Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Sóng gió ngành ô tô Nhật: Honda và Nissan thảo luận vụ sáp nhập lịch sử

Báo Tin tức 4 Tuần trước
Chú thích ảnh Tổng giám đốc điều hành Nissan Motor, Makoto Uchida (trái) và Tổng giám đốc điều hành Honda Motor, Toshihiro Mibe (phải) vào tháng 3. Ảnh: Getty Images

Theo CNN, hai công ty cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đàm phán, nhưng họ không đưa ra thông tin chi tiết hoặc khung thời gian về thời điểm một thỏa thuận - nếu có - có thể được hoàn tất. Cũng không rõ liên doanh có thể có hình thức như thế nào. Trước đó, ngày 17/12, hãng tin Nikkei lần đầu tiên đưa tin về cuộc sáp nhập tiềm năng này.

“Như đã thông báo vào tháng 3, Honda và Nissan đang khám phá nhiều khả năng hợp tác trong tương lai, tận dụng thế mạnh của nhau”, các công ty cho biết trong một tuyên bố ngày 17/12. “Nếu có bất kỳ thông tin cập nhật nào, chúng tôi sẽ thông báo cho các bên liên quan vào thời điểm thích hợp”.

Hồi tháng 3, Honda và Nissan đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác về xe điện, và vào tháng 8, họ cho biết sẽ hợp tác về công nghệ pin. Nhưng hai công ty đều có thể hưởng lợi từ việc thắt chặt mối quan hệ vì cả hai đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay.

Cả Honda và Nissan, giống như nhiều nhà sản xuất ô tô không phải của Trung Quốc, đã phải vật lộn ở thị trường Trung Quốc từng đầy hứa hẹn - thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc, từng ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, nay phần lớn đã chuyển sang các thương hiệu trong nước, vốn được đánh giá cao hơn ở nước này. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra các ưu đãi để giúp đẩy nhanh quá trình khách hàng chấp nhận xe điện và xe lai điện sản xuất nội địa.

Mặc dù cả hai công ty Nhật Bản đều cung cấp xe điện và xe lai điện – đặc biệt Nissan là công ty tiên phong trong công nghệ xe điện, các thương hiệu Trung Quốc như BYD đã làm lu mờ công nghệ của họ và có giá rẻ hơn.

Nissan cũng gặp khó khăn kể từ khi cựu CEO Carlos Ghosn trốn khỏi Nhật Bản để trở về quê hương Liban. Ông Ghosn đã bị bắt tại Tokyo vào năm 2018 vì bị nghi ngờ có hành vi sai trái về tài chính và Nissan đã sa thải ông. Cựu CEO Nissan đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc.

Vụ việc pháp lý với Carlos Ghosn đã làm rung chuyển liên minh sản xuất ô tô hùng mạnh giữa Nissan, Renault và Mitsubishi. Từng là quan hệ đối tác sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Renault đã giảm mạnh cổ phần sở hữu tại Nissan, làm suy yếu nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

Nissan cho biết doanh thu hoạt động của họ từ tháng 3 đến tháng 9 đã giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Honda, công ty có quy mô lớn gấp khoảng 5 lần Nissan, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Công ty đã công bố kế hoạch chỉ bán xe không phát thải tại các thị trường lớn vào năm 2040. Nhưng quá trình chuyển đổi diễn ra chậm chạp vì giá xăng tương đối thấp, cơ sở hạ tầng sạc không đủ và sự cạnh tranh gia tăng đã kéo nhu cầu về xe điện tại Mỹ và châu Âu xuống thấp.

Xem bản gốc