


Challenger 2 TES Megatron là biến thể nâng cấp của dòng xe tăng Challenger 2, được thiết kế để tăng cường khả năng sống sót và hiệu quả chiến đấu trong các chiến trường đô thị và môi trường khắc nghiệt.



Challenger 2 TES Megatron có chiều dài tổng thể 13,5m, rộng 3,5m và cao 2,49m. Phiên bản TES Megatron có trọng lượng dao động từ 64 đến 75 tấn, tăng đáng kể so với phiên bản tiêu chuẩn. Xe sử dụng động cơ diesel Perkins Caterpillar CV12-6A 1.200 mã lực. Tốc độ tối đa 60 km/h trên đường bằng và 40 km/h trong điều kiện địa hình. Tầm hoạt động của xe khoảng 450-500km, Xe tăng được vận hành bởi kíp lái 4 người, bao gồm trưởng xe, xạ thủ, liên lạc viên và lái xe, đảm bảo khả năng phối hợp nhịp nhàng trong tác chiến.

Challenger 2 TES Megatron được trang bị lớp giáp phức hợp Chobham thế hệ thứ hai (còn gọi là Dorchester), vốn được coi là một trong những loại giáp tốt nhất thế giới. Thành phần của giáp Dorchester là bí mật quân sự, nhưng được cho là cứng hơn thép gấp đôi và có khả năng vô hiệu hóa đạn chống tăng nổ lõm (HEAT) cũng như đạn xuyên giáp (APFSDS).


Trong chiến tranh Iraq năm 2003, một chiếc Challenger 2 đã sống sót sau khi bị bắn trúng 14 quả đạn RPG-7 và một tên lửa chống tăng MILAN, chứng minh khả năng bảo vệ vượt trội của lớp giáp Chobham/Dorchester. Một trường hợp khác vào năm 2006 cho thấy xe vẫn có thể di chuyển 2,5km để về vị trí an toàn sau khi bị xuyên thủng bởi RPG-29, dù kíp lái bị thương.

Challenger 2 TES Megatron tích hợp các hệ thống điện tử hiện đại, bao gồm: Hệ thống điều khiển hỏa lực quan sát đồng thời các mục tiêu khác nhau, với kính ngắm SAGEM VS 580-10 (có tích hợp đo xa laser) và hệ thống ảnh nhiệt TOGS II. Công nghệ “Black Night”. Ngoài ra, xe còn tích hợp hệ thống bảo vệ laser và cảm biến cảnh báo tên lửa, giúp phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ xa. Hệ thống quan sát toàn cảnh: Cung cấp khả năng quan sát 360 độ, cải thiện nhận thức tình huống cho kíp lái.

Challenger 2 TES Megatron đã được triển khai trong các chiến dịch tại Iraq, nơi nó thể hiện khả năng sống sót ấn tượng trước các cuộc tấn công bằng RPG và IED. Tuy nhiên, tại chiến trường Ukraine, nơi 14 chiếc Challenger 2 được Anh cung cấp cho Lữ đoàn 82, xe tăng này đối mặt với nhiều thách thức.

Một số xe đã bị phá hủy bởi UAV tự sát Lancet của Nga, cho thấy sự dễ tổn thương trước các mối đe dọa hiện đại như máy bay không người lái. Mặc dù được ca ngợi về khả năng bảo vệ và hỏa lực, lính Ukraine đã phàn nàn về kích thước cồng kềnh và khó khăn trong bảo dưỡng, đặc biệt là khi thiếu phụ tùng thay thế. Điều này làm giảm hiệu quả chiến đấu của xe trong các chiến dịch phản công.

Challenger 2 TES Megatron là minh chứng cho triết lý thiết kế của Anh: ưu tiên khả năng bảo vệ và độ tin cậy hơn tính cơ động. Với lớp giáp Chobham/Dorchester, pháo L30A1 chính xác và các hệ thống điện tử tân tiến, xe tăng Challenger 2 TES Megatron là một cỗ máy chiến đấu đáng gờm, nhưng không phải là bất khả chiến bại.