Điện hạt nhân là nguồn điện không phát thải. Đây cũng là nguồn điện ổn định và không phụ thuộc vào những biến động chính trị, giá dầu, giá than... Theo các chuyên gia, nếu điện hạt nhân dần thay thế những nguồn điện có phát thải như than, khí... thì đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể đạt được lộ trình Net Zero đã cam kết với quốc tế.
Ngoài ra, năng lượng hạt nhân còn là cơ hội lớn giúp nước ta phát triển cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam vào chiều 27/12. Theo Bộ trưởng, hiện nay, năng lượng hạt nhân đang được coi là xu hướng toàn cầu. Đây là nguồn năng lượng sạch và gần như không phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, thông qua việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân, Việt Nam hướng đến sử dụng nguồn năng lượng này. Việc này được coi là cơ hội cho Việt Nam để phát triển ngành năng lượng hạt nhân, từ đó góp phần đảm bảo năng lượng, đồng thời phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng 10 – 13% hàng năm. Để đáp ứng được mục tiêu GDP từ 6,5 – 7% thì việc phát triển năng lượng hạt nhân được coi là giải pháp chiến lược cho "mục tiêu kép" là bảo đảm an ninh năng lượng cũng như đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Điện hạt nhân là xu thế toàn cầu hiện nay
Mặt khác, theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung năng lượng bền vững. Do đó, phát triển điện hạt nhân được coi là nguồn điện nền ổn định, từ đó góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi năng lượng sạch.
Theo kế hoạch, hai nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận. Hai nhà máy này sẽ được xây dựng với yêu cầu khắt khe về an toàn và công nghệ hiện đại, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thúc đẩy các chương trình như Net Zero bằng năng lượng hạt nhân và coi đây thành giải pháp cốt lõi trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Thực tế tại Việt Nam, công nghệ hạt nhân đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường. Cụ thể, trong năm 2024, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã nghiên cứu thuốc phóng xạ sử dụng trong điều trị ung thư.
Trong nông nghiệp, Viện Nghiên cứu hạt nhân cũng đã chế tạo sản phẩm nano phòng bệnh nấm và nghiên cứu tăng sinh khối rễ sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, Trung tâm Vinagamma đã phát triển nano bạc - đồng để giúp bảo quản thực phẩm. Theo TS Trần Chí Thành, những ứng dụng này góp phần mang lại doanh thu hơn 400 tỷ đồng cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Theo TS Trần Chí Thành, trước mắt, việc nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân và an toàn hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam để có thể tư vấn và hỗ trợ cho Chính phủ cũng như các chủ đầu tư quay lại với chương trình điện hạt nhân, lựa chọn công nghệ phù hợp khi tái khởi động lại dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi nước ta phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi gồm nhiều lĩnh vực. Đội ngũ chuyên gia này sẽ giúp xây dựng một chương trình quốc gia phát triển nghiên cứu, hỗ trợ cho đảm bảo an toàn trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực nội địa hoá và sản xuất các thiết bị điện hạt nhân.
Tại phiên bế mạc vào chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.