(Xây dựng) - Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nền tảng pháp lý và động lực lớn để tỉnh Đồng Nai hướng đến mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển, văn minh, hiện đại, phấn đấu đến năm 2050 thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 24/9 Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai sẽ diễn ra tại thành phố Biên Hòa. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Quyết tâm giữ vị trí đứng đầu về công nghiệp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước; kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, với Quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở pháp lý và khung định hướng đó, hiện tại tỉnh này đang chuẩn bị cho “những bước tiến mới”, những kế hoạch lớn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển một cách mạnh mẽ hơn.
Hiện Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai đang trong tâm thế quyết tâm, chủ động vào cuộc quyết liệt, chuẩn bị sẵn sàng môi trường thuận lợi để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ một thái độ cầu thị, tinh thần sẵn sàng cho những giải pháp linh hoạt hơn bao giờ hết.
Theo quy hoạch thì Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ di dời để xây dựng khu trung tâm hành chính, dịch vụ của tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh đưa ra mục tiêu xây dựng tỉnh nhà trở thành địa phương có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh giàu bản sắc, mà một trong những đặc trưng cụ thể và “mới nhất” là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Song song đó là những bản sắc văn hóa lâu đời của vùng đất Đồng Nai sẽ được bảo tồn và phát huy, môi trường sinh thái sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quốc phòng - an ninh được đảm bảo vững chắc.
Cụ thể hơn, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư đối với 36 dự án chủ chốt trên 5 lĩnh vực. Đây được coi là kế hoạch lớn, trách nhiệm mà chính quyền tỉnh này phải thực hiện trong thời gian tới. Các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư gồm lĩnh vực công nghiệp có 6 dự án; dịch vụ có 6 dự án; đô thị có 7 dự án; hạ tầng giao thông có 10 dự án và lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội có 7 dự án.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, với quyết tâm lớn, không thể để Đồng Nai đánh mất ngôi vị đứng đầu về phát triển công nghiệp hiện nay, Đảng bộ tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, các đơn vị “mũi nhọn” trên toàn tỉnh nhanh chóng phát huy năng lực, nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng là thu hút đầu tư, cần tạo được sự hấp dẫn của các khu công nghiệp, thay đổi diện mạo, nâng cấp dịch vụ tiện ích đi kèm, tạo ra những dịch vụ hạ tầng chất lượng cao.
Một dự án bất động sản “khủng” nằm ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đã có 46 quốc gia, vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.667 dự án với vốn đầu tư khoảng 34,84 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc đứng đầu, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, việc thu hút vốn đầu tư vào địa phương hiện đang đạt kết quả rất khả quan, trong 8 tháng đầu năm đã vượt xa kế hoạch ban đầu đề ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,089 tỷ USD, tăng 35% so cùng kỳ. Trong 8 tháng qua, có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn trên 20,6 ngàn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành nghề cũng đa dạng trên nhiều lĩnh vực như thương mại dịch vụ, xây dựng, công nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản…
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 7,37%, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2023. Cùng với thuận lợi trong thị trường xuất khẩu, một số mặt hàng có dấu hiệu hồi phục, đã đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,3 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 4,3 tỷ USD.
“Với những lợi thế trước mắt và các dấu hiệu của nền kinh tế đang hồi phục, với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, có thể coi như là chìa khóa để mở cửa phát triển những vùng kinh tế chủ đạo của tỉnh nhà, theo đó với các thế mạnh của mình có thể hỗ trợ nhau, tương tác cất cánh trong tương lai”, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Động lực mới cho sự phát triển
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai được chính thức công bố sẽ là nền tảng pháp lý, là cơ sở để người dân thấy rõ mục tiêu, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của lãnh đạo, người dân tỉnh này khi hướng đến việc đưa Đồng Nai sớm trở thành địa phương đứng nhóm đầu cả nước về phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2035. Một mục tiêu lớn khác là tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2050, sẽ nâng tầm lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước mắt, tỉnh Đồng Nai quyết tâm đi đầu trong phát triển công nghiệp, có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tín ngưỡng và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống. Tỉnh Đồng Nai mong muốn trở thành trung tâm tập trung trí tuệ và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net Zero”…
Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng với 5 phương thức giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế và hàng không. Vì vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã xác định Đồng Nai thuộc Vùng động lực phía Nam về kinh tế, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện tỉnh Đồng Nai đã xác định những điểm cần được “đánh thức” và khai thác nhằm phát huy hiệu quả đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Theo đó, những “điểm nhấn” có thể nhắc đến như kế hoạch phát triển chuỗi đô thị, du lịch, dịch vụ dọc tuyến sông Đồng Nai; vùng phụ cận sân bay Biên Hòa; “siêu dự án” sân bay quốc tế Long Thành.
Theo kế hoạch tháng 9/2026 khi “siêu dự án” sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác sẽ tạo động lực thúc đẩy lớn cho tỉnh Đồng Nai phát triển đột phá. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Trong đó, sân bay Long Thành được xác định là trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistic; thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao. Dự án sân bay Long Thành dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào tháng 9/2026, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cả nước mà còn là động lực mới cho phát triển đột phá của Đồng Nai.
Theo danh mục các dự án ưu tiên kèm theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai còn có rất nhiều khu vực dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi “bộ mặt” của tỉnh này. Chẳng hạn, dự án Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh; các khu công nghiệp lớn như Hàng Gòn, Phước An, Bàu Cạn; các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương; đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; đường ven sông Đồng Nai; cầu Cát Lái; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị…
Để thật sự là “chìa khoá” thu hút đầu tư
Như vậy, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng được xác định, định hướng phát triển đã được đặt ra, hiện nay việc bắt tay vào thực hiện để Đồng Nai “cất cánh” là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cùng với nhân dân phải chung sức chung lòng. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, ba “từ khóa” mà tỉnh này chọn đồng thời cũng đã thể hiện trong Quy hoạch tỉnh, đó là “kết nối - hội nhập - cất cánh”. Thông điệp này được khẳng định như một cam kết sẽ đưa tỉnh Đồng Nai phát triển lên một tầm cao mới.
Theo kịch bản tăng trưởng của tỉnh Đồng Nai, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư công đạt khoảng 20%, vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm 80%.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay, mà dòng vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Đồng Nai, thậm chí tăng cao đột biến từ đầu năm 2024 đến nay, chứng tỏ tỉnh có nhiều lợi thế khác biệt cần phát huy và gìn giữ, trân quý.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng Quy hoạch tỉnh là nền tảng, động lực để tỉnh này nắm bắt cơ hội phát triển, là “chìa khóa” thu hút đầu tư. Do vậy, việc công bố quy hoạch minh bạch, công khai để tất cả các nhà đầu tư đều bình đẳng tiếp cận, từ đó Đồng Nai sẽ có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất đối với mỗi dự án, đó cũng là điều hết sức quan trọng.
“Càng minh bạch thì càng được tin tưởng, tạo sự đồng thuận, phát triển; thái độ chân thành, cầu thị, cùng với sự công khai, minh bạch, tạo môi trường bình đẳng đối với các doanh nghiệp chính là bước “kích hoạt” các điều kiện, sẵn sàng kéo thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; đó cũng chính là tiền đề thành công của chúng ta, nơi vùng đất Đồng Nai được coi là đắc địa…”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ.