâu để làm nổi bật được trang phục của NTK và những thông điệp của BST.

Tuy không có một trường lớp đào tạo chính quy nhưng với nỗ lực bền bỉ, tôi và các đồng nghiệp vẫn có thể tạo ra những show diễn chuyên nghiệp cho làng mốt Việt.

Không chỉ được tin tưởng trong show diễn của các NTK, anh còn là đạo diễn lễ cưới của 2 Hoa Hậu Việt Nam. Với sự kiện mang tính cá nhân cao như đám cưới, quá trình tổ chức có gì đặc biệt hơn so với các chương trình thông thường?

Tôi may mắn được gia đình các Hoa hậu tin tưởng và giao trọng trách cho việc tổ chức đám cưới. Điều này rất áp lực vì họ là các gia đình danh giá và nổi tiếng, hình ảnh về đám cưới được công chúng quan tâm.

Tôi phải tìm hiểu sâu về tính cách, sở thích, phong cách sống cũng như câu chuyện tình yêu và mong muốn của cặp đôi, sau đó trình bày các ý tưởng sáng tạo được xây dựng riêng theo cá tính của từng cũng như gia đình họ.

Ý tưởng tổ chức các đám cưới như vậy phải thật sự độc đáo và khác biệt, phong cách trình bày và xây dựng câu chuyện có ý nghĩa xuyên suốt để thuyết phục họ đồng ý với kế hoạch của mình. Khi thấy ý tưởng hợp lý, họ sẵn sàng chịu chi. 

Nhiều người lầm tưởng với các gia đình có điều kiện, vấn đề tiền bạc trong quá trình tổ chức đám cưới sẽ dễ dàng. Thực tế là họ luôn chi đúng chỗ, chi rất chính xác để đảm bảo sự kiện trọng đại đạt được mong muốn.

Tôi ấn tượng nhất với các cặp đôi bởi sự chuyên nghiệp, hiểu rõ nguyện vọng của chính mình, cũng như tôn trọng sự sáng tạo tin tưởng tâm huyết của tôi và ekip cho sự kiện cá nhân quan trọng bậc nhất của đời mình.

Theo anh, vai trò đạo diễn chiếm bao nhiêu % trong thành công của một sự kiện?

Vai trò đạo diễn rất quan trọng, giống như một người “nhạc trưởng” dẫn dắt nhưng rất khó có thể đo lường bằng một con số phần trăm cụ thể trong thành công chung của sự kiện. 

Tuy nhiên, để có chương trình hoàn thiện là quá trình làm việc và cống hiến của rất nhiều bộ phận. Giống như xây một ngôi nhà vững chắc cũng cần các trụ cột khác nhau và đóng góp khác nhau. Sự thành công của chương trình là thành công chung của cả tập thể chuyên nghiệp và gắn kết, hiểu rõ trách nhiệm và làm tốt nhất ở từng vị trí của mình.

Anh và ekip có sự chuẩn bị như thế nào để sự kiện hạn chế được những sự cố, rủi ro?

Những rủi ro về thời tiết khi tổ chức sự kiện luôn là kỷ niệm “nhớ đời” với tôi. Dù đã có phương án chuẩn bị vẫn không thể tránh được trường hợp hỏng hóc trang thiết bị, làm ảnh hưởng đến chương trình.

Nếu một chương trình diễn ra bình thường, sẽ không có sự khác biệt giữa người làm sự kiện có kinh nghiệm và thiếu kinh nghiệm. Còn khi gặp sự cố, người có kinh nghiệm, bản lĩnh trong nghề sẽ xử lý tốt hơn vì họ thường đặt ra trước mọi tình huống có thể xảy ra. 

Với tôi, không chỉ dừng lại ở phương án A, B, C mà còn phải chuẩn bị đến phương án D nữa. Kịch bản chương trình là một phần nhưng người làm sự kiện cần có sự linh hoạt, sẵn sàng cho mọi thay đổi xuyên suốt sự kiện. 

Luôn phải sáng tạo là một áp lực không nhỏ, anh làm thế nào để không ngừng đổi mới bản thân, tránh việc “bí” ý tưởng trong công việc?

Dù đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tôi luôn tâm niệm phải đổi mới chính bản thân mình, không ngừng học hỏi và tìm kiếm những cảm hứng sáng tạo từ cuộc sống qua những trải nghiệm.

Các ý tưởng cũng đến nhờ việc cập nhật các công nghệ trình diễn hiện đại của sân khấu xem các show diễn trên thế giới, cập nhật xu hướng trên các tạp chí chuyên ngành…

Bản thân là người Đà Lạt, thành phố nổi tiếng với phong cảnh lãng mạn nên thơ. Vậy nên mỗi khi tìm cảm hứng sáng tạo, tôi lại về Đà Lạt, hoàn toàn thư giãn và thả lỏng mình cũng là cách tôi nạp năng lượng và tìm cảm hứng sáng tạo. Nhờ vậy, sau 20 năm làm nghề, tôi vẫn chưa bao giờ rơi vào tình trạng cạn kiệt ý tưởng.

Trong một cuộc phỏng vấn, anh từng nói “Chưa thấy ai hoạt động nghệ thuật đích thực mà giàu. Đặc biệt là ở vai trò đạo diễn”, vì sao vậy?

Tôi nhận thấy làm đạo diễn cho một chương trình nghệ thuật là công việc khắc nghiệt và không dễ dàng, công sức bỏ ra với cát-sê mình nhận được không tương xứng.

Làm nghề này phải chấp nhận xa nhà liên tục. Ngày lễ Tết là lúc gia đình sum họp nhưng tôi lại bận không nghỉ được. Công việc đòi hỏi sự sáng tạo nên phải trăn trở nhiều, không phải chỉ làm 8 tiếng là được nghỉ, đôi khi tôi chỉ thực sự nghỉ ngơi lúc đi ngủ thôi. 

Đạo diễn nào cũng phải có công việc bổ trợ để nuôi dưỡng sự sáng tạo và sống với nghề. Ví dụ như điều hành công ty tổ chức sự kiện, như vậy mới mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Chỉ làm đạo diễn không thôi thì khó giàu.

Vậy động lực nào để anh vẫn theo đuổi công việc làm “người hùng thầm lặng sau cánh gà” suốt gần 2 thập kỷ?

Thực tế, đạo diễn là người “ẩn mình” sau hào quang của chương trình. Tôi đã xác định vai trò của bản thân là đứng sau ống kính nên chưa bao giờ có cảm giác chạnh lòng nếu khán giả không thể “nhớ mặt điểm tên”.

Tôi đam mê công việc này và thấy niềm vui khi ý tưởng tâm huyết được thực hiện hóa thành công, bản thân tôi được ghi nhận và tôn trọng của những người trong nghề. Dù nghề đạo diễn phải chấp nhận đánh đổi nhiều nhưng chính vì được theo đuổi lĩnh vực mình có thế mạnh và yêu thích nên giây phút mệt mỏi qua rất nhanh. Đam mê sẽ lại thôi thúc tôi hết mình với công việc.

Mục tiêu nào anh đang muốn chinh phục trong tương lai?

Sau gần 20 năm cống hiến cho nghề đạo diễn, mỗi sự kiện đều là trải nghiệm khác nhau, có những tâm đắc riêng và cũng có ý nghĩa, giá trị khác nhau trong sự nghiệp của tôi. Show diễn tâm đắc nhất có lẽ ở thì tương lai và tôi vẫn luôn đặt ra những mục tiêu mới cho mình. 

Đó là đưa show diễn thời trang Việt Nam ra thị trường quốc tế, cũng như tổ chức show diễn quốc tế được tại Việt Nam. Tôi đang ấp ủ một show diễn hàng ngày được tổ chức bài bản và có chiều sâu cho du khách nước ngoài tìm hiểu về văn hóa và du lịch Việt Nam. 

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Xem bản gốc