Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Sản xuất thông minh bền vững: Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn

Vneconomy 11 Giờ trước

Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về những cơ hội và thách thức trong việc phát triển sản xuất thông minh bền vững tại Việt Nam...

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 1
 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 2

Thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình sản xuất thông minh bền vững, ông nhìn nhận thế nào về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt?

Mục tiêu chuyển đổi số cho nền kinh tế đã được Đảng và Nhà nước đề ra một cách quyết liệt. Tuy nhiên, những trở ngại lớn nhất khiến việc chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi công nghệ nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Theo tôi, có ba nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Thứ nhất, tư duy của bộ máy quản lý Việt Nam vẫn còn trì trệ và ngại đổi mới. Điều này có thể hiểu được, vì việc đổi mới đòi hỏi con người phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ mới có thể thay đổi được tư duy cũ. Trong khi đó, mọi người đã quen với cách làm truyền thống, những phương pháp cũ từ lâu.

Thứ hai, đầu tư của Việt Nam cho việc chuyển đổi vẫn còn rất hạn chế. Nguồn lực đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là đầu tư công, hiện tại đang chỉ tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông, còn những loại hạ tầng khác, nhất là hạ tầng chuyển đổi số thì vẫn còn rất ít. Việc đầu tư cho chuyển đổi số hay đầu tư cho các công nghệ mới vẫn còn rất hạn chế.

Thứ ba, nguồn nhân lực của Việt Nam có số lượng rất đông nhưng chất lượng vẫn còn là một vấn đề. Hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ số, chưa có những người thực sự là người dẫn đầu - những người có thể đóng vai trò như một tổng chỉ huy, hay như người ta thường gọi là "tổng công trình sư" về một lĩnh vực, một sản phẩm là chủ lực của nền kinh tế.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 3

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và vai trò của tự động hóa trong việc thúc đẩy sản xuất thông minh bền vững?

Chắc chắn tự động hóa, nếu được đưa vào sản xuất kinh doanh, sẽ có vai trò rất tích cực cho việc chuyển đổi xanh, vừa chuyển đổi số vừa chuyển đổi xanh. Tự động hóa giúp nâng cao năng suất lao động, có hệ thống để có thể giám sát và điều chỉnh những sản phẩm đầu ra nhằm giảm thiểu phát thải, kể cả khí nhà kính, cũng như phát thải chất lỏng, chất rắn có hại cho môi trường.

Tuy nhiên, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa bây giờ còn tiến bộ cao hơn nữa. Không chỉ là hệ thống tự động hóa cổ điển như chúng ta vẫn làm trước đây, mà nó đã được thông minh hóa. Tự động hóa thông minh sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời có thể dự báo được tác động môi trường.

Trí tuệ nhân tạo không đơn thuần chỉ làm cho một hệ thống tự động hóa trở nên thông minh, mà nó còn có thể tích hợp được những thông tin không chỉ trong một phạm vi hẹp, trong một lĩnh vực, mà nó có thể tổng hợp những thông tin toàn cầu.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 4

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những ứng dụng thực tế của tự động hóa thông minh trong sản xuất? Điều kiện tiên quyết để AI có thể phát huy tối đa hiệu quả trong sản xuất thông minh là gì?

Chúng ta có thể tự động sản xuất theo phương thức “may đo” cá nhân, đôi khi người ta gọi đó là “nền kinh tế may đo”. Một cá nhân nào đó chỉ cần cung cấp số đo, chúng ta có thể may cho một cái áo, đóng cho một đôi giày. Nhưng cái áo, đôi giày đó dùng vải gì, dùng da giày gì, với giá thành thế nào, nguồn gốc xuất xứ ở đâu, tất cả đều có thể được trí tuệ nhân tạo phân tích, đánh giá.

Hệ thống sẽ tạo ra một đôi giày hoặc một cái áo có giá thành hợp lý nhất, có xuất xứ rõ ràng, thậm chí có chỉ số carbon phù hợp với kích cỡ của người sử dụng và trong một thời gian rất ngắn.

Trí tuệ nhân tạo kết hợp với tự động hóa sẽ tạo ra một hệ thống tự động hóa thông minh và tích hợp được rất nhiều những thông số mà hiện tại chúng ta có thể chưa đánh giá hết được. Miễn là chúng ta có cơ sở dữ liệu đủ lớn, có cơ sở dữ liệu quy mô toàn cầu, thì trí tuệ nhân tạo sẽ cho chúng ta những giải pháp cực kỳ thông minh và chính xác.

Do đó, muốn thúc đẩy sản xuất thông minh bền vững và có tăng trưởng tốt, nền tảng phải là sản xuất thông minh và AI. Chắc chắn chúng ta chỉ có thể sản xuất tốt và có giá trị gia tăng lớn khi sử dụng được AI. Điều kiện để AI có thể giúp con người tốt nhất là cơ sở dữ liệu lớn.

Nếu dữ liệu không đầy đủ, không chính xác và không đủ lớn, thì AI không thể giúp chúng ta làm được một nền tảng sản xuất thông minh. Hiện nay có nhiều người quá lạm dụng AI, coi AI như là vạn năng, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng vì AI hoạt động trên dữ liệu. Dữ liệu không đầy đủ chắc chắn sẽ đưa ra những bài toán, những kết quả không chính xác.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 5

Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại trong việc tiếp cận và phát triển sản xuất thông minh?

Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực, nhưng cần có lộ trình phù hợp. Đầu tiên, chúng ta có thể tiếp cận với những công nghệ mới và công nghệ cao; tiếp đến tích hợp các công nghệ khác nhau; cuối cùng là các doanh nghiệp Việt Nam cùng với những người làm khoa học của Việt Nam có thể tạo ra được công nghệ lõi, công nghệ nền của chính người Việt Nam.

Tất nhiên điều này có một lộ trình, và trong quá trình đó chúng ta cần có sự đầu tư rất lớn không chỉ của Nhà nước, mà của chính các doanh nghiệp và của xã hội, thì chúng ta mới có đủ năng lực để thực hiện.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 6

Trong bối cảnh hiện tại, theo ông, những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang gặp phải là gì?

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là nhỏ và siêu nhỏ, do đó để tồn tại trên thương trường đã là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay cạnh tranh rất dữ dội với các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài.

Thứ hai, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, việc áp thuế làm khó cho xuất nhập khẩu và cân bằng cán cân thương mại của các quốc gia nhỏ và đang phát triển.

Thứ ba, hệ thống chính sách của chúng ta đối với doanh nghiệp ở tầm vĩ mô khá đầy đủ, nhưng ở những tầng thực tế làm việc với doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều vấn đề về chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách tín dụng, khiến các doanh nghiệp đều vô cùng khó khăn.

Do đó, các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng sử dụng công nghệ nhập khẩu thông qua việc mua sắm máy móc trang thiết bị. Tuy nhiên, họ không đủ nguồn lực để có thể khai thác, làm chủ công nghệ trong các thiết bị nhập khẩu đó. Doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng, còn việc làm chủ, cải tiến, sáng tạo ra công nghệ riêng thì nằm ngoài tầm với của các doanh nghiệp Việt Nam, trừ một vài tập đoàn lớn có nguồn nhân lực và tài chính đủ lớn.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 7

Theo ông, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc phát triển sản xuất thông minh bền vững cần được thể hiện như thế nào?

Tôi cho rằng vai trò dẫn dắt của Nhà nước là rất quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực tư nhân không được làm hoặc không làm được, trong việc phát triển sản xuất thông minh bền vững gồm ba việc chính:

Thứ nhất, Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu để có thể tích hợp được tất cả cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia phải đủ chính xác, đủ lớn thì mới có tác dụng tốt để sử dụng những nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư cho hạ tầng phát triển công nghệ số cũng như cho các công nghệ mới của Việt Nam. Các doanh nghiệp không đủ năng lực, không đủ nguồn lực cả về tài chính lẫn nhân lực để có thể xây dựng được hạ tầng chung cho quốc gia. Các doanh nghiệp làm chuyển đổi số thành công trong phạm vi sản xuất của họ đã là một cố gắng rất lớn, còn hạ tầng quốc gia cho chuyển đổi số thì Nhà nước phải đầu tư, phải làm.

Thứ ba, Nhà nước có cơ chế chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với công nghệ, tạo chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận rồi làm chủ được công nghệ và có thể cùng với các viện, trường, các nhà khoa học sáng tạo ra công nghệ lõi, công nghệ nền của người Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 8

Ông có đề xuất gì về chiến lược phát triển công nghệ để Việt Nam có thể bứt phá trong thời gian tới?

Có ý kiến cho rằng thay vì tiếp tục bắt chước và nghiên cứu những gì thế giới đã làm, chúng ta nên chọn lựa một lĩnh vực công nghệ nào đó của thế hệ mới, tập trung nghiên cứu và đầu tư vào đó.

Vấn đề là tiềm lực của đội ngũ nhân lực nghiên cứu của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu nếu thiếu cơ chế chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, để có được tiềm lực mạnh, có sản phẩm chiến lược của nền kinh tế thì Nhà nước phải đặt hàng. Ví dụ, Nhà nước thấy rằng sản phẩm này rất quan trọng cho nền kinh tế mà mình có khả năng làm được, thì Nhà nước đặt hàng, đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ và thậm chí là hỗ trợ đầu tư cả đến dây chuyền thiết bị, máy móc để có thể làm ra được sản phẩm đó.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, về đất đai để doanh nghiệp có thể thực hiện được dự án do Nhà nước đặt hàng. Có thể việc sản xuất trong nước ban đầu sẽ đắt hơn việc mua của nước ngoài, nhưng chúng ta phải làm được điều đó, để khi thị trường thế giới có biến động chúng ta vẫn duy trì được sản xuất không bị đình trệ. Sau đó, Nhà nước sẽ phải giúp doanh nghiệp tạo thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 9

Yếu tố thời gian trong phát triển công nghệ quan trọng như thế nào? Theo ông, yếu tố nào sẽ quyết định thành công trong việc phát triển sản xuất thông minh bền vững tại Việt Nam?

Công nghệ nào cũng cần có thời gian để hoàn thiện và khi có thị trường thì nó mới phát triển được. Nhưng nếu thời gian kéo dài quá thì sẽ mất tác dụng. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế như hiện nay, chúng ta chậm một ngày có khi đã mất thị trường rồi.

Do đó, nếu đã đầu tư thì phải đầu tư “tới ngưỡng” để trong thời gian sớm nhất, ngắn nhất có thể tạo ra được sản phẩm cạnh tranh được. Lúc đó mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường và không bị các ngành khác hoặc các quốc gia khác “bóp nghẹt” ngay từ lúc mới ra đời.

Vấn đề nằm ở tài năng và tầm nhìn của người lãnh đạo chính trị, biết thời điểm nào thì nên làm thế nào. Làm việc gì không đúng thời điểm đều có thể là sai lầm. Vấn đề chỉ là “bao nhiêu và khi nào” mà thôi.

Phát triển sản xuất thông minh bền vững không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là vấn đề về tầm nhìn chiến lược, về khả năng điều phối nguồn lực và về sự kiên trì trong thực hiện. Nếu chúng ta làm được điều đó, tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá trong kỷ nguyên mới.

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 10

VnEconomy 23/07/2025 09:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

 Việt Nam cần vượt qua ba rào cản lớn - Ảnh 11

-

Xem bản gốc