Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

SEMIExpo: Bước đệm quan trọng khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ bán dẫn thế giới

Markettimes 1 Tuần trước

Với vị trí địa chính trị chiến lược, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một "mảnh đất vàng" cho các ông lớn công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. 

Theo ước tính của SEMI, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,48%. Đến năm 2029,  quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 31,39 tỷ USD.

Đứng trước cơ hội “nghìn năm có một”, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng trở thành một nhân tố chính trong cuộc chơi bán dẫn toàn cầu. 

Theo đó, ngày 9/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050”, phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó công bố mục tiêu đến năm 2030, đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.

Và để từng bước hoàn thành các mục tiêu, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) lần đầu tiên tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

z6008085871913_ae0003fd731b3ae576c1a9380beccec1.jpgTriển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Vietnam 2024 là triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam

Cánh cửa mở ra cơ hội vàng cho ngành bán dẫn Việt Nam

Trong hai ngày diễn ra sự kiện, Triển lãm đã thu hút sự tham gia của của hơn 5.000 đại biểu và gần 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT, Viettel, CMC, N&G… cùng sự tham gia đông đảo của các thành phần trong hệ sinh thái bán dẫn như các viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong nước, ngoài nước trong lĩnh vực bán dẫn…

Không chỉ vậy, để lan tỏa rộng rãi thông tin về sự kiện tầm cỡ quốc tế này, Goldsun Media Group – đơn vị quảng cáo ngoài trời hàng đầu Việt Nam – đã đồng hành và mang đến một chiến dịch truyền thông ấn tượng. Hình ảnh SEMIExpo Việt Nam 2024 đã phủ sóng mạnh mẽ trên hàng loạt màn hình LED/OOH tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các sân bay quốc tế. Nhờ đó, thông điệp “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” đã nhanh chóng tiếp cận hàng triệu lượt xem, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á, Global Foundries cho rằng, SEMIExpo Viet Nam 2024 là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn cho thấy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

“Những năm gần đây, Việt Nam có sự phát triển vững vàng và nhanh chóng đối với ngành này. Từ thiết kế mạch tích hợp, lắp ráp, thử nghiệm đến đóng gói, Việt Nam có vị trí tốt để tham gia ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị bán dẫn”, ông KC Ang nhận định.

Ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á, Global Foundries

Phân tích cụ thể về lợi thế của Việt Nam tại Tọa đàm "Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Sovico, nguyên quyền Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, về mặt địa chính trị, Việt Nam nằm ở trung tâm của mạng lưới bán dẫn, nơi chiếm 70% tổng sản lượng bán dẫn toàn cầu.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam hiện nằm trong số các quốc gia phát triển nhanh nhất. Với dân số 100 triệu người và tỷ lệ người trẻ cao, Việt Nam nắm giữ nguồn nhân lực rất lớn, tài năng trong các lĩnh vực khoa học, hóa học, công nghệ và thông tin, là nguồn lực quý báu cho phát triển ngành bán dẫn. Ngoài ra, đất nước còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cần thiết cho sản xuất bán dẫn.

Trước những lợi thế tiềm năng, các diễn giả nhận định việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là về thiết bị, sản xuất là rất cần thiết. Sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là động lực quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành sản xuất.

Tại phiên tọa đàm với chủ đề “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu”, ông Tomas Konigs - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, hiện nay có nhiều công ty sản xuất thiết bị bán dẫn trên thế giới rất quan tâm đến Việt Nam, trong đó có nhiều mối quan tâm đến ngành Cơ khí chính xác.

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm "Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu"

Đồng quan điểm, Thành viên Hội đồng, Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, CEO Advantest Singapore, ông Ricky Sim chia sẻ, khi sản xuất các thiết bị kiểm thử, các tiêu chí chính khi mở nhà máy của Tập đoàn là khả năng vận chuyển dễ dàng, độ tin cậy và điều kiện kinh doanh thuận lợi của quốc gia. 

“Khi Advantest quyết định mở rộng trung tâm sản xuất thì chắc chắn chúng tôi sẽ cân nhắc Việt Nam như một điểm đến tiềm năng”, vị lãnh đạo Advantest Singapore cho hay.

Nguồn nhân lực - một trong những yếu tố các đối tác trông chờ ở Việt Nam 

Tại Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”, các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí rằng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của nhiều bên liên quan. 

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. HCM, Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn đất nước, và trong số đó, chỉ 20% kỹ sư đạt tiêu chuẩn cho ngành công nghệ cao; phần còn lại cần phải được đào tạo thêm. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 - 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Yeonsang Park, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán dẫn liên trường, ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) cho rằng, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo. Theo ông Yeonsang Park, trong giai đoạn đầu phát triển, chính phủ nên nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty toàn cầu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp.

“Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với các công ty quốc tế, gửi sinh viên ra nước ngoài và tiếp cận công nghệ cao cấp. Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần áp dụng mô hình tương tự”, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu bán dẫn liên trường, ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) cho hay.

Ông Yeonsang Park, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán dẫn liên trường, ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) tại Tọa đàm “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”

Còn theo ông Laurent El Ghaoui, Hiệu phó Trường Đại học VinUni, hợp tác quốc tế  không nên chỉ dừng ở Chính phủ mà còn từ hiệp hội doanh nghiệp.

“Hợp tác quốc tế không nên chỉ dừng lại ở các học viện mà cần có sự tham gia của các thành phần trong toàn bộ ngành.

Ông Laurent El Ghaoui, Hiệu phó Trường Đại học VinUni

Không chỉ dừng lại ở các diễn đàn chia sẻ chuyên sâu, trong khuôn khổ SEMIExpo Việt Nam 2024, Chương trình Đối thoại với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì là diễn đàn cấp cao để trao đổi, chia sẻ những thực tiễn tốt nhất của ngành công nghiệp bán dẫn từ các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam. 

Chia sẻ tại cuộc hội đàm, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á cho biết,  qua những thông tin được chia sẻ tại Đối thoại sẽ đưa ra được những chính sách tốt, ý tưởng hay; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với những tiềm năng, lợi thế như có vị thế địa chính trị quan trọng, nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam có nhiều tiềm năng để nâng cao ngành này, giúp Việt Nam đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu; khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ SEMIExpo Viet Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Chương trình Đối thoại với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước

Có thể thấy, triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 là một sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực được coi là “trái tim” của công nghệ hiện đại và là nền tảng cho nền kinh tế số. 

Với cam kết mạnh mẽ từ các bên tham gia về việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn trong khu vực và trên thế giới./.

Xem bản gốc