Ngoài việc tác động lên thị trường, ngành bất động sản nói chung, việc điều chỉnh giá đất cũng đã và đang tác động hai chiều lên chi phí tài chính của các doanh nghiệp sản xuất
Khu vực ven sông Sài Gòn phía Khu đô thị Thủ Thiêm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Thành phố Hồ Chí Minh chính thức áp dụng bảng giá đất mới kể từ ngày 31/10/2024, với hầu hết các tuyến đường, khu vực trên địa bàn tăng từ 4-38 lần.
Ngoài việc tác động lên thị trường, ngành bất động sản nói chung, việc điều chỉnh giá đất cũng đã và đang tác động hai chiều lên chi phí tài chính của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp phải thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Cách đây 1 năm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng liên quan đến vấn đề tài sản đảm bảo. Khi đó, thị trường bất động sản hầu như trong tình trạng “đóng băng,” khiến định giá tài sản cũng bị ảnh hưởng giảm theo.
Phần lớn tài sản thế chấp của nhóm doanh nghiệp này là đất nông nghiệp, được ngân hàng định giá rất thấp. Thậm chí, có doanh nghiệp phản ánh, hạn mức tín dụng được cấp chỉ được 20% giá trị tài sản thế chấp; trong khi đó, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được.
Đầu năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có văn bản kiến nghị ngành ngân hàng xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này; đồng thời thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai, trong bối cảnh có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
Thực tế, ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá đất nông nghiệp trên thị trường thường neo khá cao, nhưng các ngân hàng không thể áp dụng giá thị trường để định giá và đưa ra hạn mức cho vay, mà phải căn cứ vào bảng giá đất Nhà nước quy định. Chính vì vậy, khi Ủy ban Nhân dân công bố bảng giá đất mới, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn rất mong chờ chính sách này sớm được triển khai.
Đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các ngân hàng định giá tài sản quá khắt khe, thấp hơn nhiều so với thị trường khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn. Do đó, các doanh nghiệp nông nghiệp rất mong muốn ngành ngân hàng sớm áp bảng giá đất mới trong việc định giá tài sản đảm bảo để hạn mức khoản vay được tốt hơn.
Ngược lại với kỳ vọng trên, các doanh nghiệp đang phải thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh lại “đứng ngồi không yên” khi lo lắng bảng giá đất mới sẽ làm “đội vốn” sản xuất, khiến hoạt động kinh doanh khả năng kém hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bất động sản khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh thuộc khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Theo ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm sản Sài Gòn, hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức thấp, hỗ trợ rất tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh lại phải đối mặt với vấn đề mới phát sinh, đó là bảng giá đất tăng đáng kể từ ngày 31/10/2024. Điều này sẽ kéo theo chi phí tài chính đầu vào của doanh nghiệp tăng cao, nhất là những doanh nghiệp đang phải thuê đất sản xuất, kinh doanh.
“Với giá đất mới, chúng tôi dự tính chi phí sản xuất đầu vào sẽ tăng lên đáng kể, doanh nghiệp có thể bị lỗ vốn, không thể làm được đơn hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Do đó, nếu giá đất tăng, có thể nhiều doanh nghiệp như chúng tôi không gánh nổi chi phí đó,” ông Tô Ngọc Ngời cho biết.
Thực tế phản ánh của doanh nghiệp cũng đã được Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận. Mặc dù nền kinh tế đang hồi phục tích cực, song nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với tình hình suy giảm về tiêu dùng.
Điều này khiến lượng hàng sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho gia tăng và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị sụt giảm đơn hàng một cách trầm trọng.
Vài tháng gần đây, tình hình đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tích cực hơn trong một số ngành như dệt may, chế biến gỗ, một số sản phẩm nông nghiệp... Do đó, nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiếm được đơn hàng mới nhưng không dám tăng giá, thậm chí phải giảm giá để cạnh tranh. Và điều này sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm và vẫn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn cũ chưa qua, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện lại phải đối mặt với khó khăn mới phát sinh đó là tăng giá đất và tăng giá thuê đất. Việc tăng giá đất sẽ có lợi doanh nghiệp đang có tài sản thế chấp nhưng với những doanh nghiệp đang phải thuê đất thì lại chịu ảnh hưởng vô cùng lớn. Bởi kiếm được đơn hàng đã khó, hàng hóa khi bán cũng không đem lại lợi nhuận cao, nhưng giờ đây giá thuê đất lại tăng mạnh một cách bất ngờ. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp rơi vào “khó khăn kép” và sẽ không dám vay vốn để sản xuất kinh doanh - ông Tuệ phân tích.
Với tình hình giá thuê đất tăng, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét giãn thời gian áp dụng bảng giá đất mới cho kế hoạch năm sau để các doanh nghiệp chủ động trong ký hợp đồng thuê đất mới. Nếu áp giá mới vào các hợp đồng đã ký trong năm nay, giá vốn đội lên bất ngờ sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn, họ sẽ không dám đầu tư sản xuất kinh doanh nữa.
Dự kiến, giữa tháng 11/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về giá đất và giá thuê đất, nhằm lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến tác động của bảng giá đất mới lên hoạt động doanh nghiệp.
Qua đó, kịp thời có những kiến nghị phù hợp lên Ủy ban Nhân dân thành phố có giải pháp tháo gỡ, với mục tiêu ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.