(Xây dựng) - Ngày 12/11, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại” do Nhóm kiến trúc sư nghiên cứu về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) tổ chức.
Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại” nằm trong khuôn khổ các hoạt động chuyên ngành tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. |
Nhiều giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam chưa được bảo tồn và phát huy đúng cách
Phát biểu khai mạc Hội thảo, KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của kiến trúc truyền thống Việt Nam, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc qua các công trình như đình, chùa và không gian sinh hoạt cộng đồng. Ông Hào cũng cho biết, từ đầu thế kỷ XX, các kiến trúc sư Việt Nam và Pháp đã kết hợp giá trị truyền thống vào các công trình hiện đại, đặc biệt trong các phong cách Art Deco và Đông Dương. Đến những năm 1960, phong trào “kiến trúc hiện đại nhiệt đới hóa” xuất hiện, kết hợp nguyên tắc truyền thống với yếu tố hiện đại, sử dụng vật liệu địa phương và thiết kế hài hòa với khí hậu, địa hình.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào phát biểu tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển đô thị hiện nay, nhiều giá trị kiến trúc truyền thống đang bị đe dọa, nhất là ở các vùng nông thôn và các công trình chưa được bảo tồn đúng mức. Sự xuống cấp và thay thế bởi kiến trúc mới khiến ký ức đô thị bị xóa nhòa, ảnh hưởng lớn đến bản sắc văn hóa địa phương. Dù vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong kiến trúc đương đại hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức, với tình trạng sao chép hình thức cũ mà thiếu đi tinh thần và bản sắc dân tộc.
Để giải quyết vấn đề này, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng cần có những nghiên cứu, đánh giá và biện pháp bảo tồn hiệu quả các giá trị kiến trúc truyền thống, đồng thời kết hợp với phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đây là một trách nhiệm quan trọng để duy trì và phát huy bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển đô thị.
Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại" được chia thành ba phần chính: Bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống, khai thác và phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại, và đổi mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam. Các tham luận tại hội thảo sẽ làm rõ những giá trị và đặc trưng nổi bật của kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ, cùng những kinh nghiệm trong việc khai thác và phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại, từ đó mở ra những hướng đi mới trong việc phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc bản địa.
Kế thừa và phát triển giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại
Trong bài phát biểu đề dẫn, TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhấn mạnh, kiến trúc truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất phản ánh các yếu tố lịch sử và văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc tiếp tục nghiên cứu và phát huy giá trị của kiến trúc truyền thống trong phát triển kiến trúc đương đại là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ.
TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân phát biểu tại Hội thảo. |
TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân cũng khẳng định rằng, dù Việt Nam không có những di tích kiến trúc đồ sộ như các quốc gia khác, nhưng lại sở hữu rất nhiều di tích đa dạng, thể hiện rõ truyền thống và bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Di tích kiến trúc là những bằng chứng vật chất và tinh thần về lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống và cách ứng xử của con người với thiên nhiên và xã hội.
ThS.KTS Nguyễn Thị Hương Mai phát biểu tại Hội thảo. |
Đánh giá về kiến trúc cổ truyền Việt Nam, ThS.KTS Nguyễn Thị Hương Mai (Viện bảo tồn di tích) nhận định, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa dạng về vùng miền và môi trường tự nhiên. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, phản ánh một giai đoạn dài đấu tranh chống thiên nhiên và ngoại xâm. Các công trình kiến trúc cổ truyền Việt Nam không chỉ có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị mỹ thuật sâu sắc.
ThS.KTS Nguyễn Thị Hương Mai cho rằng, nếu biết khai thác và phát huy các giá trị kiến trúc cổ truyền, không chỉ làm giàu bản sắc kiến trúc dân tộc mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục cho cộng đồng và địa phương.
Tại Hội thảo, KTS Đặng Hoàng Vũ đã trình bày về kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1986, một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Những công trình xây dựng trong giai đoạn này không chỉ có giá trị sử dụng và thẩm mỹ, mà còn đóng góp quan trọng vào nền tảng kiến trúc hiện đại Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc đương đại. Tuy nhiên, các công trình này vẫn chưa được công nhận là di sản kiến trúc theo quy định pháp lý hiện hành, đòi hỏi cần có cơ chế bảo tồn và chính sách phù hợp để phát huy giá trị của các công trình này.
Chia sẻ về việc kế thừa và phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam từ sau đổi mới, ThS.KTS Nguyễn Mạnh Trí cho biết, mặc dù từ năm 1986 đến nay, kiến trúc Việt Nam đã tiếp thu mạnh mẽ các xu hướng toàn cầu, nhưng nhiều công trình vẫn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống. Các tác phẩm này không chỉ đạt chất lượng cao mà còn giành được các giải thưởng quốc tế, khẳng định sức sống bền vững của yếu tố dân tộc trong kiến trúc đương đại.
ThS.KTS Nguyễn Mạnh Trí phát biểu tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, việc khai thác và kế thừa truyền thống trong kiến trúc vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Thành công trong việc phát huy giá trị truyền thống chỉ có thể đạt được khi có sự đối thoại giữa truyền thống và hiện đại, cùng với sự hiểu biết thấu đáo về văn hóa và nhu cầu thực tế của cộng đồng. Khi đó, kiến trúc Việt Nam mới có thể khẳng định được bản sắc riêng biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia và khách mời đã tích cực thảo luận về các vấn đề liên quan đến bảo tồn và xác định hệ giá trị kiến trúc qua 5 giai đoạn nghiên cứu, cùng với việc phát huy và đổi mới truyền thống trong kiến trúc đương đại. Các chuyên gia đều cho rằng việc lựa chọn những phương pháp và công cụ phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của các nhóm di sản kiến trúc là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với những di sản nằm trong cấu trúc đô thị hiện đại, trong bối cảnh phát triển đô thị và kinh tế - xã hội.
Do đó, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể để lựa chọn các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản kiến trúc sao cho hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống cần phải được định hướng rõ ràng trong quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, đồng thời tăng cường quảng bá các giá trị đặc trưng của kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.