Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

SCIC đã thoái xong 25% vốn tại TTL, thu về gần 223 tỷ đồng

Vneconomy 1 Tuần trước

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - thông báo đã bán xong 10.500.000 CP của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (mã TTL-HNX).

Theo đó, ngày 26/12/2024, SCIC thông báo đã thoái toàn bộ 10,5 triệu cp TTL, tương ứng tỷ lệ 25,09% vốn, thông qua hình thức đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo thông tin từ HNX, có hai nhà đầu tư cá nhân đã tham gia đợt đấu giá này, kết quả một nhà đầu tư trúng đấu giá với giá 222,612 tỷ đồng, tương đương hơn 21.201 đồng/cp. Đáng nói, mức giá này cao hơn gần 70% so với thị giá đóng cửa phiên 26/12 của TTL (12.500 đồng/cp).

Được biết, sau thông báo thoái vốn của SCIC, cổ phiếu TTL đã tăng trần 05 phiên liên tiếp kể từ phiên giao dịch ngày 5/12/2024 đến phiên giao dịch ngày 11/12/2024, từ mốc 7.900 đồng/cp lên 14.900 đồng/cp, tức tăng đến 89%.

Ngay sau đó, TTL đã phải có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Theo đó, công ty này lý giải việc cổ phiếu TTL tăng giá là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường, các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của Tổng công ty, đồng thời khẳng định mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động và công ty không có có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau cơn sốt giá thì cổ phiếu này lại nhanh chóng hạ nhiệt, TTL đã có hai phiên giảm sàn từ 14.900 đồng/cp, xuống còn 12.200 đồng và chốt phiên ngày 03/01/2025, giá chỉ còn 10.700 đồng/cp.

Từ ngày 18/12-26/12, ông Nguyễn Minh Tú -Trưởng Ban kiểm soát TTL cũng đăng ký bán hết 5.000 CP, chiếm 0,01%, theo phương thức khớp lệnh nhằm mục đích cá nhân. Hiện, ông Tú chưa có báo cáo về việc đã bán được cổ phiếu TTL hay chưa.

TTL tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được thành lập vào ngày 6/7/1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985). Năm 2014, TTL cổ phần hoá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tiến hành ĐHCĐ lần thứ nhất.

Ngành nghề chính của TTL là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp xây dựng cầu đường. Nhiều dự án tiêu biểu của TTL có thể kể đến như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, Cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài gòn-Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại TP. Hà Nội và TP. HCM,…

Kết thúc quý 3/2024, TTL báo lãi sau thuế gần 5,14 tỷ đồng, tăng 43,93% so với cùng kỳ (3,57 tỷ đồng) nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh doanh tăng, chi phí tài chính trong kỳ giảm.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, TTL báo lãi sau thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với cùng kỳ (18,6 tỷ đồng) bất chấp doanh thu ghi nhận tăng mạnh từ 1.018 tỷ lên 1.364 tỷ đồng.

Xem bản gốc