(Xây dựng) – Trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí tăng cao, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá các sản phẩm bất động sản phục vụ cho nhu cầu ở thực tại đô thị, chỉ có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong một giai đoạn nhất định sau thời gian tăng trưởng nóng và chắc chắn khó giảm sâu.
Giá bất động sản tăng cao khiến người thuộc nhóm thu nhập cao cũng khó mua nhà. |
Giá nhà tăng vùn vụt qua các năm
Theo dữ liệu nghiên cứu của VARS, giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Đặc biệt, kể từ năm 2018 đến nay, khi chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban, ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng.
Tại các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, nhu cầu về nhà ở đang không ngừng tăng giá, làm cho khả năng chi trả của người dân cũng dần trở nên khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp chỉ có thể "trông" vào nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo, điều hành tích cực, nhiều thành phố lớn vẫn hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội bởi các nguyên do: Thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính rườm rà, khó thu hút chủ đầu tư.
Vì vậy, đối với người lao động thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, giáo viên, hoặc nhân viên văn phòng mới đi làm, việc tiết kiệm để mua một căn nhà tại khu vực đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một mục tiêu rất xa vời. Bởi với mặt bằng giá bất động sản hiện tại, ngay cả khi giá nhà giảm một nửa, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn khó có khả năng mua nhà.
Trong khi thực tế, giá các sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực tại đô thị, chỉ có thể đi ngang, hoặc giảm nhẹ trong một giai đoạn nhất định sau thời gian tăng trưởng nóng, và chắc chắn khó giảm sâu trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí phát triển dự án bao gồm chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, nhất là chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao.
Người giàu cũng khó mua nhà
Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân 1 người/tháng đạt 14,47 triệu đồng tại Hà Nội; 13,8 triệu đồng tại Đà Nẵng; 13,26 triệu đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh; 13,9 triệu đồng tại Đồng Nai và 18,38 triệu đồng tại Bình Dương. Đây là nhóm được kỳ vọng có khả năng sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như: Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế, ngay cả nhóm có thu nhập cao nhất này cũng gặp không ít trở ngại trong bài toán mua nhà tại các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh do giá bất động sản tăng cao. Giả định mỗi hộ gia đình có 2 người trong tuổi lao động đều thuộc nhóm có thu nhập cao nhất, thì thu nhập bình quân của nhóm này ước tính khoảng 30 triệu đồng/tháng/hộ, tương đương với khoảng 360 triệu mỗi năm.
Bà Phạm Thị Miền nhấn mạnh, khả năng chi trả tối đa nếu áp dụng quy tắc tài chính phổ biến là chi phí nhà ở không vượt quá 1/3 thu nhập là khoảng 6,7 triệu đồng mỗi tháng, tương đương khoảng 80 triệu đồng mỗi năm.
Trong khi đó, mỗi căn hộ chung cư thương mại tại các đô thị lớn kể trên có giá dao động từ từ 40-70 triệu đồng/m2, tùy khu vực và phân khúc. Như vậy, một căn hộ có diện tích nhỏ, khoảng 60m2 sẽ có giá khoảng 2,5-3,5 tỷ đồng. Nếu nhóm 5 quyết định mua một căn hộ 60m2 giá khoảng 3,5 tỷ đồng và vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà, tức 2,45 tỷ đồng, với lãi suất 8%/năm trong vòng 20 năm, khoản trả góp hàng tháng sẽ vào khoảng 25-27 triệu đồng, tương ứng với khoảng hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Với mức chi trả tối đa 80 triệu đồng/năm, gần như không thể mua nhà.
Để sở hữu nhà, người dân cần tận dụng các chính sách hỗ trợ. Người dân có một khoản tích lũy, ước tính khoảng 50% giá trị, có thể lựa chọn vay mua nhà khi tìm thấy sản phẩm phù hợp. Hiện có rất nhiều dự án có chính sách thanh toán linh hoạt với thời gian ưu đãi dài, lãi suất cố định, để người dân không cần "thắt lưng buộc bụng" để trả nợ.