Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Sau năm ảm đạm nhất một thập kỷ, thị trường IPO Đông Nam Á xuất hiện tín hiệu phục hồi

Vneconomy 3 Tuần trước

Theo tờ báo Nikkei Asia, năm 2024 đánh dấu một dấu mốc buồn với thị trường vốn cổ phần Đông Nam Á khi hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ. Điều này phản ánh những “cơn gió ngược” vùi dập thị trường toàn cầu năm qua như lãi suất cao, biến động địa chính trị và niềm tin nhà đầu tư sụt giảm.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thị trường này đã xuất hiện một số tín hiệu phục hồi trong năm tới như số vụ IPO công nghệ quy mô nhỏ tăng lên và các thương vụ dịch chuyển về các sàn giao dịch trong khu vực.

HỖ TRỢ MẠNH MẼ TỪ CÁC SÀN KHU VỰC

Nhiều công ty công nghệ Đông Nam Á trước đây đặt mục tiêu IPO ở Mỹ nhưng nay đang chuyển hướng sang các sàn giao dịch trong khu vực. Điều này diễn ra trong bối cảnh các sàn có nhiều hỗ trợ và cải cách chính sách để thu hút doanh nghiệp niêm yết.

Thực tế cho thấy, dù nhiều công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á được công nhận trên toàn cầu nhờ việc niêm yết ở Mỹ sau đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp nhỏ hơn thường khó thành công hơn. Điều này khiến họ chuyển sang cân nhắc niêm yết trong khu vực.

“Thực tế rất khác biệt. Nếu chúng ta nhìn vào các ví dụ gần đây như IPO thành công của Grab ở Mỹ, có thể thấy sự phấn khích rất lớn trên thị trường Đông Nam Á cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, nếu một công ty Đông Nam Á không có quy mô đủ lớn, họ sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý”, chuyên gia về thị trường vốn Tay Hwee Ling tại Deloitte Đông Nam Á, nhận xét.

Theo bà Tay, dù các công ty thành công trong các vòng gọi vốn đầu tiên, họ thường gặp nhiều thử thách sau đó do ít được quan tâm hoặc lượng giao dịch hạn chế. Bà dự báo xu hướng chạy đua IPO ở Mỹ của các doanh nghiệp Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ chậm lại.

Sự dịch chuyển này có thể mang lại cho các sàn giao dịch khu vực cơ hội để thu hút IPO của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác. Các sàn khu vực như Bursa Malaysia, sàn chứng khoán Thái Lan (SET) và IDX của Indonesia đang định vị bản thân là các địa chỉ thay thế an toàn hơn, mang đến cho doanh nghiệp các chính sách ổn định hơn và dễ tiếp cận hơn với nhà đầu tư trong nước.

DỰ BÁO KHỞI SẮC NĂM 2025

Xu hướng này được dự báo sẽ giúp thị trường IPO đang ảm đạm của Đông Nam Á khởi sắc hơn trong năm tới. Trong báo cáo Thị trường vốn Đông Nam Á 2024, Deloitte nhận định sự sụt giảm đáng kể của thị trường IPO Đông Nam Á trong hơn 10 tháng đầu năm 2024 khi chỉ có 122 IPO, huy động được khoảng 3 tỷ USD. Trong khi đó, các con số này của năm 2023 là 163 IPO và 6 tỷ USD. Malaysia chiếm 53% tổng số vốn huy động được qua IPO từ đầu năm, theo sau là Thái Lan với 26% và Indonesia với 12%.

Trong đó, Indonesia, quốc gia dẫn đầu về IPO trong khu vực, chứng kiến số vốn huy động qua IPO giảm 90% trong năm 2024 xuống còn 368 triệu USD, từ mức 3,6 tỷ USD năm ngoái. Cuộc tổng tuyển cử hôi tháng 2 và bất ổn kinh tế kéo dài khiến nhiều công ty trì hoãn IPO tại quốc gia này.

Sau năm ảm đạm nhất một thập kỷ, thị trường IPO Đông Nam Á xuất hiện tín hiệu phục hồi - Ảnh 1

Sau khi Deloitte công bố báo cáo,  chi nhánh Indonesia của chuỗi dụng cụ nâng cấp nhà cửa Mr.DIY (Malaysia) đã IPO huy động 4,15 nghìn tỷ rupiah (257 triệu USD). Tuy nhiên, con số này vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm về vốn huy động qua IPO của Indonesia so với năm 2023.

Còn Thái Lan, thị trường vốn cổ phần lớn thứ hai Đông Nam Á, cũng không khá hơn. Các quy định mới yêu cầu doanh nghiệp IPO báo cáo tài chính đã kiểm toán trong ba năm đã làm chậm quy trình phát hành cổ phiếu. Theo đó, tổng số tiền huy động được qua IPO từ đầu năm tại thị trường này giảm 42% còn 756 triệu USD, so với mức 1,3 tỷ USD năm ngoái.

Tại Singapore, dù chỉ có 4 IPO so với 6 vụ của năm ngoái, tổng số vốn huy động chỉ giảm nhẹ xuống còn 34 triệu USD. Theo các nhà phân tích, sự quan tâm dành cho các công ty đầu tư bất động sản là một động lực cho thị trường chứng khoán nước này.

Từ đầu năm nay, Philipppines chỉ có 3 IPO nhưng huy động được 203 triệu USD, tăng gấp hơn hai lần so với 81 triệu USD năm ngoái.

Trong khi các sàn khu vực gặp khó khăn, Malaysia nổi lên là một trường hợp ngoại lệ. Sàn Bursa Malaysia vừa có năm tốt nhất trong vòng 6 năm trở lại đây khi có 46 IPO và huy động được 1,5 tỷ USD (tính tới tháng 10), chiếm hơn 50% tổng số vốn huy động được của IPO toàn khu vực. IPO đáng chú ý là của chuỗi của hàng tiện lợi 99 Speed Mart với 574 triệu USD. Đây là IPO lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á năm nay.

Theo các nhà phân tích, thành công của Malaysia trên thị trường IPO năm nay đến từ hai yếu tố chính: cải cách trong nước và sự dịch chuyển sang thu hút các IPO nhỏ. Ngoài ra, thị trường ACE trên Bursa Malaysia, dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã trở thành “nam châm” hút doanh nghiệp công nghệ và startup tăng trưởng với 39 IPO năm nay.

Trong báo cáo thị trường vốn gần đây, PwC dự báo thị trường IPO Đông Nam Á sẽ phục hồi trong năm tới, khi môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Các đợt hạ lãi suất tại ở nhiều khu vực cũng được dự báo sẽ thúc đẩy mạnh thị trường IPO Đông Nam Á. Trong đó, dẫn đầu xu hướng phục hồi này là IPO công nghệ.

BIẾN SỐ TRUMP

Theo các nhà phân tích, sự phân ly giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã đẩy nhanh làn sóng đầu tư vào hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính trên khắp Đông Nam Á. Sự nổi lên của các công ty AI và năng lượng tái tạo được dự báo sẽ là một động lực quan trọng cho hoạt động IPO Đông Nam Á thời gian tới, bởi khu vực này ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu và thu hút nhà đầu tư vào các công ty đổi mới sáng tạo bản địa.

Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu xu hướng phục hồi với nhiều lợi thế quan trọng như thời gian phê duyệt IPO ngắn hơn, ưu đãi thuế và việc chuyển đổi nhanh chóng từ thị trường ACE sang thị trường chính.

Trong báo cáo công bố tuần trước, bà Ivy Ng, giám đốc nghiên cứu về Malaysia của CIMB, nhận định triển vọng của thị trường vốn Malaysia rất tích cực.

“Kế hoạch giới thiệu các chương trình thu hút nhà đầu tư vào các công ty niêm yết của Malaysia, tương tự chương trình Value-Up ở Nhật và Hàn Quốc, có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào nước này”, bà Ng dự báo.

Tuy nhiên, thị trường này cũng đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng là một biến số lớn với nhiều thị trường, bao gồm thị trường IPO.

Một số nhà phân tích việc Mỹ có thể đẩy mạnh các chính sách thương mại vì “Nước Mỹ trên hết” có thể đảo ngược tham vọng IPO của Đông Nam Á.

Tổ chức nghiên cứu MIDF dự báo thị trường IPO Đông Nam Á đối mặt nhiều biến động, đặc biệt là sự thiếu chắc chắn về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

“Dù tình hình đã ổn định phần nào, sự trở lại của ông Trump đã thổi bùng sự bất ổn. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc cũng góp phần gây ra biến động trên thị trường”, báo cáo của MIDF nhận định.

Xem bản gốc