CTCP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán SAS) vừa công bố BCTC quý 3/2024 với kỷ lục mới về doanh thu và cả lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần Sasco đạt 782 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 498 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp xấp xỉ 64% - một con số khá ấn tượng. Lợi nhuận sau thuế thu về 181 tỷ đồng – cao nhất từ trước đến nay.
Lũy kế 9 tháng, Sasco đạt doanh thu thuần 2.117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 294 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 12% và 22% so với cùng kỳ năm trước.
Sasco là công ty chuyên bán lẻ, kinh doanh hàng miễn thuế và kinh doanh dịch vụ tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, do 'Vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ. Chia sẻ về kết quả kỷ lục này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: “Sự thành công của Sasco đến từ nỗ lực của cả tập thể cán bộ công nhân viên, cùng với chiến lược kinh doanh đúng đắn và sự tuân thủ nghiêm túc pháp luật. Những năm qua, chúng tôi cũng đã áp dụng mô hình kinh doanh linh hoạt, hiện tại Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) đang hợp tác với Sân bay Quốc tế Changi (CAI) đưa công nghệ hiện đại tiên tiến vào thực tiễn và giúp CRTC nhanh chóng kết nối với các hãng hàng không và sân bay trên thế giới”.
Được biết đến như là một trong những “ông vua” kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) từ năm 2015 đã có rất nhiều khoản đầu tư liên quan đến lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không.
IPPG hợp tác với Sasco từ năm 2015, một năm sau đó lợi nhuận tăng vọt từ mức vài chục tỷ lên mức hàng trăm tỷ đồng đến hiện tại.
Giai đoạn đại dịch Covid-19, Sasco bị ảnh hưởng nặng nề do các sân bay đóng cửa. Dù vậy, kể từ khi các chuyến bay được nối lại, kết quả kinh doanh Sasco đã hồi phục đáng kể, vượt trội so với các đơn vị cùng ngành.
Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Sasco từ năm 2017. “Từ lúc tôi nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch HĐQT tại Sasco, mỗi khi họp HĐQT tôi luôn dặn dò anh chị em cán bộ điều hành và nhân viên phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, phải lấy chữ tín làm đầu, làm kinh chỉ nam để hoạt động. Đặc biệt về hạ tầng, tuyệt đối không dùng đất công cho thuê không đúng mục đích sử dụng, bởi vì làm như thế là lãng phí và vi phạm phát luật, điều tối kị trong phương châm kinh doanh của tôi suốt 40 năm qua tại quê hương”, ông chia sẻ. Đó cũng chính là “bí quyết” giúp Sasco hoạt động tốt.
IPPG được biết còn góp vốn với ACV và các nhà đầu tư khác xây dựng vận hành nhà ga cảng hàng không quốc tế Cam Ranh từ 30/6/2018 với tổng mức vốn đầu tư là 3.735 tỷ đồng với 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được thiết kế với công xuất vận hành thực tế là 4,5 triệu khách/năm và dự kiến đến năm 2030 là 8 triệu khách. Nhưng qua khai thác vận hành thực tế đến năm 2019, lượng khách quốc tế đã đạt con số ấn tượng lên tới 6 triệu lượt khách được vượt qua dự đoán của nhà đầu tư.
Những năm sau do ảnh hưởng của dịch covid 19, tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn hơn nên doanh số sụt giảm đáng kể. Song, đến năm 2023 tổng số lượng khách được nhà ga Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phục vụ đã dần tăng lên tới hơn 2,5 triệu lượt. Sang năm 2024 doanh số đã tăng lên đáng kể, dự kiến tới hết năm doanh số sẽ lên đến hơn 4,5 triệu lượt khách đạt tới con số thiết kế ban đầu và tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
“Đây là sự đầu tư chiến lược dài hạn của IPPG để kích cầu và phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hoà nói riêng và toàn vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung. Nhà ga cảng HKQT Cam Ranh được đầu tư bài bản và hiện đại trải qua quy mô của 3 giai đoạn để phù hợp với sự phát triển của kinh tế toàn tỉnh và vùng”, Chủ tịch Sasco nói thêm.