(Xây dựng) - Việt Nam đã vươn lên lọt top 10 điểm đến đầu tư bất động sản thế giới về đất đai và phát triển, khẳng định sức hút mạnh mẽ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ về bất động sản
Một thông tin nổi bật từ báo cáo Dòng vốn toàn cầu tháng 3/2025 của Colliers mới đây cho thấy, Việt Nam đang khẳng định sức hút ngày càng lớn của đối với các nhà đầu tư quốc tế khi lọt vào top 10 điểm đến hàng đầu về vốn đầu tư đất đai và phát triển, cùng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) như: Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ, Malaysia và Nhật Bản.
![]() |
Việt Nam đang khẳng định sức hút ngày càng lớn của đối với các nhà đầu tư quốc tế. |
Theo báo cáo, APAC tiếp tục là khu vực dẫn đầu về nguồn vốn bất động sản toàn cầu, với bốn thành phố gồm: Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong top 10 nguồn vốn lớn nhất thế giới. Trong 24 tháng qua, khu vực này đã thu hút dòng vốn mạnh mẽ, phản ánh sức hấp dẫn đa dạng và tiềm năng phát triển vượt bậc.
Tổng khối lượng đầu tư tại APAC trong năm 2024 đạt 72% so với mức trung bình 5 năm trước, với 183 tỷ USD được rót vào sáu lĩnh vực chính. Trong đó, lĩnh vực văn phòng dẫn đầu với 57 tỷ USD, tiếp theo là công nghiệp (55 tỷ USD), bán lẻ (37 tỷ USD), nhà ở đa gia đình (17 tỷ USD) và khách sạn (15 tỷ USD).
Ông Chris Pilgrim, Giám đốc Điều hành Thị trường Vốn Toàn cầu khu vực APAC tại Colliers chia sẻ: “Việc Việt Nam góp mặt trong top 10 điểm đến về đất đai và phát triển cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia này, bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc và Singapore”. Ông Chris Pilgrim cũng nhấn mạnh rằng, APAC đang dẫn đầu dòng vốn xuyên biên giới, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và phát triển, với 7/10 điểm đến hàng đầu thế giới thuộc khu vực này.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia như Nhật Bản, Úc và Trung Quốc cũng nằm trong top 10 điểm đến đầu tư vào tài sản hiện hữu toàn cầu. Trong khi đó, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục là những nguồn vốn xuyên biên giới quan trọng. Lĩnh vực công nghiệp và logistics (I&L) nổi lên là ngành sôi động nhất trong 24 tháng qua trên toàn cầu, dù tại APAC, lĩnh vực này chỉ đứng sau văn phòng về khối lượng đầu tư. Bán lẻ cũng duy trì sức hút ổn định tại khu vực.
Người nước ngoài đang gia tăng mua nhà tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, xu hướng gia tăng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang tiếp tục phát triển. Đặc biệt, từ khi Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2024, việc người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.
![]() |
Xu hướng gia tăng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam đang phát triển. |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính từ năm 2015 đến hết quý III/2023 đã có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại và tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong đó, Hà Nội chiếm hơn phân nửa với 1,765 căn - chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018-2022. Tính tới nửa đầu năm 2024, người nước ngoài đã mua hơn 1.000 căn hộ tại Hà Nội. Quý cuối năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho phép thêm 7 dự án chung cư, với khoảng 3.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài. Các dự án nằm trong khu đô thị cũng nhanh chóng bán hết khoảng hơn 60% quỹ căn được phép mở bán cho người nước ngoài, với mức giá cao hơn 10% so với người Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 với các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng người nước ngoài mua nhà tại Hà Nội – một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, xu hướng gia tăng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, sẽ tiếp tục phát triển. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, góp phần hấp thụ một lượng tương đối lớn các sản phẩm cao cấp, hạng sang vẫn còn “tồn kho” trên thị trường. Song xu hướng này cũng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các chủ đầu tư trong việc đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng này.
Để đón đầu cơ hội từ nhóm nhu cầu này, các chủ đầu tư cần nghiên cứu thị trường để xác định nhóm khách hàng mục tiêu đến từ quốc gia nào, khả năng chi trả ra sao? Từ đó, triển khai thực hiện các dự án phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng nước ngoài.