Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Phú Yên: Đồng bào DTTS giữ rừng ở thượng nguồn sông Kỳ Lộ

Báo Dân tộc & Phát triển 2 Tuần trước
 Đồng bào DTTS giữ rừng ở thượng nguồn sông Kỳ LộÔng La Lan Thông cùng thành viên trong tổ bảo vệ rừng đi kiểm tra rừng.

Xã Phú Mỡ hiện có 4 tổ cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng ở các thôn: Phú Giang, Phú Tiến, Phú Đồng, Phú Lợi, với số lượng 150 người. Đây là lực lượng nòng cốt để triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

Là một người tiên phong trong việc bảo vệ rừng, ông La O Bé, 58 tuổi, ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ hằng ngày dậy từ rất sớm để đi thăm rừng và tìm mật. Ông Bé bảo, hơn 25.000 ha rừng nơi đây, ông thuộc từng nơi có gỗ quý, nơi có những cây rừng to nhất.

“Đây là thượng nguồn sông Kỳ Lộ, những cánh rừng này đã nuôi sống chúng tôi từ khi cất tiếng khóc chào đời nên bằng mọi giá, tôi phải bảo vệ chung”, ông Bé nói.

Phú Mỡ là xã miền núi xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên, nơi thượng nguồn của con sông Kỳ Lộ với chiều dài hơn 120km chảy qua huyện Đồng Xuân và huyện Tuy An. Toàn xã có 837 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na và dân tộc Chăm Hroi.

Cũng như ông Bé, nhiều đồng bào DTTS ở xã Phú Mỡ đã và đang tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ở vùng thượng nguồn sông Kỳ Lộ. Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, người tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở Phú Mỡ cũng có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống.

Đang chuẩn bị lương thực để vào thăm rừng, ông La Lan Thông, Tổ trưởng tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thôn Phú Lợi cho biết, các thành viên trong tổ báo vệ rừng trích tiền từ quỹ hoạt động của tổ quản lý bảo vệ rừng để mua các nhu yếu phẩm cần thiết.

“Các thành viên đi xe máy đến bìa rừng, sau đó cùng nhau đi bộ để kiểm tra từng cây gỗ quý, rà soát kỹ từng khu vực để phát hiện các trường hợp khai thác rừng trái phép. Thời gian cho mỗi chuyến tuần tra như vậy là từ mờ sáng đến chiều tối”, ông Thông cho biết.

Theo UBND xã Phú Mỡ, mô hình khoán quản lý bảo vệ rừng có mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm (Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính). Với mức này, 4 tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ nhận 3,01 tỷ đồng sau thời gian 10 tháng (từ tháng 3 đến tháng 12/2024) làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ 25.000 ha rừng tự nhiên ở xã Phú Mỡ.

Hợp đồng giữa UBND xã và 4 tổ quản lý bảo vệ rừng sẽ được ký hàng năm. Lực lượng chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trước khi giải ngân số tiền trên. Ước tính mỗi hộ sẽ có khoảng 10 triệu đồng/năm tiền hỗ trợ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

 Đồng bào DTTS giữ rừng ở thượng nguồn sông Kỳ Lộ 1Người dân tại Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tham gia quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng.

Ngoài ra, chương trình giao đất rừng sản xuất (nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) cho đồng bào DTTS ở xã Phú Mỡ trồng rừng, tăng sinh kế, cải thiện đời sống cũng được huyện Đồng Xuân thực hiện rất tốt. Đến nay, 46 hộ dân ở xã Phú Mỡ đã trồng keo trên phần đất được giao (3-6 ha/hộ) tại tiểu khu V2.2 và 75, với tổng diện tích 200 ha. Tại tiểu khu 74, khoảng 61 hộ dân cũng đã trồng keo (1-3ha/hộ), với tổng diện tích 107,8ha.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, khu vực giao đất cho người dân xã Phú Mỡ chủ yếu là đất sét quặng, đá lẫn, nghèo dinh dưỡng, chỉ phù hợp với các loài cây lâm nghiệp cải tạo đất. Vậy nên, việc người dân trồng rừng phát triển kinh tế là phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời đảm bảo độ che phủ rừng trong khu vực, gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với chức năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân.

Bên cạnh đó, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng nhà nước: nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng nhà nước (từ 10% chi phí quản lý khoán bảo vệ rừng và một phần thu từ diện tích tự quản lý), đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị trong điều kiện kinh phí được cấp còn hạn hẹp. Từ nguồn kinh phí này, các chủ rừng chủ động hơn trong việc tổ chức lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc và cùng với lực lượng nhận khoán tổ chức bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

Xem bản gốc