Đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh này có sản lượng tăng cao so với giai đoạn trước, trong đó có một số sản phẩm tăng đột phá so với giai đoạn 2016 - 2020, như: Thép các loại tăng gần 10 lần; dầu ăn tăng 6,6 lần; lưu huỳnh tăng 3,3 lần; dầu nhiên liệu tăng khoảng 2,9 lần; benzen tăng tăng 2,6 lần; xăng động cơ tăng 2,5 lần...
Theo thông tin từ các ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá, lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp của Thanh Hoá giai đoạn 2021 - 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 1.052 nghìn tỷ đồng, gấp 2,12 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh này có thế mạnh, như: Lọc hóa dầu, sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng, may mặc, giầy da, chế biến nông, lâm sản… đều có bước phát triển, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể đối với sản phẩm công nghiệp chiến biến hóa chất, hóa dầu của Thanh Hoá từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm sản phẩm dầu nhiên liệu ước đạt 16%; lưu huỳnh ước đạt 13,7%; benzen ước đạt 4,2%...
Sau khi hoàn thành bảo dưỡng tổng thể vào năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành ổn định, liên tục với công suất cao, đảm bảo cung ứng hơn 40% nguồn xăng, dầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm hóa chất sau lọc dầu, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang; thu hút đầu tư các dự án kho dự trữ dầu thô quốc gia, kho dự trữ LNG khu vực Bắc Trung Bộ,… đưa Khu kinh tế Nghi Sơn sớm trở thành trung tâm lớn ở khu vực và cả nước về công nghiệp hóa chất, hóa dầu.
Tiếp đến, với công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của Thanh Hoá thì các sản phẩm chính là xi măng, clinker tiếp tục phát triển mạnh. Thanh Hoá đã hoàn thành Dự án trạm nghiền xi măng Long Sơn và các dây chuyền 1 và 2 Nhà máy xi măng Đại Dương, đến nay, toàn tỉnh này có 5 nhà máy xi măng với 11 dây chuyền sản xuất, tổng công suất thiết kế 24,4 triệu tấn/năm. Từ năm 2021 đến nay, tổng sản lượng xi măng của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 82,196 triệu tấn, tăng 25,7% so với giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm; sản lượng clinker đạt khoảng 24,32 triệu tấn, tăng 5,4% so với giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân 6,7%. Tuy nhiên, ngành xi măng gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ và tốc độ phục hồi chậm, tăng trưởng sản phẩm xi măng chưa đạt kỳ vọng (12%/năm).
Ngành công nghiệp dệt may, da giầy của Thanh Hoá trong hơn 3 năm qua cũng phát triển mạnh, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn FDI; nhiều dự án dệt may, da giầy xuất khẩu của Tập đoàn HuaLi, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Tổng công ty Tiên Sơn... được đầu tư mới hoặc nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có gần 230 cơ sở sản xuất may mặc, giày da và các sản phẩm phụ trợ đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 220.000 lao động với năng lực sản xuất hàng năm lên đến 610 triệu sản phẩm may mặc và 274 triệu sản phẩm da giầy. Từ năm 2021 đến nay, tổng sản lượng sản phẩm may mặc ước tăng 66,5% so với giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,9%/năm; tổng sản phẩm da giầy ước tăng 70,6% so với nhiệm kỳ trước, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 18,7%/năm.
Công nghiệp sản xuất điện năng của Thanh Hoá tăng trưởng nhanh với việc đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW) năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 19 nhà máy sản xuất điện đang hoạt động với tổng công suất 2.488,36 MW, gồm 13 nhà máy thủy điện với tổng công suất 610,66 MW; 2 nhà máy nhiệt điện với công suất 1.800MW; 01 nhà máy điện mặt trời với công suất 30MW; 3 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 47,7 MW. Từ năm 2021 đến nay, sản lượng điện sản xuất cuat Thanh Hoá ước đạt 56,97 tỉ kwh, tăng trưởng bình quân ước đạt 21,4%/năm; sản lượng điện thương phẩm ước đạt 38.218 tr.kWh, bằng 105,4% kế hoạch, tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm. Tỉnh này đang tiếp tục triển khai các hồ sơ thủ tục để thực hiện các dự án nguồn điện như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn 1.500 MW, các dự án thủy điện, điện gió, điện đốt chất thải rắn... theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện điện VIII được duyệt, đảm bảo tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các sản phẩm công nghiệp năng lượng của tỉnh trong thời gian tới.
Đối công nghiệp cơ khí, luyện kim, năm 2021, Thanh Hoá đã đưa nhà máy Thép Nghi Sơn vào vận hành sản xuất, tạo sự tăng trưởng mạnh sản phẩm cơ khí, luyện kim trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, tổng sản phẩm sắt thép sản xuất trên địa bàn tỉnh ày nước đạt 9,7 triệu tấn, tăng 894,6% so với giai đoạn 2016 -2020, bình quân tăng 34,9%/năm.
Thanh Hoá đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; đang triển khai đầu tư, xây dựng Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn, tạo cơ sở cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp trong 3 năm qua của tỉnh Thanh Hoá giảm so với giai đoạn trước, như: sản lượng sản phẩm Đường kết tinh giảm 32,3%; Bia giảm 62,8%; Phân bón giảm 59,3%; đặc biệt sản lượng ô tô giảm mạnh với mức giảm 81,3%,... Chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất có công nghệ lạc hậu, chậm được đổi mới, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ và bền vững, vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp.