Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tăng cường 'hệ miễn dịch số'

Báo Tin tức 1 Tháng trước
Chú thích ảnh Cứ mỗi nửa giây, thế giới lại có một em nhỏ lần đầu tiên tiếp cận Internet. Ảnh minh họa: Gizchina

Qua các thiết bị thông minh, trẻ em không chỉ kết nối bạn bè mà còn mở rộng cánh cửa khám phá những nguồn tri thức vô tận. Tuy nhiên, việc tiếp cận Internet từ rất nhỏ, khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, khiến trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, thậm chí trở thành nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trực tuyến.

Theo cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 30% số trẻ em và thanh thiếu niên tại 30 quốc gia được khảo sát trên thế giới đã phải trải qua những trải nghiệm tiêu cực từ môi trường trực tuyến, trong đó có đến 20% trong số này phải bỏ học vì bị bắt nạt trực tuyến. 

Một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) còn cho thấy hơn 50% trẻ em trong độ tuổi từ 9 - 16 tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng là nạn nhân của các hình thức bắt nạt trực tuyến hoặc tiếp xúc với những nội dung không phù hợp. Tình hình cũng không mấy khả quan tại các quốc gia khác. Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết hơn 60% phụ huynh tại Mỹ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của Internet đối với con cái họ, trong khi hơn 1/4 trẻ em từ 8 - 12 tuổi đã từng bị bắt nạt trực tuyến hoặc tiếp cận những nội dung khiêu dâm.

Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã triển khai những chính sách mạnh mẽ nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trực tuyến. Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tiên phong với Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải có sự đồng ý rõ ràng của phụ huynh hoặc người giám hộ khi trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, Chiến lược An toàn mạng cho trẻ em của EU cũng đặt mục tiêu không chỉ bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ mà còn trang bị cho các em những kiến thức về an toàn trực tuyến. 

Với Luật Thực thi mạng (NetzDG), Đức yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội phải gỡ bỏ các nội dung có hại trong vòng 24 giờ và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi không tuân thủ. Trong khi đó, Ireland đã chỉ định một Ủy viên An toàn trực tuyến nhằm giám sát các nền tảng mạng, đặc biệt là việc kiểm soát các nội dung gây hại cho trẻ em.

Tại Anh, Đạo luật An toàn trực tuyến (Online Safety Bill) được ban hành cuối tháng trước, với mục đích biến nước này thành “khu vực an toàn nhất thế giới trên không gian mạng”. Đạo luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội ngừng phát tán nội dung độc hại và không phù hợp với trẻ em, đồng thời áp dụng các biện pháp xác minh độ tuổi và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các nền tảng vi phạm có thể phải chịu phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hoặc 18 triệu bảng Anh (hơn 22,3 triệu USD). 

Tại Mỹ, các đạo luật như Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA) và Luật An toàn trực tuyến cho trẻ em (KOSA) đang hình thành khuôn khổ bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hại trên mạng, đồng thời giúp phụ huynh giám sát hoạt động của con cái.

Canada cũng không đứng ngoài cuộc khi thông qua Luật Thực hiện Hiến chương kỹ thuật số 2022, nhấn mạnh quyền riêng tư của trẻ vị thành niên và yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải có những biện pháp bảo vệ cụ thể, đặc biệt là chống lại lạm dụng tình dục và quấy rối trực tuyến. Một trong những điểm nổi bật của luật này là việc thiết lập đường dây nóng Cybertip.ca, giúp nạn nhân hoặc bất kỳ ai có thông tin về các nội dung xâm hại trực tuyến có thể báo cáo ngay lập tức, từ đó đảm bảo hành động kịp thời và hiệu quả.

Tương tự, Brazil cũng đã thông qua Luật Bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân năm 2020, trong đó yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Một trong những điều khoản quan trọng của luật là hạn chế việc thu thập dữ liệu từ trẻ em và hạn chế quảng cáo nhắm vào nhóm đối tượng này, nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa tiềm tàng từ không gian số.

Argentina đã ban hành Luật Bảo vệ toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm các điều khoản nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn hành vi dụ dỗ và bắt nạt trực tuyến. Nước này còn triển khai Kế hoạch Quốc gia về hòa nhập kỹ thuật số và bảo vệ trẻ em, tập trung vào việc giáo dục gia đình và trẻ em về an toàn trực tuyến. Bên cạnh đó, các trường học cũng được trang bị kiến thức và công cụ để xử lý các trường hợp lạm dụng kỹ thuật số, tạo ra một mạng lưới bảo vệ chặt chẽ cho thế hệ trẻ.

Ở châu Đại Dương, Australia là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đưa ra các quy định bảo vệ an toàn trực tuyến cho trẻ em. Australia cũng đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, trong bối cảnh Cơ quan An ninh Thông tin Australia (ACMA) báo cáo năm 2023, có tới 47% trẻ em trong độ tuổi từ 10-16 đã tiếp cận với các nội dung bạo lực hoặc khiêu dâm trên Internet. 

Luật An toàn trực tuyến (eSafety), có hiệu lực từ năm 2021, được xem là một trong những bộ quy tắc toàn diện nhất trên thế giới, cho phép Ủy viên An toàn kỹ thuật số quyền yêu cầu các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ ngay lập tức các nội dung có hại đối với trẻ em trong vòng 24 giờ. Luật cũng yêu cầu triển khai các chương trình giáo dục về an toàn trực tuyến cho cả trẻ em và phụ huynh. 

New Zealand cũng không kém phần quyết liệt khi ban hành Luật Chống truyền thông kỹ thuật số có hại, đối phó với tình trạng bắt nạt và quấy rối trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Chính phủ còn hợp tác với tổ chức NetSafe để triển khai các chiến dịch tuyên truyền và các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về an toàn mạng cho cả trẻ em và phụ huynh. Mục tiêu là giúp cộng đồng không chỉ nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng, mà còn trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi các hành vi xâm hại.

Các quốc gia tại châu Á và châu Phi cũng đang nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi các mối nguy hiểm trực tuyến. Hàn Quốc đã áp dụng "hệ thống tắt máy" để hạn chế trẻ vị thành niên truy cập vào các trò chơi trực tuyến vào ban đêm, giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với bạo lực trực tuyến và hạn chế nghiện game. Tại Nhật Bản, Luật Phòng ngừa bắt nạt trực tuyến đã được ban hành để giúp các nạn nhân yêu cầu xóa các nội dung có hại trên mạng.

Trung Quốc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội và các công ty trò chơi trực tuyến phải thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm xác minh độ tuổi và giới hạn thời gian sử dụng dịch vụ đối với người dưới 18 tuổi.

Chú thích ảnh Sự phát triển của công nghệ và mạng internet có những tác động to lớn đối với trẻ em. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo của UNICEF, tại Việt Nam có 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng Internet, tỷ lệ ở trẻ 14-15 tuổi là 93%. Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018... đều có quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Năm 2019, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thống nhất thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến.

Trong thế giới số hiện đại, khi công nghệ thay đổi từng ngày, việc bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hiểm trên không gian mạng luôn là một nhiệm vụ cấp bách. Đây không chỉ là trách nhiệm của các chính phủ, tổ chức xã hội mà còn là của mỗi gia đình, nhà trường và các công ty công nghệ toàn cầu. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, chúng ta mới có thể thiết lập và tăng cường "hệ miễn dịch số" cho trẻ em.

Xem bản gốc