Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Quý 1 tổn thương của nhóm xăng dầu

Vietstock 11 Giờ trước

Quý 1 tổn thương của nhóm xăng dầu

Với diễn biến giảm sâu của giá dầu thế giới trong quý 1, phần lớn các doanh nghiệp nhóm ngành xăng dầu hứng chịu kết quả giảm mạnh so với cùng kỳ. Điều này khớp với dự báo của một số công ty chứng khoán.

Trong quý 1/2025, giá dầu Brent thế giới nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm. Theo MBS Research, giá dầu tăng từ mức 75 USD/thùng vào đầu năm lên vùng 82 USD/thùng vào giữa tháng 1, sau đó liên tục giảm sâu về vùng 70-72 USD/thùng, khi nhu cầu không thực sự cải thiện và tồn kho luôn duy trì ở mức cao.

Giá dầu có chiều hướng đi xuống trong quý 1/2025...
...trong khi diễn biến tăng vào quý 1/2024

Theo đánh giá của CTCK MB (MBS), việc giá dầu giảm sâu có tác động tiêu cực đến hoạt động của một số doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là ở khu vực hạ nguồn. Diễn biến thực tế cũng trùng khớp với nhận định này. Thống kê từ VietstockFinance, trong số 19 doanh nghiệp nhóm này đã công bố BCTC quý 1, chỉ 4 cái tên tăng lãi, hầu hết đều liên quan đến nhóm kinh doanh khí. Ngược lại, 15 đơn vị chứng kiến lãi giảm mạnh, với 4 doanh nghiệp chịu thua lỗ.

Nhóm ông lớn tổn thương vì giá dầu

Kết quả kinh doanh của các ông lớn xăng dầu khí trong quý 1/2025

3 trong số 4 ông lớn ngành xăng - dầu - khí phải chịu kết quả tiêu cực trong quý 1. Petrolimex (HOSE: PLX) rơi tới 88% lợi nhuận ròng, chỉ đạt 133 tỷ đồng, nguyên nhân do giá dầu giảm (tác động của chính sách thuế quan, quyết định của OPEC+, căng thẳng địa chính trị). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định. Tại thời điểm cuối quý 1, dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 334 tỷ đồng, gấp 4.5 lần đầu năm.

PLX rơi tới 88% lợi nhuận so với cùng kỳ trong quý 1/2025

Tương tự, PVOIL (UPCoM: OIL) chỉ lãi 28 tỷ đồng, rơi 88% so với cùng kỳ, do giá dầu giảm và tăng lỗ tỷ giá.

BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn) cũng rơi 65% lợi nhuận, còn 399 tỷ đồng, khi nền giá dầu và crack spread (chênh lệch giá dầu thô và thành phẩm) đều thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này là sự cải thiện so với 2 quý thua lỗ liền trước, do crack spread có dấu hiệu tạo đáy và hồi phục.

PV GAS (HOSE: GAS) là cái tên duy nhất tỏa sáng trong nhóm 4 ông lớn với lợi nhuận tăng 10%, đạt gần 2.76 ngàn tỷ đồng. GAS cho biết, nguyên nhân chính do sản lượng tiêu thụ LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) tăng 9% và giá LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) tăng 53% đã kéo doanh thu đi lên.

Ảm đạm

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xăng - dầu - khí trong quý 4/2024

Khác với các quý gần đây, quý 1/2025 không cho thấy sự phân hóa theo phân khúc thượng - trung - hạ nguồn, bởi cả 3 phân khúc đều chịu kết quả tiêu cực.

Ở thượng nguồn, PVD chỉ giảm nhẹ lợi nhuận gần 3%, còn 153 tỷ đồng, dù doanh thu đi lùi khá mạnh (-14%, còn hơn 1.5 ngàn tỷ đồng). Doanh nghiệp cho biết, giàn khoan tự nâng trong quý 1/2025 đã bị giảm hiệu suất sử dụng (chỉ đạt 76%, cùng kỳ đạt 100%) do phải bảo trì, bảo dưỡng lớn. Thực tế, nếu không nhờ ghi nhận khoản thu từ việc thanh lý giàn khoan đất liền, kết quả của PVD còn giảm sâu hơn khi lãi thuần thấp hơn cùng kỳ tới 36%.

Một doanh nghiệp thượng nguồn khác là PVB - đơn vị bọc ống dầu khí của PVN - còn chia hơn 5 lần lợi nhuận so với cùng kỳ, chỉ đạt 4 tỷ đồng. Nguyên nhân do các hợp đồng trong kỳ có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

Riêng PVS có sự tích cực với lãi ròng 332 tỷ đồng, tăng 10%. Đáng chú ý, doanh thu tăng mạnh 62%, lên hơn 6 ngàn tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp (chiếm hơn 4 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ) cho thấy PVS đã có thêm các hợp đồng công việc mới.

Tại trung nguồn, PVT giảm lãi 7%, còn 215 tỷ đồng dù doanh thu tăng, với nguyên nhân chính là giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu.

Nhóm hạ nguồn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả khi nhiều doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận rơi mạnh; ngoại trừ các đơn vị kinh doanh khí như PGS tăng nhẹ lợi nhuận 3%, đạt 29 tỷ đồng; hay ASP chuyển từ lỗ hơn 7 tỷ đồng thành lãi gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, riêng PGD rơi gần 100% lợi nhuận, còn khoảng 13 triệu đồng. Doanh nghiệp cho biết, bất chấp việc sản lượng khí chỉ tiêu tăng cao hơn cùng kỳ, nhóm khách hàng đầu ra chủ yếu là khách hàng công nghiệp liên quan đến bất động sản vẫn đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tác động của giá dầu làm tăng giá vốn, dẫn đến lợi nhuận rơi mạnh.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng tỏ ra ảm đạm. Comeco (HOSE: COM) giảm lãi 31%, đạt 2.6 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Tổng Giám đốc Lê Tấn Thương nhận định: quý 1/2025 là thời điểm toàn ngành kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn do các yếu tố toàn cầu, đặc biệt là các tác động sau khi ông Donald Trump ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ. Biên giá dầu biến động rất lớn, có thể lên tới 3-4%/ngày và diễn ra liên tục, dẫn đến kết quả quý 1 tương đối “yếu”.

PSH thậm chí lỗ nặng 164 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 24 tỷ đồng). Tuy nhiên, trường hợp của “đại gia xăng dầu miền Tây” tương đối cá biệt, vì nguyên nhân chủ yếu là Doanh nghiệp chưa thể giải quyết khoản nợ thuế hơn 1,000 tỷ đồng từ cuối năm 2023, dẫn đến bị cưỡng chế hóa đơn và chưa thể kinh doanh.

Châu An

FILI

- 14:25 13/05/2025

Xem bản gốc