Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Siêu dự án Hoá dầu 5 tỷ USD tại Vũng Tàu tạm dừng thương mại do thị trường suy giảm, đại gia Thái Lan lỗ ròng 1.560 tỷ đồng trong quý 3

Markettimes 3 Tuần trước

Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2024,  trong đó khu vực ASEAN (không bao gồm Thái Lan) đạt doanh thu 50.710 tỷ đồng (tương đương 2,03 tỷ USD) – tăng 13% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào điều kiện thị trường tại các khu vực đang hoạt động được cải thiện, đặc biệt là ở Việt Nam và Indonesia, và đóng góp 19% vào tổng doanh thu bán hàng của SCG.

Riêng tại Việt Nam, SCG ghi nhận doanh thu bán hàng trong 9 tháng đạt 25.670 tỷ đồng (tương đương 1,03 tỷ USD), tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh thu từ nhóm ngành Hoá dầu SCG Chemicals (SCGC).

Về dự án hóa dầu Long Sơn (LSP) - tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, trong lần vận hành thương mại ngày 30/9 đã đạt sản lượng 74.000 tấn hạt nhựa trong giai đoạn thử nghiệm.

Theo SCG, dự án LSP đã ghi nhận các khoản chi phí cố định cho việc vận hành sản xuất hạ nguồn, chủ yếu là khấu hao và lãi suất. Vào quý cuối năm nay, các chi phí cố định từ hoạt động thượng nguồn sẽ được ghi nhận sau khi hoạt động thương mại đi vào ổn định.

Tuy nhiên, trước tình hình ngành hóa dầu toàn cầu đang suy giảm với cung vượt cầu và nhu cầu cho các sản phẩm hóa dầu suy giảm, LSP đã đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động thương mại dự án.

Dự kiến, Công ty sẽ tái khởi động sản xuất khi thị trường phục hồi. Hiện, LSP ghi nhận lỗ ròng quý 3/2024 (không tính IRS) khoảng 1.560 tỷ đồng (tương đương 62,9 triệu USD).

Bên cạnh đó, SCGC đang triển khai dự án đầu tư nhằm nâng cao quy trình sản xuất tại tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP), hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh dài hạn thông qua việc tăng tính linh hoạt trong vận hành. Trọng tâm của dự án là nhập khẩu khí ethane từ Mỹ làm nguyên liệu đầu vào, kết hợp với nguồn naphtha và propane hiện có.

Trong 3 năm qua, giá ethane trung bình thấp hơn khoảng 40% so với naphtha và propane, do vậy, sử dụng ethane sẽ giúp SCGC kiểm soát chi phí tốt hơn và giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên liệu. Việc gia tăng sử dụng ethane còn hỗ trợ giảm phát thải CO2 và hạn chế sản phẩm phụ phát sinh.

Điểm mạnh của LSP nằm ở khả năng tiếp nhận nguyên liệu khí với hệ thống tiện ích trung tâm sẵn sàng cho các bể chứa và đường ống khí ethane. Với ngân sách đầu tư 700 triệu USD, chủ yếu dành cho xây dựng các bể chứa khí ethane và cơ sở hạ tầng liên quan, dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.

Khi chính thức đi vào hoạt động, LSP sẽ sản xuất olefins và polyolefin để đáp ứng nhu cầu tăng cao của ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Dự án sẽ được điều chỉnh linh hoạt dựa trên giá nguyên liệu, nhu cầu sản phẩm và bối cảnh kinh tế toàn cầu, nhằm tối đa hóa lợi thế cạnh tranh và hiệu quả sản xuất tại tất cả nhà máy của SCGC tại Thái Lan và Việt Nam.

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn được đầu tư bởi Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (LSP) – công ty con do SCG Chemical (SCGC) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối.

Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển). Đây cũng là dự án duy nhất có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD của Thái Lan tại Việt Nam và chiếm tới hơn 30% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm - nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm nhựa dùng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm từ Tổ hợp sẽ giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được kì vọng sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và các ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xem bản gốc