Năm 2924, ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức, đặc biệt cơn bão số 3 hồi tháng 9 gây thiệt hại vô cùng lớn, chỉ riêng ngành ngành nông nghiệp thiệt hại tới 31 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được tăng trưởng về sản lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp tháng 11/2024 tập trung thu hoạch lúa mùa trên cả nước, gieo trồng cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc và thu hoạch lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
SẢN LƯỢNG LÚA CẢ NĂM SẼ ĐẠT TRÊN 43 TRIỆU TẤN
Tính đến 20/11/2024, cả nước thu hoạch được 1.403,4 nghìn ha lúa mùa, chiếm 90,7% diện tích gieo cấy và bằng 95,7% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc thu hoạch 933,8 nghìn ha, chiếm 93,8% và bằng 94,5%; các địa phương phía Nam thu hoạch 469,6 nghìn ha, chiếm 85,3% và bằng 98,2%. Tiến độ thu hoạch lúa mùa năm nay muộn hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của bão số 3 nên những diện tích lúa hồi phục sau bão có thời gian sinh trưởng kéo dài hơn trung bình hằng năm.
Theo báo cáo đánh giá của các địa phương, năng suất vụ lúa mùa của hầu hết các tỉnh miền Bắc đều giảm từ 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có năng suất giảm mạnh như Hải Phòng giảm gần 50%; Hưng Yên giảm 43%; Bắc Ninh giảm 16%. Do năng suất giảm sâu nên sản lượng lúa mùa miền Bắc ước tính đạt 7,86 triệu tấn, giảm 535,9 nghìn tấn so vụ mùa năm 2023.
Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2024 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 717,9 nghìn ha, tăng 22 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước do nhiều địa phương chủ động được nguồn nước, vệ sinh đồng ruộng để tranh thủ xuống giống mở rộng diện tích.
Tính đến ngày 20/11/2024, toàn vùng thu hoạch được 414,3 nghìn ha lúa thu đông, chiếm 57,7% diện tích gieo cấy và bằng 103,2% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa thu đông ước đạt 57,9 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn, tăng 118,5 nghìn tấn.
Tính đến ngày 20/11/2024, các địa phương phía Nam gieo cấy được 500,3 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 129,9% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 498,6 nghìn ha, bằng 130,1%.
Tiến độ gieo trồng lúa đông xuân nhanh hơn cùng kỳ năm trước do giá lúa ổn định ở mức cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông sớm, bà con nông dân đã khẩn trương xới, dọn đất để xuống giống sản xuất vụ lúa đông xuân. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân tăng cao như Cần Thơ tăng 39,7 nghìn ha; Kiên Giang tăng 28,7 nghìn ha; Vĩnh Long tăng 13,2 nghìn ha; Bạc Liêu tăng 11,0 nghìn ha.
"Luỹ kế 11 tháng, tổng diện lúa đã thu hoạch trên cả nước đạt 6.853,8 nghìn ha, sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa đạt bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Cả năm nay, dự kiến tổng sản lượng lúa 43 triệu tấn trở lên phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, và đóng góp cho an ninh lương thực thế giới".
Theo Tổng cục Thống kê
Hiện các địa phương ở miền Bắc đang tập trung sản xuất rau màu vụ đông. Vụ đông năm nay tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện thâm canh rải vụ, nâng cao chất lượng để tăng giá bán sản phẩm, đặc biệt, tập trung vào sản xuất các loại cây có thị trường đầu ra ổn định như ngô, khoai lang, rau đậu.
SẢN LƯỢNG THUỶ SẢN THÁNG 11 TĂNG 3,4%
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện tại giá lợn hơi đang ở mức cao và là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới.
Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ trong nước, cần thực hiện quyết liệt đồng thời nhiều biện pháp, chính sách phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, không rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
"Tính chung 11 tháng của năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 8.754,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 6.126,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1.370,0 nghìn tấn, tăng 4,8%; thủy sản khác đạt 1.257,7 nghìn tấn, tăng 1,2%".
Theo Tổng cục Thống kê.
Sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 11/2024 ước đạt 864,8 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 598,6 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm ước đạt 144,0 nghìn tấn, tăng 6,9%; thủy sản khác ước đạt 122,2 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 11/2024 ước đạt 576,9 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 382,5 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 7,7%. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 11/2024 ước đạt 185,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá cá tra nguyên liệu tăng nên hộ nuôi và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Sản lượng tôm tháng 11/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng nên người nuôi đẩy mạnh thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 96,0 nghìn tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 26,1 nghìn tấn, tăng 5,7%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 11/2024 ước đạt 287,9 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 216,1 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 13,3 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58,5 nghìn tấn, tăng 0,9%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
SẢN LƯỢNG GỖ KHAI THÁC TĂNG 7,9%
Tổng cục Thống kê cho hay diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2024 ước đạt 31,4 nghìn ha, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 2.366,2 nghìn m3, tăng 7,5% do nhu cầu gỗ nguyên liệu tại các nhà máy chế biến tăng, một số tỉnh phía Bắc còn tận thu được gỗ bị đổ do bão số 3. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tháng 11/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 129,5%; Thái Nguyên tăng 44,0%; Lạng Sơn tăng 34,1%; Bắc Kạn tăng 25,9%.
Tính chung 11 tháng của năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 263,9 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 89,3 triệu cây, tăng 3,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 20.855,8 nghìn m3, tăng 7,9%.
Diện tích rừng bị thiệt hại tháng 11/2024 lên tới 78,2 ha, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá là 75,0 ha, gấp 2,5 lần, tập chung chủ yếu một số tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định; diện tích rừng bị cháy là 3,2 ha, gấp 79 lần, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Tính chung 11 tháng của năm 2024, cả nước có 1.585,9 ha rừng bị thiệt hại, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá là 838,8 ha, giảm 20,2%; diện tích rừng bị cháy là 747,1 ha, tăng 11,6%.