Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Quản Bạ (Hà Giang): Hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã biên giới Nghĩa Thuận

Báo Dân tộc & Phát triển 1 Ngày trước
2.000 gốc cây cà chua trồng vụ hè thu năm 2024 của gia đình ông Lù Thải Tráng, xã Nghĩa Thuận (người đứng thứ 2) chuẩn bị cho thu hoạch.2.000 gốc cây cà chua trồng vụ hè thu năm 2024 của gia đình ông Lù Thải Tráng, xã Nghĩa Thuận (người đứng thứ 2) chuẩn bị cho thu hoạch.

Thực hiện Đề án chuyển đổi từ trồng cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây rau, màu có giá trị kinh tế cao hơn theo chủ trương định hướng của UBND huyện Quản Bạ, trong vụ hè thu năm 2024, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Thuận, đã tiến hành thay thế cây ngô bằng các loại cây như dưa chuột, cà chua, ớt ngọt, lạc.

Ông Lù Thải Tráng, người dân thôn Na Lình thông tin: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi đã tiến hành chuyển đổi hơn 1ha diện tích đất trồng ngô sang trồng cà chua và dưa chuột. Tới thời điểm hiện tại, cây dưa chuột đã cho thu hoạch hơn 1 tấn quả, tiểu thương tới tận vườn để thu mua. Giá của dưa chuột trung bình từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất đạt 18.000 đồng/kg, cho lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với trồng ngô”.

Với anh Sân Sài Cáo sau khi tiến hành chuyển đổi 1.000 mét vuông đất ruộng trồng ngô sang trồng cây ớt ngọt đã cho những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Anh Cáo chia sẻ: Cây ớt ngọt là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Từ khi xuống giống khoảng 3 tháng cây sẽ bắt đầu cho quả và cho thu hoạch kéo dài 5 - 6 tháng, chăm sóc tốt có thể lên đến 1 năm. Trước khi quyết định chuyển sang trồng ớt anh rất lo lắng vì chưa nắm được kỹ thuật, nhưng được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách trồng và chăm sóc nên vườn ớt của gia đình đã ra quả và phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 1kg. Bán ra thị trường được từ 20.000 đồng/kg, mỗi vụ thu về 40 triệu đồng".

Thực hiện Đề án chuyển đổi từ cây trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây rau, màu có giá trị cao cho thấy, để lựa chọn cây trồng phù hợp, hằng năm, thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính quyền xã Nghĩa Thuận đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn để khảo sát về điều kiện khí hậu, xét nghiệm mẫu đất, nguồn nước; tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật làm đất, chăm sóc, cấy ghép cây trồng... tại vườn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; tổ chức tham quan học tập mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở các địa phương khác.

Người dân xã Nghĩa Thuận phấn khởi vì giá dưa chuột vụ này ổn định.Người dân xã Nghĩa Thuận phấn khởi vì giá dưa chuột vụ này ổn định.

Bên cạnh đó, UBND xã Nghĩa Thuận đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nắm rõ chủ trương, định hướng của huyện; tận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các Dự án, tiểu Dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia cụ thể hóa Đề án. Tín hiệu tích cực khác là, nguồn thu nhập từ cây rau, màu giúp người dân tại địa phương chủ động hơn trong việc thực hiện Đề án. Theo thống kê của UBND xã Nghĩa Thuận, vụ hè thu năm 2024 toàn xã đã chuyển đổi trên 200 ha đất trồng cây ngô sang trồng cây cà chua, cây dưa chuột, cây lạc...

Ông Sân Tiến Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận thông tin: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao đang được địa phương tích cực thực hiện, tạo thành phong trào thi đua sổi nổi. Chỉ tính riêng trong vụ hè thu năm 2024, trên địa bàn xã đã chuyển đổi được 13 ha cây dưa chuột, 45 ha cây cà chua, 148 ha cây lạc... Trong đó, hai loại cây dưa chuột và cây cà chua tăng 20 ha so với năm 2023. 

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, UBND xã Nghĩa Thuận đã vận động Nhân dân chuyển đổi hoàn toàn 250 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây hồng không hạt. Đây là loại cây ăn quả ôn đới đã được cấp chỉ dẫn địa lý tại huyện Quản Bạ, trong đó Nghĩa Thuận là vũng lõi của loại quả này.

Nhờ có chủ trương đúng và những giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nông dân xã Nghĩa Thuận đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hộ. Qua đó, giúp người dân giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Theo rà soát đến tháng 3 năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại xã Nghĩa Thuận đạt 35 triệu đồng/người/năm.

 Với quan điểm: “Nông thôn là nền tảng; nông nghiệp là động lực; nông dân là trung tâm, chủ thể”, trong năm 2024, toàn huyện Quản Bạ phấn đấu chuyển đổi 1.355 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang các loại cây cho giá trị kinh tế cao như: Đậu tương, ớt đỏ, lạc, dưa chuột, cà chua...

Xem bản gốc