Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Quy hoạch vùng ven biển Quảng Ninh và Lệ Thủy trở thành trung tâm kinh tế phía Nam tỉnh Quảng Bình

Báo xây dựng 2 Ngày trước

(Xây dựng) - Hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có chiều dài đường bờ biển hơn 45km, đây là vùng thuận lợi về vị trí địa lý, cũng như cảnh quan thiên nhiên... phù hợp cho phát triển các khu đô thị nghỉ dưỡng và du lịch. Do vậy, việc lập quy hoạch, xây dựng các khu chức năng mới, kết nối với các khu dân cư hiện hữu một cách hợp lý sẽ tạo động lực, thúc đẩy phát triển khu vực này trở thành vùng kinh tế phía Nam của tỉnh Quảng Bình.

Quy hoạch vùng ven biển Quảng Ninh và Lệ Thủy trở thành trung tâm kinh tế phía Nam tỉnh Quảng Bình
Vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp... phù hợp cho quy hoạch phát triển các khu đô thị nghỉ dưỡng và du lịch.

Cửa ngõ kinh tế phía Nam của tỉnh

Theo Quyết định số 329/QĐ-UBND ngày 18/9/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đến năm 2030, phạm vi lập quy hoạch từ Quốc lộ 1 ra đến biển, kéo dài từ Quốc lộ 1 phía Nam cầu Quán Hàu đến hết địa giới hành chính phía Nam huyện Lệ Thủy. Với tổng diện tích hơn 29.645ha, trên địa giới hành chính của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, gồm 11 xã (Quảng Ninh 3 xã và Lệ Thủy 8 xã). Với quy mô dân số đến năm 2030 trong khu vực dự kiến là 68.426 người. Trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 25,7%; đến năm 2050, khoảng 73.433 người, tỷ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 30,3%; mật độ dăn cư đô thị khoảng 70-100 người/ha.

Quảng Bình xác định quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là việc tổng hợp định hướng quy hoạch xây dựng các chuyên ngành, giải pháp, chính sách thực hiện quy hoạch xây dựng vùng trở thành cửa ngõ kinh tế phía Nam của tỉnh Quảng Bình.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch xây dựng vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là xác định khung hạ tầng kỹ thuật cơ bản làm cơ sở cho việc phát triển các khu chức năng đặc thù, khu đô thị, cụm công nghiệp, và các khu chức năng khác trong vùng. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống đô thị (đã quy hoạch đô thị Dinh Mười, huyện Quảng Ninh; điểm dân cư đô thị Cam Liên, được định hướng tại khu công nghiệp Cam Liên, huyện Lệ Thủy; đô thị hỗn hợp Hải Ninh, huyện Quảng Ninh; đã quy hoạch xây dựng quần thể du lịch – nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình; đô thị hỗn hợp Sen Thủy, huyện Lệ Thủy) và các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch, quy hoạch môi trường chiến lược, bảo tồn hệ sinh thái, quy hoạch hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Xác định cụ thể các vùng kinh tế động lực, định hướng phát triển các khu chức năng đặc thù cấp vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng cân bằng, phù hợp và bền vững.

Khai thác lợi thế bờ biển để phát triển du lịch

Vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy xác định chia làm 5 phân vùng: Phân vùng phía Bắc, phân vùng trung tâm, phân vùng phía Nam và 2 phân vùng đặc thù. Phân vùng 1 là vùng đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận: Phạm vi đô thị Dinh Mười lấy làm trọng tâm, kết nối với các vùng phụ cận như khu dân cư phía Bắc đô thị hỗn hợp thể thao, giải trí và dân cư tại xã Hải Ninh, khu dân cư ven biển và trung tâm xã Hải Ninh, khu dân cư khu vực xã Võ Ninh, Gia Ninh bằng các tuyến đường kết nối về trung tâm đô thị Dinh Mười, kết nối lan tỏa đô thị về hướng biển và thành phố Đồng Hới. Phân vùng 2 là vùng đô thị hỗn hợp đặc thù thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng và phát triển dân cư Hải Ninh: Khu đô thị hỗn hợp thể thao, giải trí và dân cư tại xã Hải Ninh là trọng tâm để phát triển vùng.

Phân vùng 3 là vùng đô thị Kiến Giang mở rộng, lấy khu công nghiệp Cam Liên làm trọng điểm và phát triển thành khu dân cư trung tâm theo tiêu chuẩn đô thị của vùng. Phân vùng 4, vùng phát triển năng lượng tái tạo và dân cư: Các khu chức năng phát triển năng lượng tái tạo động lực chính.

Phân vùng 5 là vùng đô thị hỗn hợp đặc thù thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng và phát triển dân cư Sen Thủy: Phân vùng này là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, định hướng phát triển các chức năng như đô thị biển, thể thao, giải trí và phát triển dân cư làm tiền đề phát triển cho phân vùng này.

Quy hoạch vùng ven biển Quảng Ninh và Lệ Thủy trở thành trung tâm kinh tế phía Nam tỉnh Quảng Bình
Việc quy hoạch vùng ven biển Quảng Ninh và Lệ Thủy sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam tỉnh Quảng Bình.

Trong định hướng kết nối các điểm du lịch, sẽ xây dựng công trình giao thông kết nối với trung tâm của từng khu vực, như: trục du lịch Đông – Tây kết nối các điểm du lịch trong vùng với các điểm du lịch văn hóa tâm linh khu vực phía Tây vùng quy hoạch như: Lăng mộ Lê Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh; nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; núi Thần Đinh; khu du lịch suối nước nóng Bang...

Còn trục du lịch Bắc – Nam sẽ đẩy mạnh liên kết về du lịch theo trục Bắc Nam gắn liền với phát triển kinh tế biển và khai thác lợi thế bờ biển có chiều dài hơn 45km với các bãi biển đẹp, có cảnh quan tự nhiên bảo tồn để phát triển trục dịch vụ du lịch: Biển Hải Ninh, biển Ngư Thủy Bắc, biển Ngư Thủy Nam.

Theo quy hoạch đến năm 2030, vùng ven biển Quảng Ninh và Lệ Thủy sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, tận dụng và phát huy các tài nguyên du lịch sẵn có như: Bờ biển đẹp, các hồ có diện tích mặt nước lớn; quy hoạch xây dựng phát triển các nhà máy và cảng biển tiếp giáp với khu đô thị; cải thiện môi trường đầu tư bằng các chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các nhà đầu tư; xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tận dụng tốt các nguồn đầu tư ngoài ngân sách...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Kiến trúc Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: “Vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy là tiểu vùng động lực phát triển của khu vực Nam tỉnh Quảng Bình. Quy hoạch đến năm 2030, xây dựng các đô thị hài hòa, bền vững, đáp ứng linh hoạt sự thay đổi của cấu trúc nền công nghiệp, dịch vụ thương mại, định hướng kết nối và phát triển du lịch. Các đô thị huyện lỵ, cần có quy hoạch, định hướng phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung. Phát triển hài hòa và cân bằng của vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, quy hoạch xây dựng vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy là quy hoạch mang tính định hướng, nhằm tạo ra cơ sở vật chất, hạ tầng, quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, kiểm soát và đánh giá các quy hoạch trong vùng… để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xem bản gốc