Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Nhịp sống kinh doanh 1 Tháng trước
130859-my-bao-helene-manh-len-cap-cuc-ky-nguy-hiem.jpg Lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ do ảnh hưởng của bão Helene tại Cancun, Mexico ngày 25/9/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN 

1. Các tổ chức quốc tế tin tưởng vào sức mạnh của kinh tế Việt Nam bất chấp những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) gây ra. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ngân hàng HSBC dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6% trở lên trong hai năm 2024 và 2025 khi lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng tích cực.

2. Bão Helene trở thành một trong năm cơn bão gây thiệt hại kinh tế nặng nề nhất lịch sử nước Mỹ khi tổng thiệt hại kinh tế có thể lên tới 160 tỷ USD. Bão Helene đã càn quét các bang miền Đông Nam nước Mỹ, khiến 212 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và nhiều khu vực dân cư tại 6 bang bị tàn phá nặng nề (số liệu tính đến ngày 4/10 theo giờ địa phương).

3. Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/10 đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với ô tô điện nhập khẩu của Trung Quốc. Dự kiến, quyết định áp thuế sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/10 tới, trừ khi các cuộc đàm phán với Trung Quốc đưa ra được giải pháp giúp chấm dứt tình trạng bế tắc.

175442-eu-ap-thue-tam-thoi-38-doi-voi-xe-dien-trung-quoc.jpg Mẫu xe điện của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD được trưng bày tại Budapest, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN

4. Giá lương thực thế giới trong tháng 9/2024 tăng mạnh nhất trong 18 tháng do giá đường tăng vọt bắt nguồn từ những lo ngại về việc Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế sử dụng mía trong sản xuất ethanol sẽ ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu, cũng như tình trạng mất mùa ở Brazil.

074029-fao-gia-luong-thuc-tren-the-gioi-o-muc-cao-nhat-tu-truoc-den-nay.jpg Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN 

5. Chỉ số Dow Jones tăng 341,16 điểm (tương đương 0,81%) lên 42.352,75 điểm, mức chốt phiên cao kỷ lục, sau khi báo cáo việc làm tháng Chín của Mỹ khả quan hơn dự kiến, xua tan nỗi lo suy thoái kinh tế.

6. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia liên minh (OPEC+) không đề nghị thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp ngày 2/10. Điều này khiến xu hướng biến động giá dầu trong thời gian tới trở nên khó đoán giữa bối cảnh xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang và xuất hiện những lo ngại mới về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ.

7. Hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 9/2024 giảm tháng thứ năm liên tiếp khiếncác chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cần nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 khi chỉ còn chưa tới ba tháng nữa là kết thúc năm.

8. Lạm phát tháng 9/2024 tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần đầu tiên dưới ngưỡng 2% sau hơn 3 năm qua, làm dấy lên dự đoán về một đợt cắt giảm lãi suất mới tại cuộc họp ngày 17/10 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

9. Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn công nghệ Meta, ông Mark Zuckerberg, trở thành người giàu thứ hai thế giới khi chứng kiến giá trị tài sản tăng 78 tỷ USD kể từ đầu năm 2024 đến nay. Giá trị tài sản ròng của ông Zuckerberg hiện đạt 206,2 tỷ USD, chỉ thấp hơn người giàu nhất thế giới là CEO Tesla, ông Elon Musk, khoảng 50 tỷ USD./.

Xem bản gốc